Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Đầu tư dự án thép sẽ dựa trên bài học rút ra từ Formosa
(Cadn.com.vn) - Ngày 15-11, các đại biểu Quốc hội bắt đầu phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV. Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Đến ngày 14-11 đã có 89 phiếu chất vấn với 100 câu hỏi của 44 đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thông qua phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được 152 vấn đề đại biểu Quốc hội đề xuất để chất vấn tại kỳ họp này. Bên cạnh đó, báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết đã có 2.986 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
“BÀI HỌC XƯƠNG MÁU”
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Các vấn đề Bộ trưởng tập trung làm rõ gồm: Đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa thích ứng với hội nhập quốc tế; kiểm soát kinh doanh đa cấp; quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; chính sách đột phá phát triển ngành ô-tô theo định hướng đầu tư của Nhà nước và các cam kết hội nhập quốc tế. Phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và đảm bảo an toàn xả lũ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. |
Đánh giá sự cố môi trường biển miền Trung là “bài học xương máu”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng Công Thương trả lời câu hỏi về việc vì sao bổ sung dự án Cà Ná vào quy hoạch thép bất chấp sự phản đối của dư luận? có hay không lợi ích nhóm?
Trước đó Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định dự án này được quy hoạch đúng quy trình. Hiện Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD các sản phẩm về thép, đến năm 2020 có thể nhập lên đến 15 tỷ USD. Lý do là sản xuất trong nước chủ yếu đáp ứng về thép xây dựng và thép chuyên ngành, còn thép thô phục vụ cán thép, luyện thép chưa đáng kể. Bộ trưởng cho biết: mỏ sắt Thạch Khê có quy mô lớn, nếu được khai thác tốt các quặng sắt đưa vào luyện của lò cao để phục vụ sản xuất thép thô, phục vụ cán thép và các ngành sản phẩm thép khác, khả năng có thể đóng góp vào mức tăng trưởng hàng năm khoảng từ 0,3 - 0,4% điểm GDP.
Bộ trưởng Công Thương khẳng định: “Chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy những dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có câu chuyện các dự án thép đưa ra đây để đánh đổi vấn đề về môi trường... Tôi khẳng định luôn tại diễn đàn này, cũng không phải là vấn đề lợi ích nhóm... Chúng ta đang hướng tới phát triển một cách hài hòa và bền vững các ngành kinh tế để đảm bảo được nguyên liệu cho các ngành công nghiệp quan trọng, khai thác một cách hợp lý và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia”.
Đề cập trực tiếp đến Dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Công Thương cho hay dự án này đã có trong quy hoạch giai đoạn 2008-2009. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính thực hiện, dự án này bị đưa ra khỏi quy hoạch. Đến năm 2015, dự án tiếp tục được nghiên cứu, Tập đoàn Hoa Sen đề xuất đưa vào quy hoạch, xin chủ trương đầu tư với cam kết đảm bảo yêu cầu về môi trường, công nghệ. “Đây mới là điều chỉnh quy hoạch và quy hoạch chỉ xây dựng trên cơ sở của những đánh giá lợi thế so sánh và phù hợp thời điểm phục vụ cho phát triển của các dự án đầu tư chứ không phải dự án đầu tư đã được phê duyệt”, Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết thêm, trong quá trình xây dựng các dự án thép, không chỉ có dự án thép Cà Ná mà còn có Dự án thép Dung Quất, cũng như các dự án thép trong quy hoạch về thép sẽ phải đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật, đặc biệt phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ môi trường, dựa trên bài học đã rút ra từ vụ việc Formosa.
TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN KHI ĐỂ XẢY RA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương là phần đăng đàn, trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Các đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Phạm Đình Phúc, Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)... chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà các vấn đề và chương trình, giải pháp khắc phục và trách nhiệm của Bộ trưởng về: Ô nhiễm môi trường nông thôn, đô thị, làng nghề, ô nhiễm các lưu vực sông; giải quyết sự cố Formosa (giám sát hoạt động doanh nghiệp và triển khai công tác đền bù cho người dân); xử lý chất thải rắn công nghiệp; xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, trách nhiệm của Bộ trong việc để xảy ra ô nhiễm môi trường; giải pháp để người dân tham gia giám sát vấn đề môi trường; kịch bản, giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; giải pháp nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. |
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng tình với đánh giá của các đại biểu về thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, làng nghề, các cụm công nghiệp... Nêu các nguyên nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh các giải pháp về quy hoạch sản xuất làng nghề, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại; tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân quy trình công nghệ xử lý chất thải, gìn giữ môi trường; gắn vấn đề môi trường với chương trình xây dựng nông thôn mới;...
Về xử lý trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng cho biết, quy định hiện hành về trách nhiệm trong vấn đề môi trường đã được phân cấp quản lý từ Trung ương, đến địa phương. Tuy nhiên việc phối hợp giải quyết giữa Trung ương và địa phương chưa được quy định rõ, chưa xác định cụ thể trách nhiệm giữa các chủ thể; các quy định cũng được nêu trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau... Theo đó cần sửa đổi quy định pháp luật theo hướng phân cấp rõ ràng, gắn quyền hạn với trách nhiệm cụ thể của từng cấp...
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng trả lời về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các báo cáo đánh giá tác động môi trường; giải pháp về vốn, công nghệ để xử lý môi trường các lưu vực sông; môi trường làng nghề; giải pháp ứng phó biến đổi khí khậu, hạn hán, xâm nhập mặn; xử lý hậu quả sự cố môi trường biển do Formosa gây ra và các giải pháp giám sát quá trình vận hành của Formosa trong xử lý chất thải; quản lý các bãi thải công nghiệp.
TTXVN – VGP
ĐỀ NGHỊ RÀ SOÁT CÁC DỰ ÁN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN MÔI TRƯỜNG Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, tham mưu Chính phủ làm rõ một số vấn đề cụ thể: Chủ động, tích cực rà soát và báo cáo tổng thể những công trình, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để xảy ra thất thoát; rà soát lại quy hoạch phát triển các dự án có liên quan đến môi trường, đời sống của người dân, đặc biệt là các dự án ven biển, trong đó có Dự án thép Cà Ná để báo cáo Quốc hội; làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương và các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quản lý các dự án thua lỗ kém hiệu quả, có giải pháp khẩn trương, quyết liệt, cụ thể để khắc phục từng dự án, tránh tiếp tục thất thoát gây lãng phí. Bộ tiếp tục tổng rà soát công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện việc xả lũ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, giải pháp khắc phục hiệu quả để không xảy ra sự cố, không để xảy ra tình trạng xả lũ đúng quy trình nhưng vẫn gây thiệt hại cho người dân; quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón, sớm xây dựng hoàn chỉnh bộ tiêu chuẩn quốc gia về phân bón, có cơ chế phối hợp và phân công rõ ràng trong quản lý nhà nước về mặt hàng này. Bộ Công Thương triển khai nghiêm và đầy đủ quy định của pháp luật liên quan tới quản lý thị trường, đấu tranh với hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; có chính sách hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước... Bộ Công Thương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực và các giải pháp quyết liệt, hiệu quả, phối hợp tốt với các bộ, ngành, giải quyết tốt các lĩnh vực ngành quản lý. TTXVN – VGP |