Kỹ nghệ mài dao
(Cadn.com.vn) - Tết đến, bên cạnh khâu sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc thì thay dao mới là một thói quen cũng vừa là truyền thống. Nhiều người quan niệm, ngày Tết phải tổ chức ăn uống nhiều nếu dao cùn cắt không ra thì cả năm cũng sẽ làm ăn không được. Thêm nữa việc mài dao, thay dao mới bỏ đi những vết hoen rỉ cũng hàm chứa ước mong gạt đi những nỗi buồn, không vui trong năm qua.
Dắt chiếc Dream cũ có gắn loa phía trước vào đến sân anh Nguyễn Thanh Trung (37 tuổi, quê Quảng Ngãi) không khỏi khiến tôi lóa mắt vì mớ đồ nghề chỉn chu. Chỉ hơn chục năm trước đồ mài dao chỉ đơn giản là cục đá mài thế nhưng giờ đây lại có thêm máy hàn, máy cắt rất hiện đại. Mẹ tôi đem ra một loạt gần 10 con dao lớn bé từ dao xếp đến dao phay, đảo mắt qua một lượt anh Trung gật đầu tuyên bố: “Dễ òm”. Chưa hết bất ngờ vì mớ đồ nghề khủng thì những thao tác điêu luyện của anh Trung lại khiến cả nhà tôi ai cũng trầm trồ. Chiếc máy cắt được tra vào ổ điện, đội mặt nạ bảo vệ vào, nhanh nhảu anh Trung cắt gọn hết mớ đầu nhọn trên thân dao chỉ chừa lại con dao gọt trái cây: “Dao trái cây thì để đầu nhọn chứ dao chặt thịt có đầu nhọn này nguy hiểm lắm”.
Tiếp theo tiếng rồ rồ của máy cắt anh liếc gọn những thân dao, tiếng kim loại va vào nhau rát rạt khiến chỉ nghe thôi mà tôi cũng đã cảm nhận được độ sắc bén rồi. Sau chừng 5 phút mài mỏng dao thì đến công đoạn tra cán. Những chiếc cán mới được làm sẵn đủ mẫu mã kiểu dáng được ướm thử vào từng chiếc dao nhìn không khác gì đồ mới. Anh Trung chia sẻ: “Bây chừ dao Thái Lan bán đầy chợ, chỉ cần vài chục ngàn là có đủ bộ. Thế nhưng dao đó rất nhanh cùn chỉ có dao được rèn truyền thống bằng sắt thì càng dùng càng bén mà thôi”.
Kỹ nghệ mài dao điêu luyện của anh Trung. |
Nhìn đôi bàn tay chai sạn và nước da rám nắng của anh Trung, tôi hình dung ra những nẻo đường mà anh Trung đã rong ruổi trong suốt hơn 10 năm hành nghề của mình. “Làm nghề này thì phải đi lang thang khắp chốn vào tận những vùng xa xôi hẻo lánh vì ở đó nhu cầu mới nhiều. Có khi đi cả tuần cũng chẳng kiếm được “mối” nào là chuyện bình thường, nhiều lúc nản lắm thế nhưng không bỏ nghề được vì nó đã thành cái nghiệp của mình”, anh Trung tâm sự.
Thấy nhà tôi có anh thợ mài dao chuyên nghiệp nên những gia đình hàng xóm cũng mang dao nhà mình ra mài, chẳng mấy chốc mà đống dao lên đến mấy chục chiếc. Vừa đợi làm dao mọi người vừa rôm rả trò chuyện. Nhìn con dao phay to và nặng làm bằng sắt mẹ tôi hồi tưởng: “Gần 30 năm về trước nhà mình còn nghèo sau giờ làm mẹ phải nuôi thêm một đàn heo. Con dao này khi ấy được dùng để băm chuối nấu cám. Không biết bao nhiêu ngày tháng nó đã giúp cho gia đình mình nữa”.
Rồi từ câu chuyện về chiếc dao phay nhiều kỷ niệm khác cũng tuôn trào như kỷ niệm về người làm dao đã mất, kỷ niệm về những bữa cơm nghèo khổ chỉ có sắn và khoai. Mỗi người góp một câu chuyện rồi mắt ai cũng xa xăm về quá vãng nơi những hình ảnh từ những tháng ngày còn lam lũ vụt qua. Dường như với mỗi gia đình đều có một kỷ niệm nhất định, có những chiếc dao gắn liền với cả một đời người, cũng có chiếc dao là minh chứng cho một số phận.
Những chiếc dao đã cơ bản hoàn thành chỉ còn khâu cuối cùng là mài mịn. Trên chiếc ghế gỗ anh Trung dùng sức chà xát những con dao vào tấm đá mài và xối nước. Từ dòng nước những vết hoen ố, rỉ sắt chảy ra cuốn theo những bụi bẩn như những nỗi buồn đau trong cuộc sống cũng dần tan biến nhường chỗ cho những khởi đầu mới. Cầm những chiếc dao mới tinh sáng loáng vào nhà mẹ tôi nói với theo: “Tết sang năm khỏi cần gọi chú cứ ghé lại nhà nhé”. Tiếng rao “Ai mài kéo mài dao ăn Tết không?” bỗng xa dần rồi mất hút.
Hà Dung