Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Mục tiêu tăng trưởng là “nhiệm vụ hết sức khó khăn”

Thứ tư, 24/05/2017 08:03

(Cadn.com.vn) - Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, sáng 23-5, trao đổi với báo giới, các đại biểu Quốc hội đều có chung nhận định: mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm (6,7%) mà Chính phủ đưa ra trong báo cáo kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng 

"Vướng mắc  ở đâu, tháo gỡ ở đó"

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhận định: Tại phiên khai mạc, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017 và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành trong những tháng tiếp theo. Qua đó cho thấy, định hướng đã được xác định, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các cấp và sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp, người lao động, tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục ổn định về kinh tế vĩ mô, có những điểm sáng với bước phát triển mới, kể cả trong lĩnh vực xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thiện Nhân được bầu làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM

Sau khi kết thúc phiên họp Tổ sáng 23-5, tại cuộc họp đoàn riêng, 100% đại biểu Quốc hội TPHCM đã bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM làm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM.

Trước đó, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM là ông Đinh La Thăng. Hiện ông Đinh La Thăng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, trên cơ sở xem xét đơn xin chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí về việc chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Thiện Nhân từ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh về Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh.           

Phúc Hằng

Việc thành lập nhiều doanh nghiệp, hợp tác với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội cũng có nhiều điểm cần quan tâm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Một số vấn đề như hiệu quả đầu tư, nợ xấu cần tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn để xử lý tốt. Đại biểu mong muốn thông qua Kỳ họp Quốc hội, với trí tuệ của các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục làm rõ hơn hệ thống các giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Đại biểu cho rằng, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% là nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng với quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị, vai trò tích cực, chủ động của doanh nghiệp, người lao động, mục tiêu đó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, Chính phủ cần chú trọng thực hiện các giải pháp chính: tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư vào từng địa bàn, địa phương với tinh thần "vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó".

Với vai trò của mình, Chính phủ, chính quyền cần thể hiện quyết liệt trong việc phát hiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để động viên sức sáng tạo, động viên tiềm lực của mỗi người lao động, mỗi doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường tiết kiệm chi để bội chi không phải là áp lực ngày càng lớn đối với tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế nói chung và ngân sách nói riêng - đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh 

Cần đẩy mạnh sản xuất

Nhận định để thực hiện được mục tiêu 6,7% cả năm là hết sức khó khăn, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) đề xuất thời gian tới, theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cần đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; khơi thông nguồn vốn, đặc biệt nguồn vốn nợ xấu của ngân hàng để tăng mạnh nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, đối với những nội dung có thể tiết kiệm được, phải tiết kiệm một cách tối đa để có thể đạt được mục tiêu. Quan trọng nhất là cần xử lý được nợ xấu của ngân hàng, bởi theo đánh giá đó là nguồn lực lớn, nếu không khai thác được sẽ là sự lãng phí của nền kinh tế.

Liên quan đến mục tiêu tăng trưởng, sau khi nghe Báo cáo của Chính phủ trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ ba, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, dự báo tăng trưởng 2017 là một thách thức lớn đối với nền kinh tế. Trước đây, mô hình tăng trưởng dựa vào hai nguồn lực lớn là vốn đầu tư và khai thác tự nhiên. Mô hình này tạo ra tốc độ phát triển nhanh nhưng hiệu quả mang lại cho nền kinh tế chưa cao. Khi chuyển sang mô hình mới, không dựa vào vốn và khai thác tự nhiên nữa thì tốc độ tăng trưởng giảm chậm lại là điều đương nhiên. Tuy nhiên, với mô hình mới này, tăng trưởng có thể thấp hơn nhưng nền kinh tế và đời sống xã hội ổn định hơn.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc

Thúc đẩy những cải cách thể chế

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh, để tăng trưởng GDP một cách bền vững cần thúc đẩy những cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho việc khai thông các nguồn vốn trong dân và tạo điều kiện cho sự cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế. “Tăng trưởng GDP trên cơ sở sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân thì mới có thể đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế bởi GDP sẽ liên quan đến vấn đề việc làm, nợ công và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội”, đại biểu Vũ Tiến Lộc lý giải.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, việc thúc đẩy, dồn toàn lực để cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh chính là giải pháp cơ bản. Trong ngắn hạn, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy cho các doanh nghiệp lớn có thể tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có chương trình hành động, lộ trình cụ thể gắn với trách nhiệm rõ ràng đối với việc đạt được các mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông các nguồn lực trong xã hội để có thêm đầu tư trong và ngoài nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trong năm 2016 nhiều vấn đề về kinh tế- xã hội vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo nên để hệ lụy sang năm 2017. Trong báo cáo của Chính phủ, nhóm các giải pháp để nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư công. Bên cạnh giải pháp này, cần có giải pháp căn cơ về các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu để từ đó hình thành một hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh, qua đó hạ được lãi vay của nền kinh tế.

T. Thủy - P. Hằng - P. Phương

Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và giám sát của Quốc hội năm 2018

Sáng 23-5, Quốc hội nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, nguyên tắc điều chỉnh Chương trình năm 2017 và lập Chương trình năm 2018 là ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án, dự thảo để triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của các Hội nghị Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện Hiến pháp, các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Những dự án, dự thảo được đưa vào Chương trình phải có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan được giao chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án.

Ngoài ra, việc đưa các dự án, dự thảo vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan để bảo đảm chất lượng. Từ năm 2018, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, không phân công quá 3 dự án cho 1 cơ quan soạn thảo hoặc 1 cơ quan thẩm tra phụ trách. Đặc biêt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên quyết rút khỏi Chương trình hoặc yêu cầu lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với các dự án chưa bảo đảm chất lượng hoặc không gửi hồ sơ đúng hạn luật định.

Trên cơ sở đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 sau khi điều chỉnh là: Tại kỳ họp thứ 3, trình Quốc hội thông qua 13 luật, 3 nghị quyết; cho ý kiến về 5 dự án luật; tại kỳ họp thứ 4, trình Quốc hội thông qua 6 luật; cho ý kiến về 11 dự án luật. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 gồm 24 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Thảo luận tại tổ, đa số các ý kiến đều đồng tình với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Các đại biểu đều đánh giá, thời gian qua, các cơ quan, tổ chức đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng cũng như bảo đảm tiến độ chuẩn bị các dự án. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong việc lập, triển khai thực hiện Chương trình. Đó là Chương trình vẫn phải điều chỉnh nhiều; chất lượng chuẩn bị của một số dự án còn hạn chế; tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để...

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

T.T