Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng

Thứ bảy, 30/10/2021 12:01

Chiều 29-10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và Báo cáo thẩm tra về nội dung này của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 hướng đến tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng-an ninh.Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh cải cách thể chế; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội. Hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; phát triển kinh tế đô thị; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành. Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam.
Kế hoạch đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó, ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, còn bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.

Về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Kế hoạch đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:Hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;Phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực;Phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế;Cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị-nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.Nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bao trùm; tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu;Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hoá, truyền thống, lịch sử, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kế hoạch đã xác định 130 nhiệm vụ cụ thể phân công cho các bộ, ngành, địa phương gắn với việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết đa số ý kiến của Ủy ban cho rằng việc xây dựng Kế hoạch là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn. 

Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, bổ sung trong mục tiêu tổng quát một số nội dung: Phát triển đô thị, kinh tế đô thị; kinh tế đô thị là trụ cột của nền kinh tế quốc dân, khai thác tối đa lợi thế của đô thị để phát triển kinh tế đô thị, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của hệ thống các đô thị; chú trọng mở rộng không gian phát triển kinh tế đô thị theo vùng, phát huy lợi thế kết nối đa chiều; thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị….
Về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước, đồng thời tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để cho thấy rõ nét trọng tâm, trọng điểm và điểm mới.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội xem xét và cho ý kiến tập trung vào các nội dung trong quá trình thảo luận tại Tổ và Hội trường về sự cần thiết ban hành Kế hoạch; Quan điểm và mục tiêu tổng quát và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; danh mục các chương trình, đề án trong Kế hoạch; nguồn lực và phương thức huy động, tổ chức thực hiện; các vấn đề khác trong Kế hoạch mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

TTXVN