Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Hai luồng ý kiến về chức năng giám định âm thanh, hình ảnh

Thứ ba, 26/11/2019 08:48

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Sáng 25-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung dự án luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế, không mở rộng sửa đổi sang các nội dung của luật đã có tính ổn định, bền vững.

Dự thảo luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh. Có ý kiến đại biểu cho rằng, đây là nội dung hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành luật; hồ sơ dự án luật chưa báo cáo, đánh giá đầy đủ về vấn đề này. Vì vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa băn khoăn: “Việc bổ sung cơ quan này vào dự thảo luật có thực sự hợp lý và cần thiết, có phù hợp với cơ sở lý luận thực tiễn, thông lệ quốc tế không? Việc bổ sung này có dẫn đến lãng phí, có làm phân tán nguồn lực con người, cơ sở vật chất và có trái tinh thần Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế không?”.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ báo cáo việc có hay không tình trạng quá tải và chậm giám định về âm thanh, hình ảnh. Nếu có là do khâu tổ chức thực hiện hay là do quy định của luật. “Tại sao Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện luật không có báo cáo về khó khăn, bất cập về hệ thống cơ quan giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, không có vướng mắc về giám định âm thanh, hình ảnh và trong báo cáo đánh giá tác động cũng không đề cập đến vấn đề này mà nay Chính phủ lại đề xuất cơ quan này vào dự thảo luật”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu vấn đề.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Khánh đồng ý với quy định như trong dự thảo luật. Đại biểu phân tích, theo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, cơ quan điều tra hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền điều tra 38 tội danh, trong đó những năm vừa qua, có khoảng 70% số vụ cần tiến hành giám định về âm thanh, hình ảnh, chữ viết, dữ liệu điện tử, kỹ thuật số... Thời gian qua, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khi cần thiết phải giám định thì trưng cầu giám định tại Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an), Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng), Viện Pháp y quốc gia. Điều này dẫn đến việc bị động và phụ thuộc vào tổ chức giám định tư pháp khác. Đặc biệt, khi trưng cầu giám định về âm thanh, hình ảnh hay dữ liệu điện tử thường kéo dài 2-3 tháng, có vụ kéo dài 5 tháng mới có kết luận giám định nên đã ảnh hưởng đến việc bảo đảm thời hạn giải quyết tố giác tin báo tội phạm, thời hạn điều tra, nhất là hiện nay hoạt động tội phạm có liên quan nhiều tới dữ liệu điện tử cần giám định.

Vì vậy, theo đại biểu, việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” trong dự thảo luật là cần thiết, bảo đảm cơ sở pháp lý cho Phòng Kỹ thuật hình sự cơ quan điều tra tổ chức và hoạt động đúng quy định của pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp có thêm lựa chọn về giám định tư pháp khi trưng cầu giám định.

QUỲNH NHƯ – TTXVN

Thông qua 3 Luật

Chiều 25-11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 10-1-2020. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

_______

Cần nghiên cứu kỹ

Trao đổi bên lề kỳ họp, Đại biểu Trần Hồng Nguyên cho biết: “Việc giám định âm thanh, hình ảnh sau khi Luật Tố tụng hình sự có hiệu lực là rất cần thiết. Hiện nay, Bộ Công an có nói rằng việc giám định này chưa có áp lực gì lớn, nhưng đó là trong bối cảnh chưa thực hiện theo Luật Tố tụng hình sự. Khi đã thực hiện theo Luật Tố tụng hình sự, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì yêu cầu về việc giám định âm thanh, hình ảnh là rất lớn. Nhưng hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội có nêu rõ việc đề xuất này chưa được đánh giá, chưa tiến hành tổng kết, rồi nhân sự, kinh phí con người chưa được đề cập. Mặc dù tôi ủng hộ có đủ các cơ quan đáp ứng được yêu cầu giám sát âm thanh, hình ảnh nhưng tôi nghĩ nội dung này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng tiếp”.

H.Q

_______

Việt Nam và Anh đang khớp kỹ thuật lần cuối để đưa thi thể 39 nạn nhân về nước

Việt Nam và Anh đang hoàn tất những thủ tục về kỹ thuật, pháp lý để đưa thi thể 39 nạn nhân thiệt mạng tại Hạt Essex, Đông Bắc London, Anh về nước. Bên lề kỳ họp Quốc hội vào sáng 25-11, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ thêm thông tin liên quan đến vụ việc.

Cũng theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ngoài mặt kỹ thuật, việc đưa thi thể các nạn nhân về nước còn cần phải chờ sự chấp thuận của các thẩm phán bên Anh. “Về thủ tục pháp lý, trước khi di dời, cần có sự chấp thuận của Tòa án bên nước Anh.  Hai bên đang phối hợp rất chặt chẽ, hy vọng trong thời gian sớm nhất có thể đưa các thi thể nạn nhân về nước”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Đề cập đến việc các gia đình muốn đưa thi thể về nước, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, hầu hết các gia đình đều muốn đưa thi thể nạn nhân về, một số đồng ý nhận tro cốt. “Về vấn đề này, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương và hiện vẫn chưa có con số cụ thể”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

HẠNH QUỲNH