Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Đề xuất mở rộng đối tượng được thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư

Thứ sáu, 27/10/2023 07:00
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 26-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Nội dung về việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến.
Đà Nẵng đã có hơn 12.300 căn hộ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước trong tổng số hơn 15.000 căn trên cả nước (tính đến giữa tháng 7-2023), chiếm hơn 82%.
Đà Nẵng đã có hơn 12.300 căn hộ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước trong tổng số hơn 15.000 căn trên cả nước (tính đến giữa tháng 7-2023), chiếm hơn 82%.

Báo cáo nêu rõ, đối với quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại khoản 4 Điều 80, do vấn đề này còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án.

Phương án thứ nhất, tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam theo hướng: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.

Phương án thứ hai, chưa quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật; đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật. Về vấn đề này, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1.

Thảo luận phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê sẽ góp phần bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, đồng thời cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng quan tâm thảo luận nhiều nội dung như: Về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân; hình thức sử dụng đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.

Hiền Hạnh