Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Độc quyền kéo dài, ngành đường sắt tụt hậu

Thứ tư, 31/05/2017 06:33

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, sáng 30-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và thảo luận về nội dung này. Điều các đại biểu đặc biệt quan tâm là chính sách phát triển đường sắt và những ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt.

Nhiều đại biểu cho rằng, giao thông vận tải đường sắt có vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải, tuy nhiên, việc đầu tư cho lĩnh vực này thời gian qua chưa tương xứng. Thừa nhận đầu tư cho ngành đường sắt thời gian qua còn rất hạn chế, chỉ vào khoảng 3,18% tổng mức đầu tư của ngành giao thông vận tải, trong khi đầu tư cho giao thông đường bộ chiếm tới 88,98% tổng mức đầu tư, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, đường sắt ít được quan tâm, đặc biệt là việc kết nối các phương thức vận tải khác nhau, chính vì vậy đường sắt ngày càng khó phát huy. Thị phần vận tải đường sắt đối với hàng hóa chỉ còn 0,4% thị phần của toàn ngành, đây chính là nguyên nhân dẫn tới chi phí vận tải của nước ta rất cao so với thế giới. 

Từ thực trạng sau hơn 10 năm thực hiện Luật Đường sắt, ngành đường sắt không những không vươn lên mà còn tụt hậu với thiết bị, công nghệ cổ lỗ, chất lượng dịch vụ thấp, thị phần ngày càng giảm, đại biểu Trần Văn Lâm phân tích nguyên nhân là do sự độc quyền kéo dài của doanh nghiệp nhà nước. “Sự độc quyền này không tạo sự hấp dẫn của thị trường vận tải đường sắt, không thu hút được đầu tư của các doanh nghiệp ngoài nhà nước dẫn đến ngành vận tải đường sắt thời gian qua dù nói là mở cửa nhưng không ai dám vào, không có sự cạnh tranh nên ngày một kém chất lượng và mất thị phần”, đại biểu Trần Văn Lâm khẳng định. 

lChiều 30-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) và dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Đa số các đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi).

Thu Thủy – TTXVN