Kỷ niệm 110 năm sinh tổng bí thư Lê Hồng Phong (1902-2012): Tấm gương xả thân vì cách mạng

Thứ năm, 06/09/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Đồng chí Lê Hồng Phong là đảng viên lớp đầu, thời dựng Đảng, một Tổng Bí thư xuất sắc của Đảng ta giữa những năm 30. Đây là giai đoạn cách mạng Việt Nam thoái trào, Đảng mới ra đời đã bị kẻ thù đàn áp dữ dội và bị tổn thất rất nặng nề.

 Đồng chí Lê Hồng Phong

Những năm tháng tuổi trẻ làm thuê và làm thợ, chứng kiến và từng trải những bất công, áp bức, bóc lột của giới chủ, Lê Hồng Phong đã vận động công nhân nổi dậy đấu tranh và bị đuổi việc. Năm 1924, Lê Hồng Phong cùng một số bạn bè từ Thái Lan đến Quảng Châu (Trung Quốc) và tham gia hoạt động trong nhóm Tâm Tâm xã để khôi phục lại phong trào yêu nước, chống đế quốc. Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, cải tổ Tâm Tâm xã, lập ra Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên để mở các lớp huấn luyện cán bộ chính trị, truyền bá chủ nghĩa Mác -Lênin, đường lối cách mạng vô sản, ra báo Thanh Niên... chuẩn bị về chính trị, lý luận, tổ chức tiến tới thành lập Đảng. Lê Hồng Phong trở thành một trong những  học trò đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sau đó được Người cử sang Liên Xô học tập. Năm 1926, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (khi học ở Trường Hàng không Quảng Châu) và năm 1928 vào Đảng Cộng sản Liên Xô (khi học ở Trường Đại học Phương Đông) và tham gia Ủy ban tổ chức Đảng nhóm Đông Dương. Do yêu cầu khôi phục lại phong trào cách mạng trong nước và củng cố tổ chức Đảng, cuối năm 1931, đang học dở dang nghiên cứu sinh, đồng chí Lê Hồng Phong được cử về nước để tham gia công tác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nhận trọng trách về nước khôi phục lại Đảng khi phần lớn các tổ chức của Đảng tan rã hoặc tê liệt do chính sách đàn áp dã man của thực dân Pháp, Lê Hồng Phong gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các tuyến biên giới đều bị thực dân Pháp phong tỏa ngặt nghèo. Cho đến đầu năm 1932 Lê Hồng Phong mới bắt liên lạc với  chi bộ đảng gồm các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn, Hoàng Văn Thụ ở Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Không về nước được, Lê Hồng Phong về gần biên giới Việt- Trung mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ để gây dựng cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc và cử các đồng chí đảng viên về Lạng Sơn, Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh để gây dựng, nhen nhóm, khôi phục phong trào cách mạng.Vấn đề cấp thiết là làm sao định hướng cho phong trào hoạt động. Với những kiến thức và kinh nghiệm hoạt động, Lê Hồng Phong cùng Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn Giàu, Hà Huy Tập soạn thảo Chương trình hành động của Đảng và được Quốc tế Cộng sản thông qua. Chương trình hành động của Đảng đã sáng suốt nhận định tình hình: dù kẻ thù ra sức đàn áp nhưng không thể dập tắt được phong trào cách mạng, trong cuộc đấu tranh giai cấp việc thắng bại tạm thời là thường sự, nhờ đó mà quần chúng học đòi kinh nghiệm, còn thắng lợi cuối cùng thời đã cầm chắc trong tay... Điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là Chương trình đã đề ra những nhiệm vụ trước mắt cho cách mạng như đấu tranh đòi tự do dân chủ cho dân, thả tù chính trị, giảm và bỏ các khoản thuế... Thông qua đấu tranh đòi quyền lợi thiết thân hằng ngày của nhân dân, đảng viên dẫn dắt quần chúng đấu tranh chính trị và chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền khi có điều kiện. Đối với công tác xây dựng Đảng, Chương trình nhấn mạnh nhiệm vụ củng cố, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh và phải biết kết hợp các hình thức đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và bí mật để hướng dẫn quần chúng trên con đường đấu tranh cách mạng.

Lê Hồng Phong đã trực tiếp chỉ đạo và truyền bá Chương trình hành động của Đảng. Nhờ đó góp phần củng cố Đảng và từng bước khôi phục phong trào, chuẩn bị các điều kiện đưa cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Giữa năm 1933, Lê Hồng Phong bí mật về Cao Bằng xây dựng Cao Bằng thành căn cứ cách mạng vững mạnh để chắp nối và phát triển phong trào cách mạng trong cả nước. Lê Hồng Phong đã chỉ đạo khôi phục được hệ thống các tỉnh, thành ủy, các tổ chức Đảng bước đầu được củng cố. Tháng 3-1934, tại Hội nghị thành lập Ban Chỉ huy ở nước ngoài gồm 3 người, đồng chí Lê Hồng Phong được cử làm Bí thư. Hội nghị quyết định sẽ tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng vào năm 1935 và các Xứ ủy phải thành lập trước Đại hội. Chưa kịp tổ chức Đại hội thì Lê Hồng Phong được triệu tập đi dự Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 ở Mátxcơva.Tại Đại hội, Lê Hồng Phong đã trình bày tham luận về tình hình cách mạng Đông Dương và vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Đại hội bầu Lê Hồng Phong làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là bộ phận của Quốc tế Cộng sản.

Trong thời gian Lê Hồng Phong đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản, Đại hội I của Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc) đã bầu ra Ban Chấp hành T.Ư Đảng, gồm 13 ủy viên, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư. Trên cương vị này, đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập và chủ trì Hội nghị T.Ư tháng 7 năm 1936, bổ sung Nghị quyết Đại hôị I, chỉ đạo chuyển hướng tổ chức và sách lược của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 7 Quốc tế Cộng sản là chống phát xít và chiến tranh đế quốc. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất Nhân dân phản đế Đông Dương, bao gồm nhiều hình thức đấu tranh để "dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển".

Để trực tiếp lãnh đạo phong trào trong nước, tháng 11-1937, Lê Hồng Phong về Sài Gòn. Cùng T.Ư lãnh đạo cách mạng,  đồng chí tham gia Hội nghị T.Ư tháng 3-1938. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương và định hướng cho việc chuyển hướng chiến lược cách mạng.

Khu  lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại quê nhà
(Hưng Thông, Hưng Nguyên, Nghệ An). 

Gần một thập kỷ, kể từ năm 1931 khi nhận trách nhiệm về nước khôi phục Đảng và phong trào cách mạng đến khi hy sinh, Lê Hồng Phong đã trải qua nhiều khó khăn, lăn lộn trong thực tế để hoạt động, gây dựng lại tổ chức Đảng từ T.Ư, xứ ủy, tỉnh thành ủy và cơ sở. Đồng chí đã chủ trì, trực tiếp chỉ đạo và soạn thảo các văn kiện quan trọng của Đảng để định hướng hoạt động của Đảng và phong trào, xây dựng các tổ chức Đảng và Mặt trận, tập hợp quần chúng xung quanh Đảng và tiến hành các cuộc đấu tranh dân chủ, dân sinh. Lê Hồng Phong còn có cống hiến trong phong trào cộng sản quốc tế. Những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong ở Quốc tế Cộng sản đã kết nối được Đảng ta, phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Đảng ta được công nhận là một bộ phận của Quốc tế Cộng sản. 

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Lê Hồng Phong hai lần bị thực dân Pháp bắt giam. Lần thứ nhất vào tháng 6-1939 và lần hai là đầu năm 1940. Giữa hai lần bị tù đày, Lê Hồng Phong còn bị quản thúc và giám sát ở quê nhà. Song, Lê Hồng Phong đã vượt lên những khó khăn và kiểm soát ngặt nghèo của kẻ thù, tiếp tục đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị, lý luận cho Đảng. Đồng chí đã viết và cho đăng một loạt bài trên báo Dân chúng, cơ quan ngôn luận công khai của Đảng, phân tích những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Đảng trong cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt Nam Kỳ. Trên tinh thần phê bình và tự phê bình Bônsêvích, Lê Hồng Phong chỉ ra "kinh nghiệm cho thấy nếu ý chí không thống nhất, hành động không thống nhất, không kỷ luật thì vô luận cuộc đấu tranh nào cũng thất bại. Đó là nguyên nhân chính chứ không phải là đường lối "tả" khuynh của bọn trôtskít làm cho chúng thắng lợi". Cuối năm 1940, bị Pháp đày ra Côn Đảo, Lê Hồng Phong vẫn nêu cao chí khí bất khuất kiên cường của người cộng sản tiên phong, chịu đựng mọi cực hình tra tấn dã man và bình thản ra đi với niềm tin tất thắng. Buổi trưa ngày 6-9-1942 trước lúc trút hơi thở cuối cùng, Lê Hồng Phong nhắn lại: "Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng".

40 tuổi đời, gần 20 năm hoạt động cách mạng, Lê Hồng Phong nêu tấm gương sáng của người cộng sản tiên phong, trọn đời cống hiến cho Đảng, xả thân hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, son sắt niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam.

TS Phạm Văn Khánh