Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội
Ngày 26-10, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019.
Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ trước phiên thảo luận. |
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao những điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của Chính phủ trong thời gian qua, giúp đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong đầu nhiệm kỳ; đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng cường niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Mối lo từ các dự án
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), kinh tế - xã hội năm 2018 đã đạt nhiều thắng lợi, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong sự điều hành vững chắc, sát sao, quyết liệt của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt được hầu hết tất cả các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, trong đó có hơn 2/3 các chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Nhìn lại những ngày đầu nhiệm kỳ với bề bộn khó khăn, thách thức của nhiều năm trước tích tụ lại: nợ công cao, dư địa tài khóa tiền tệ trong nước cạn kiệt, biến đổi khí hậu, thiên tai thường xuyên, tâm trạng xã hội bất an, lòng tin của nhân dân có phần suy giảm. Trong khi đó, nhu cầu nguồn lực cho đầu tư phát triển cũng như đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước đòi hỏi rất lớn.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng đưa ra các băn khoăn, lo lắng của cử tri về tình trạng nhiều dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, kéo dài thời gian hoàn thiện trong thời gian qua khiến thất thoát lớn nguồn lực nhà nước, gây bức xúc dư luận. “Đầu nhiệm kỳ, nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng phản ứng gay gắt vì 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ do Bộ Công Thương quản lý, thì đến bây giờ lại phát sinh thêm các dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý” - đại biểu Cầu phản ánh và đưa ra một số ví dụ như: dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34 nghìn tỷ vừa nghiệm thu, thông xe, chỉ sau vài trận mưa là hỏng. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông điều chỉnh mức đầu tư so với ban đầu tăng 205,27%; dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2013, nay đã quá 6 năm chưa kết thúc. Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 17 tỷ đồng, đã điều chỉnh tăng thêm là hơn 47 tỷ đồng (tăng 272%); dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018 này nhưng đến nay mới hoàn thành 52% khối lượng công việc...
“Cứ tình trạng điều chỉnh tăng thêm thế này, cứ kéo dài thời gian thế này thất thoát lãng phí là nhiều vô kể. Cử tri đòi hỏi Chính phủ, Quốc hội cần xử lý nghiêm những sai phạm này” - Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.
“Trong bộ thì có nhiều cục...”
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua là thành công và khá toàn diện. Tuy nhiên, tất cả mọi lĩnh vực đều có những vấn đề, những khía cạnh chưa ổn, chưa an tâm hoặc chưa thực sự hiệu quả.
Trong đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí chỉ ra, về đầu tư của FDI, chúng ta thấy rất rõ chuyển giao công nghệ chưa đạt được yêu cầu như mong muốn. “Như trong lĩnh vực y tế, các công nghệ mà để lại 3 năm, 5 năm, 10 năm không còn giá trị gì nữa, vì người ta không dùng công nghệ này nữa rồi, đồng thời lại tốn năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm... Tôi cũng rất vui vì Thủ tướng đã nói rằng không phải chúng ta bằng mọi giá phải lấy cho được FDI. Cá nhân tôi nghĩ, bây giờ có FDI ngay trong nhân dân. Vấn đề là làm sao có được cơ chế thì sẽ có nguồn vốn từ người dân thôi” - đại biểu Trí nói.
Theo đại biểu Bùi Ngọc Phương (Quảng Bình), qua giám sát, việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài FDI, nhiều doanh nghiệp phản ánh hầu hết các dự án đều mất rất nhiều thời gian chờ đợi vốn vì phải qua nhiều trung gian, phải qua nhiều bộ để có vốn dự án.
“Trong bộ thì có nhiều cục, trong cục thì có vụ, trong vụ thì có các phòng, ban và cá nhân phụ trách. Với quá trình quá nhiều tầng nấc như vậy, nên nguồn vốn được đến với doanh nghiệp rất chậm trễ. Thậm chí có những dự án điều chỉnh một vấn đề nhỏ nhưng phải mất hàng năm mới thực hiện được” - đại biểu Phương nói, từ đó đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh, phân cấp trong một số lĩnh vực để tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư một cách nhanh chóng, nhất là việc phân bổ nguồn vốn.
Cần sửa đổi chính sách hạn điền
Đại biểu Mai Sỹ Diến cũng chỉ ra một thực tế là hiện nay, do quá trình chuyển dịch lao động sang ngành nghề phi nông nghiệp nên một bộ phận người dân không có nhu cầu sản xuất nhưng không muốn trả lại đất nông nghiệp đã được giao. Đây là điều đúng đắn, bởi nó là quyền tài sản của người dân. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu đề nghị sớm sửa Điều 130 Luật Đất đai năm 2013 về hạn điền theo hướng người nào sử dụng đất có hiệu quả (kể cả người có hộ khẩu thường trú tại địa phương hay ngoài địa phương) thì giao cho người đó sử dụng với hình thức người nông dân góp vốn bằng đất theo sự thỏa thuận giữa người nhận và người giao, chính quyền làm trung gian.
Thực tế hạn điền 2 hay 3 ha theo Luật Đất đai năm 2013 hiện nay không còn phù hợp trong khuyến khích mô hình kinh tế trang trại phát triển, xây dựng cánh đồng lớn và tiến hành cơ giới hóa thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đại biểu Mai Sỹ Diến nói.
Cũng quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) đề cập đến tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn tiếp tục tái diễn mà việc giải cứu nông sản (thanh long, chuối, khoai tây) thời gian vừa qua đã cho thấy cơ chế liên kết năm nhà chưa hiệu quả. Đại biểu cho rằng việc phát triển hợp tác xã và đầu tư cho công nghệ chế biến sau thu hoạch, công tác quy hoạch trong nông nghiệp cần phải tiếp tục được nghiên cứu và có giải pháp hiệu quả hơn.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận chiều 26-10, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sáng 27-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và mời Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia giải trình về các vấn đề được quan tâm.
THU THỦY – TTXVN
------------------------------- Có nên sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh? So sánh với một số nước láng giềng, có nước diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố; có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu người cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố và Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986 cũng chỉ có 44 đơn vị hành chính tỉnh, thành; đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố, đây là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Còn theo đại biểu Cao Đình Thưởng, do thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ nên việc sắp xếp tinh giản bộ máy tại các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, còn lúng túng, mỗi nơi một cách khác nhau. Trong khi đó, lại chưa tổ chức thí điểm mô hình tổng kết đánh giá để nhân ra diện rộng, nhiều băn khoăn vướng mắc chưa được tháo gỡ, việc giảm đầu mối và tinh giản biên chế bộ máy quản lý mang tính cơ học. Nêu ý kiến về tiêu chuẩn đối với đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH 13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, nếu theo tiêu chuẩn quy định thì hiện có rất ít xã đạt đủ tiêu chí, vì điều kiện kinh tế, văn hóa, dân số, vị trí địa lý, diện tích... ở mỗi vùng rất khác nhau. “Việc sáp nhập ở một số nơi sẽ thuận lợi nhưng ở rất nhiều nơi gặp khó khăn về xử lý chính sách cán bộ, về giấy tờ công dân, về cơ sở vật chất, phong tục, tập quán, văn hóa chứ không chỉ đơn thuần là dân số và diện tích. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần sớm có hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc sáp nhập này”, đại biểu Cao Đình Thưởng nêu ý kiến. T.T ------------------------------- |
Về khu đất quốc phòng ở Hải Phòng Chiều 26-10, phát biểu tranh luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng) đã có báo cáo về khu đất quốc phòng trên địa bàn Hải Phòng mà trước đó đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đã nhắc đến. Trước đó, phát biểu tại hội trường, đại biểu Dương Trung Quốc kiến nghị Thủ tướng sớm có lộ trình chấm dứt cái gọi là “phạt cho tồn tại”. Theo đại biểu Dương Trung Quốc, rất nhiều vụ việc hiện nay đang bức xúc. Phạt cho tồn tại nghe rất đơn giản, rất phổ biến nhưng là sự tích tụ, một quá trình hủy hoại luật pháp, phá hoại bộ máy công quyền của chúng ta. “Những vụ việc diễn ra như ở Hải Phòng, cả một khu đất quốc phòng mà chỉ qua tay xã hội đen đã trở thành một đô thị trước sự bất lực của chính quyền. Những việc vừa nảy sinh ở trên khu rừng phòng vệ ở Sóc Sơn rõ ràng cho thấy bộ máy chính quyền ở địa phương phải chịu trách nhiệm vì chắc chắn không có cái gì lọt qua mặt nhưng mà có những cái lọt qua tay. Vì thế chúng tôi rất mong rằng đây là việc làm rất cần thiết để chúng ta có lộ trình cho luật pháp được thực thi. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ đội ngũ cán bộ của chúng ta” - đại biểu Dương Trung Quốc nói. Giơ biển tranh luận, đại biểu Bùi Thanh Tùng có báo cáo trước Quốc hội về khu đất quốc phòng này. Đại biểu Bùi Thanh Tùng cho biết, khu đất quốc phòng với quy mô 14,2 ha ở phường Thành Tô và Tràng Cát, quận Hải An, trước đây do Sư đoàn 363 quản lý. Năm 2014, Bộ Tổng Tham mưu, Quân đội nhân dân Việt Nam có Quyết định số 1410 thu hồi diện tích nêu trên và giao cho Tổng Công ty 319, Bộ Quốc phòng quản lý để thực hiện dự án khu nhà ở Lạch Tray Riverside. Trong quá trình quản lý chờ để quyết định chủ trương lập dự án khu nhà ở Lạch Tray Riverside, một số cá nhân là cán bộ của Sư đoàn 363, UBND phường Thành Tô và một số cá nhân khác đã tự ý lập trích đo, san lấp, phân lô, bán nền trái phép tại khu A với diện tích 5,2 ha cho người dân. Khi Bộ Quốc phòng phát hiện đã chỉ đạo các cơ quan nội chính của Quân khu 3 khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tại khu B với diện tích 9 ha liền kề đi khu A, sau khi Tổng Công ty 319 tiến hành đổ đất san lấp (vì cái chỗ này chủ yếu là mặt nước tự nhiên), đã có tình trạng một số hộ dân lấn chiếm, tự xây dựng trái phép. Mặc dù các cơ quan quân sự đã tiến hành kiểm tra nhưng cũng chưa thực hiện được việc ngăn chặn tình trạng lấn chiếm. Trước tình hình diễn biến phức tạp, Bộ Quốc phòng đã đề nghị bàn giao toàn bộ 14,2 ha đất về thành phố Hải Phòng quản lý. UBND thành phố đã chỉ đạo giao cho UBND quận Hải An quản lý, tổ chức ngăn chặn, không để tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép đất tiếp diễn. Đồng thời tại khu đất 5ha, sau khi kiểm kê, phân loại cụ thể sẽ có phương án xử lý, giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật, bên cạnh đó đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các hộ dân. “Đến nay các hộ dân đã thực hiện đúng các yêu cầu của thành phố và tình hình khu đất này đã ở trong tình trạng ổn định” - đại biểu Bùi Thanh Tùng báo cáo trước Quốc hội. ------------------------------- |