Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Nhiều giải pháp bảo đảm phát triển bền vững

Thứ năm, 25/10/2018 07:52

Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước hàng năm và giữa kỳ. Bên cạnh đánh giá cao những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018, thành quả đầu tư công trung hạn 3 năm qua, đại biểu cũng bày tỏ những băn khoăn về phân khai nguồn vốn đầu tư công và hụt thu trong các khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cùng các vấn đề an sinh xã hội, môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu thảo luận tại tổ sáng 24-10.

Thảo luận ở tổ về tình hình KT-XH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “An tâm chưa thì chưa an tâm, nhưng khá hơn trước là rõ ràng, từ lương thực đến năng lượng, ngân sách, ngoại tệ... đều quan trọng với quốc gia 100 triệu dân. Nói chung là có rất nhiều cố gắng”.

Khá hơn trước là rõ ràng!

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, điều rất đặc biệt là uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tốt hơn. “Tôi đi 4 đợt liền, toàn quốc gia lớn, họ trân trọng Việt Nam hơn so với trước đây, phần lớn đóng góp của mình được chấp nhận”.  Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng còn rất nhiều bất cập, tồn tại trong báo cáo mà Chính phủ đã nhìn nhận thẳng thắn. Vấn đề lớn nổi lên cần khắc phục, đó là quan tâm phát triển kinh tế nhưng cũng phải quan tâm hơn tới vấn đề xã hội. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong thế giới phẳng, cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội có nhiều vấn đề cần nắm bắt, xử lý, bảo đảm hạnh phúc cho từng gia đình, an toàn hơn cho người dân. Phải cố gắng tìm ra động lực phát triển mới tốt hơn. Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập sâu, phải phát triển khoa học công nghệ, tìm giá trị gia tăng cao. “Còn nếu không tìm giá trị gia tăng thì chúng ta sẽ luẩn quẩn mãi”, theo Thủ tướng.

Từ đó, Thủ tướng cho rằng tháo gỡ thể chế chồng chéo, xây dựng Chính phủ thực sự kiến tạo, phát triển là rất quan trọng. Hiện còn tình trạng văn bản chồng văn bản, hệ thống pháp luật chằng chịt, làm việc này lo việc kia, quy định có từ lâu đời, nhiều tầng lớp, chồng chéo, ràng buộc. Cần phải sắp xếp, tổ chức lại, tháo gỡ những ràng buộc cho sự phát triển. Thủ tướng cũng chỉ ra rằng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp có đạt được không - đó là câu hỏi lớn của Chính phủ. Các địa phương cần cố gắng phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp từ người dân; tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có chọn lọc, liên kết hai khối kinh tế tư nhân và FDI.

Nói về quản lý tài chính ngân sách, Thủ tướng cho rằng đi vay tràn lan cho đầu tư phát triển sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ, đừng “mặc áo quá đầu”, “liệu cơm gắp mắm” để giữ cân đối, trong đó có vấn đề nợ công. Thời gian qua, việc sử dụng vốn vay hiệu quả hơn, tránh lãng phí. “Nếu dừng lại không làm gì cũng chết nhưng đầu tư  bừa bãi còn nguy hiểm hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiều địa phương cạn kiệt dư địa để phát triển

Một vấn đề đáng lưu ý được đại biểu Hoàng Quang Hàm nhắc đến là trong 3 năm gần đây, Chính phủ đang giao phần thu nội địa quá cao cho các địa phương. “Năm 2017, có 33 địa phương hụt thu, sau khi có yêu cầu dùng các nguồn để bù đắp thì rất nhiều tỉnh đã bán đất, đây là việc phải cân nhắc vì có giới hạn. Nhiều tỉnh sử dụng quỹ tài chính và các nguồn dư tích lũy lại của cải cách tiền lương để sử dụng, dẫn đến cạn kiệt dư địa để phát triển”, đại biểu lưu ý.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến cả năm nay thu ngân sách sẽ vượt 5% dự toán, thay vì vượt 3% như chỉ tiêu ban đầu. Tuy nhiên, thu ngân sách ở 3 khu vực không đạt là do đặt ra dự toán quá cao. Có 16 tỉnh, thành phố có ngân sách điều tiết về trung ương đều được giao tăng thu 18% so với năm trước. Riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội được Trung ương giao thu cao hơn 24%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng kinh tế.

“Tuy nhiên, năm nay, Chính phủ sẽ không giao cao như vậy nữa, bình quân 16 tỉnh thì chỉ giao thu ngân sách tăng trung bình 12%. Ngoài ra trong năm nay, Chính phủ sẽ trình tiếp với Quốc hội bố trí 5.600 tỷ đồng để bù hụt thu ngân sách trung ương và cấp 2.800 tỷ đồng để bù thiếu hụt cân đối ngân sách cho địa phương”, Phó Thủ tướng khẳng định; đồng thời cho biết, sang năm 2019 Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội chỉnh sửa khái niệm doanh nghiệp nhà nước thì số thu ngân sách từ khu vực này sẽ tăng lên.

“Một mặt Chính phủ sẽ tính toán lại dự toán thu, mặt khác phải triển khai quyết liệt hơn chống thất thu, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh”, Phó Thủ tướng chốt lại nội dung này.

Phát triển kinh tế biển

Theo phân tích của đại biểu Trần Quốc Vượng, nền kinh tế chưa vững chắc, vì chúng ta dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài, như vậy không thể nói nền kinh tế độc lập, tự chủ được. Xuất siêu tập trung ở khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn là nhập siêu, đây là điều cần phân tích kỹ, thu hút đầu tư nước ngoài nhưng phải có giải pháp nâng thực lực kinh tế trong nước lên. “Chứ cứ theo cái đà này thì nguy hiểm. Nhiều địa phương bây giờ dựa vào FDI, nếu họ rút đi thì sẽ khó khăn ngay”, ông nói.

Cũng theo ông Trần Quốc Vượng, trong tình hình hiện nay phải chú ý đặc biệt đến môi trường và khí hậu. Mấy năm gần đây, qua các vụ việc và môi trường, chúng ta đã quan tâm, bừng tỉnh, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, nhất là Formosa - bài học đắt giá và làm cho mọi người thức tỉnh về vấn đề môi trường. Vấn đề này cần phải làm mạnh hơn nữa, nếu không sẽ không để lại được gì cho con cháu với môi trường sống không đảm bảo.

Đại biểu đề cập đến tình trạng xây dựng thủy điện, mặc dù phát huy tác dụng, ra tiền, ra bạc, nhưng cũng có nơi sau khi có thủy điện thì khí hậu biển đổi hẳn so với trước, mưa rất nhiều, lũ quét rất nguy hiểm. Đại biểu đề nghị cần đầu tư trang bị hệ thống cảnh báo.

Băn khoăn khi báo cáo của Chính phủ không đề cập đến nội dung kinh tế biển, đại biểu Trần Quốc Vượng đề xuất bổ sung nội dung này trong phương hướng của năm 2019. Theo ông, nước ta có mấy chục triệu người dân sống nhờ biển. Nếu các kế hoạch hàng năm không nói gì đến kinh tế biển thì không thể ra được kế hoạch 5 năm, 10 năm. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với đất nước.

T.THỦY – TTXVN

Thông qua danh sách 48 người được lấy phiếu tín nhiệm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Chiều 24-10, Quốc hội tiến hành quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Theo quy định, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 người, bao gồm các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, lần này có hai chức danh là Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chưa đủ thời gian công tác để lấy phiếu tín nhiệm. Sau khi thông qua danh sách 48 người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã tiến hành thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả thảo luận ở Đoàn sẽ được Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo sáng 25-10. Sau đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào chiều cùng ngày.

* Sáng 24-10, với 461 đại biểu tán thành trong tổng số 469 đại biểu tham gia biểu quyết (đạt tỷ lệ 95,05%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng. Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tặng hoa chúc mừng tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ tịch Quốc hội chúc tân Bộ trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn.

T.T