Kỹ nghệ “ăn cắp” của các cây xăng
* Tồn tại đường dây sản xuất, mua bán chíp điện tử gian lận xăng dầu
(Cadn.com.vn) - Lâu nay, người tiêu dùng vẫn biết các cây xăng gian lận, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức nghi ngờ. Qua vụ án vừa được Cảnh sát kinh tế CA tỉnh Nghệ An phá thành công, chúng tôi chuyển tải một số thủ đoạn của một doanh nghiệp (DN) xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
TỪ CÁC CÂY XĂNG GẮN CHÍP...
Sau một thời gian bị phát hiện các thủ đoạn sử dụng mạch tích hợp đấu nối song song với mạch chính để gian lận, nhiều cây xăng chuyển sang sử dụng công nghệ hiện đại dùng IC giả giống hệt IC chính hãng để bớt xăng dầu bán cho khách hàng. Nắm được thông tin này, từ ngày 9-10-2014 đến ngày 7-11-2014, Phòng CSĐTTP về TTQLKT&CV CA Nghệ An phối hợp Sở Khoa học Công nghệ tỉnh, thành phố lập đoàn kiểm tra và Phòng Cảnh sát kinh tế cũng đã xác lập Chuyên án 114C để điều tra. Đoàn kiểm tra đã bắt quả tang tại 11 trạm kinh doanh xăng dầu ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Anh Sơn, Tân Kỳ, Tương Dương, Quế Phong và thị xã Hoàng Mai đang sử dụng IC giả, bớt xén từ 4% đến hơn 11% lượng xăng dầu bán cho khách hàng.
Điển hình, ngày 5-11, đoàn kiểm tra bắt quả tang tại DN tư nhân xăng dầu Tuấn Hải ở xã Diễn Đồng, H. Diễn Châu do Tăng Đình Tuấn làm chủ có gắn IC giả, điều chỉnh cột bơm với mức sai số trên 10%. Ngày 6-11, bắt quả tang DN tư nhân xăng dầu Bắc Vân ở xã Quỳnh Bảng, H. Quỳnh Lưu do ông Bùi Bắc làm chủ lắp 2 IC giả, điều chỉnh mức sai số 11,3% đối với cột bơm xăng và 3,7% đối với cột bơm dầu diesel.
Quá trình điều tra và mở rộng Chuyên án 114C, 14 giờ 45 ngày 18-11, Phòng CSĐTTPVQLKT&CV CA tỉnh Nghệ An tiến hành khám xét nhà ở và triệu tập Phạm Đình Tuấn (1974, trú khối 6, P. Trung Đô, TP Vinh). Qua khám xét, CQĐT thu giữ 7 lốc buồng đong bằng kim loại do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ, 9 mảng vi mạch có gắn IC, 3 IC chương trình và một số chứng từ, hóa đơn liên quan. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại BCA đã thu được hơn 220 IC giả dùng để lắp đặt con chíp điện tử vào các cột bơm xăng nhằm bớt xăng dầu của khách hàng.
|
Thủ đoạn lắp đặt IC chương trình giả trong bàn phím của các cột bơm rất tinh vi, có trình độ công nghệ cao rất khó phân biệt với IC thật bởi các đối tượng đã dùng chính IC chính hãng, xóa chương trình thật để cài đặt phần mềm chạy chương trình giả. IC thật chỉ chạy được chương trình đúng, còn IC giả chạy được cả 2 chương trình sai và đúng với phương thức vận hành dễ đối phó với sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng. IC giả khi đã được lập trình sẵn có thể thay đổi mức chênh lệch mà chỉ người lập trình mới biết được mật khẩu.
Khi bán, có thể cài đặt gian lận từ 4% đến 11% và có thể trả về sai số cho phép 0,3%. Quá trình gian lận được thực hiện trực tiếp trên bàn phím của cột bơm bằng cách nhấn tổ hợp phím P và dãy số mật khẩu được ngầm định, sau đó ấn phím E 2 lần, muốn sai số lớn hơn thì ấn phím 1, sai số nhỏ hơn thì ấn phím 0. Muốn chạy lại chế độ đúng khi bán cho người tiêu dùng sử dụng can, chai để mua xăng hoặc khi có đoàn thanh kiểm tra đến thì chỉ cần ngắt nguồn điện cung cấp cho phương tiện đo hoặc ấn vào một phím bất kỳ trên bàn phím phương tiện đo, có thể là phím Time, 000, 999…
Hiện 11 cơ sở kinh doanh xăng dầu có hành vi gian lận đã bị Sở Khoa học Công Nghệ tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt từ 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng tùy vào hành vi gian lận.
Các đối tượng. |
... ĐẾN ĐƯỜNG DÂY SẢN XUẤT, MUA BÁN IC GIẢ
Kiên quyết không dừng lại ở việc xử lý vi phạm hành chính đối với các cửa hàng xăng dầu gian lận, mục tiêu mà Ban chuyên án 114C đặt ra là phải điều tra cho bằng được đường dây sản xuất, mua bán con chíp giả. Tiến hành điều tra, ngày 5-11-2014, cơ quan CSĐT CA Nghệ An đã thực hiện bắt, khám xét khẩn cấp Nguyễn Sơn Hải (1973), trú tại Diễn Kỷ, H. Diễn Châu, là giám đốc Cty cổ phần thiết bị xây lắp xăng dầu Trường Hải, thu giữ 23 chiếc IC các loại nhãn hiệu SEEN và một số thiết bị vật tư xăng dầu không rõ nguồn gốc trị giá khoảng 20 triệu đồng.
Tại cơ quan CA Hải khai nhận từ tháng 6 đến tháng 10-2014 sau khi mua IC của đối tượng Lê Văn Toán ở Quỳnh Mỹ, H. Quỳnh Lưu, Hải đã bán IC giả và trực tiếp lắp đặt cho 6 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Diễn Châu và Yên Thành với giá 5 triệu đồng/1 IC. Ngoài ra, Hải còn bán IC cho một số đối tượng ở địa bàn Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, TP Vinh. Ngày 11-11, biết không thể trốn tránh pháp luật, Lê Văn Toán (1980) cũng xin đầu thú và giao nộp laptop chạy chương trình cùng một số con chíp điện tử giả như đã nêu trên.
Ngày 15-11, một mắt xích khác trong đường dây này cũng đã bị lực lượng CA bắt giữ là Bùi Thế Ái (1969) trú P. Quang Trung, TP Vinh. 78 con chíp điện tử giả tại nhà của Ái cũng bị lực lượng CA thu giữ. Ái khai nhận đã mua rất nhiều con chíp điện tử giả của Toán và một đối tượng tên là Đức ở Hà Nội, trực tiếp bán và gắn ở nhiều cột xăng trên địa bàn Nghệ An. Từ lời khai của Ái, một tổ công tác của Ban chuyên án đã trực tiếp tháo gỡ tại một số điểm bán xăng dầu trên địa bàn để thu giữ các con chíp.
Phương tiện sản xuất chíp điện tử giả. |
Qua lời khai của Toán và Ái cùng với những tài liệu chứng cứ thu thập được, kẻ đã làm ra con chíp điện tử để ăn cắp xăng đã lộ diện. Rạng sáng 15-11, tại Nha Trang, Khánh Hòa, Ban chuyên án đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Lê Đức (1979), trú Q. Tây Hồ, Hà Nội, thu giữ tại nơi ở của Đức 1 máy tính, 1 bộ nạp chạy chương trình IC sai để bán cho các đối tượng khắp toàn quốc, 21 chiếc IC giả. Đức đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, chính y là người sản xuất chương trình IC giả để gắn vào cột bơm xăng dầu nhằm lừa dối khách hàng. Những người mua IC của Đức thuộc rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Từng là thợ điện tử của Cty Cổ phần kỹ thuật SEEN chuyên thiết kế, sản xuất cột bơm nhiên liệu điện tử, Đức nghỉ làm và thành lập Cty riêng do y làm giám đốc. Trước nhu cầu của một số đối tượng về việc lắp chíp điện tử giả để gian lận xăng dầu, Đức đã nảy sinh ý định làm giàu bất chính bằng chính những gì đã được học và thực hành khi đang làm việc tại Cty SEEN.
Từ năm 2008 đến nay, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đức đã mua những chiếc IC chuẩn của Cty SEEN rồi xóa chương trình thật để cài đặt phần mềm chạy chương trình giả để chế tạo ra một chíp điện tử có khả năng “móc túi” hàng nghìn tỷ đồng của người dân nhờ "công nghệ" ăn cắp xăng. Điều đáng nói, những con chíp điện tử này có tuổi thọ rất ngắn, nếu chỉ chạy chương trình đúng thì sẽ sử dụng được 6 tháng, còn chạy chương trình sai thì tuổi thọ sẽ ngắn hơn và phải thay thế con chíp khác. Chính điều này khiến cho những con chíp điện tử giả mà Đức sản xuất ra luôn “đắt hàng”.
Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của các lực lượng tham gia chuyên án, chiều 17-11, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường, lãnh đạo CA tỉnh và đại diện một số ngành liên quan đã đến biểu dương và trao thưởng 80 triệu đồng cho Ban chuyên án.
Minh Tâm – Dương Hóa