Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Túy Phượng (13-11-2001 – 13-11-2009): Sắp ra mắt tiểu thuyết “Nữ hoàng nhạc Twist”
(Cadn.com.vn) - Sau 8 năm ngày mất ca sĩ Túy Phượng (13-11-2001 – 13-11-2009) - người được biết đến tại miền Nam vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước với danh hiệu “Nữ hoàng nhạc Twist” tại Trại sáng tác VHNT TP Đà Lạt 2009 (15 đến 29-10-2009) do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật VHNT TP Đà Nẵng tổ chức, nhà văn Trần Trung Sáng đã công bố hoàn thành phần cuối cuốn tiểu thuyết mang tên “Nữ hoàng nhạc Twist”. Tác giả cho biết, trong suốt năm qua, tiểu thuyết “Nữ hoàng nhạc Twist” đã được in nhiều kỳ trên Báo Doanh Nghiệp Chủ Nhật và đã nhận được nhiều thông tin phản hồi bất ngờ từ những bạn đọc là người thân gia đình Tuý Phượng và những người liên quan nội dung câu chuyện đang còn sống. Dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Trung Sáng chung quanh sự ra đời cuốn tiểu thuyết nói trên.
P.V: Anh có thể giới thiệu với bạn đọc đôi điều về nội dung của cuốn sách?
Nhà văn Trần Trung Sáng trong đợt tham gia
Nhà văn Trần Trung Sáng (NV T.T.S): Đây là cuốn sách dày khoảng 400 trang, bắt nguồn cảm hứng từ cuộc đời thật của ca sĩ Túy Phượng. Bối cảnh chính là vùng ngoại thành Hội An – nơi cô ca sĩ theo chồng là tiểu đoàn trưởng một đơn vị công binh ngụy, qua đó có nhiều tình tiết, nhằm phản ánh cuộc chiến tranh khốc liệt dưới cái nhìn của người đô thị. Tại một cuộc giao chiến cận Tết Mậu Thân, viên tiểu đoàn trưởng bị quân giải phóng bắt sống, ca sĩ Túy Phượng trở lại sân khấu Sài Gòn. Sau năm 1975, vợ chồng Túy Phượng đoàn tụ trong một tâm trạng phức tạp, khi lựa chọn giữa “đi và ở”, kéo dài cho đến ngày “Nữ hoàng nhạc Twist” chết đi trong bệnh tật và lặng lẽ.
Trại sáng tác Đà Lạt 2009.
P.V: Vậy cuốn sách này có phải thuộc thể loại tiểu thuyết chân dung nghệ sĩ? Tại sao không phải là một người nào khác mà là Túy Phượng – Nữ hoàng nhạc Twist?
NV T.T.S: Cuốn sách này không thuộc dạng tiểu thuyết chân dung nghệ sĩ. Nữ hoàng nhạc Twist chỉ là một cái cớ để dựng lại bối cảnh đô thị miền Nam trong thời chiến, đặc biệt là những gì xảy ra tại Đà Nẵng và Hội An. Đã nhiều lần tôi khát khao có một cuốn sách viết về chiến tranh qua cái nhìn của người dân đô thị, nhưng cuối cùng nhận ra, qua câu chuyện của Túy Phượng thì mình diễn đạt và gửi gắm thuận lợi hơn cả.
“Nữ hoàng nhạc Twist” là danh hiệu do khán giả phong tặng ca sĩ Túy Phượng từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước - thời kỳ thịnh hành các điệu Twist, Agogo, Soul... du nhập vào nước ta. Túy Phượng cùng tuổi với các nữ nghệ sĩ: Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Vui, Bích Sơn..., song không chỉ nổi danh là ca sĩ mà còn được biết đến nhiều qua các hoạt động kịch nghệ, điện ảnh. Sau năm 1975, Túy Phượng vẫn tiếp tục gắn bó với sân khấu một thời gian ngắn và qua đời cuối năm 2001. Ngoài quãng đời Túy Phượng theo chồng về sống tại Hội An, tôi cũng không biết gì về bà nhiều hơn vài dòng tiểu sử ngắn ngủi in ở các tài liệu về nghệ sĩ miền
P.V: Theo cách giới thiệu của anh, cuốn tiểu thuyết có vẻ như mang bối cảnh rộng lớn và tình tiết đa dạng. Dù vậy, anh có thể tiết lộ, chi tiết nào anh tâm đắc nhất?
NV T.T.S: Cốt lõi câu chuyện vẫn là những gì xảy ra tại Hội An. Bối cảnh nền tảng của câu chuyện là một xóm nhỏ đầu đường Cửa Đại, kề cận với một doanh trại công binh, nơi Túy Phượng sống cùng chồng. Đây có lẽ là chi tiết đọng lại trong tôi nhiều nhất, vì tuổi thơ tôi đã lớn lên tại đây. Túy Phượng là một trong những dấu ấn đậm nét trong tôi thời ấy, bên cạnh nhạc sĩ mù Huỳnh Là, chiếc xe đẩy hàng phở của ông Bảy Luyến, chiếc xe Renault rải programme quảng cáo phim của rạp Hòa Bình, và những đêm thao thức lắng nghe tiếng đại bác...
P.V: Được biết, trước khi hoàn chỉnh bản thảo, “Nữ hoàng nhạc Twist” đã được in nhiều kỳ trên một tuần báo trong thời gian qua. Anh nhận được phản hồi từ bạn đọc ra sao? Điều đó có giúp ích gì cho sự phát triển nội dung câu chuyện?
NV T.T.S: Việc lắng nghe ý kiến và những phản hồi từ bạn đọc là việc làm rất cần thiết, nhất là những tác phẩm liên quan đến các vấn đề lịch sử. Do đó, quá trình tác phẩm in nhiều kỳ trên Doanh Nghiệp Chủ Nhật đã đem lại cho tôi những thông tin phản hồi bất ngờ và hết sức bổ ích. Chẳng hạn trước khi chuẩn bị đến chương diễn tả trận tập kích của quân giải phóng đánh vào đồn công binh và bắt sống chồng Túy Phượng (rạng sáng 27-8-1967), ông Nguyễn Đình An - nhà văn hóa, nhà báo kỳ cựu tìm gặp tôi, cho biết, vào thời điểm đó, ông đang ở nội thành Đà Nẵng, và theo dõi thời sự sít sao để làm công tác thông tin tuyên truyền. Theo ông, lúc đó, quân giải phóng đã từng bắt sống được những sĩ quan cao cấp của chế độ ngụy, nhưng việc bắt sống thiếu tá Minh - chồng Túy Phượng vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi y có vợ là ca sĩ nổi tiếng thì tất nhiên báo chí Sài Gòn sẽ tập trung đưa tin ầm ĩ. Một chi tiết thứ hai, thiếu tá Minh được thả ngay sau thời gian ngắn bị bắt, nhằm tuyên truyền cho việc chuẩn bị đánh trận Mậu Thân (chứ không phải được thả sau thời điểm Mậu Thân, hoặc vào năm 1973, như có tư liệu đã ghi). Điều này đã giúp tôi thay đổi ít nhiều tình tiết về sau.
Tôi cũng nhận được sự giúp đỡ tài liệu của một số cựu chiến binh có tham gia trong trận tập kích đồn công binh hoặc các trận khác tại Hội An có liên quan trong câu chuyện. Ngay khi “Nữ hoàng nhạc Twist” vừa khởi in vài chương đầu, trên phần thông tin về tiểu sử Túy Phượng, một trang web chuyên sưu tập về các nghệ sĩ miền Nam, cũng giới thiệu đôi nét về tiểu thuyết này, nhờ vậy tôi được một số thân hữu của Túy Phượng cung cấp thêm một số thông tin cần thiết khác. Dù vậy, “Nữ hoàng nhạc Twist” cơ bản vẫn là một cuốn tiểu thuyết, tôi không lệ thuộc hoàn toàn vào đời thật.
P.V: Xin cảm ơn anh và chúc tiểu thuyết “Nữ hoàng nhạc Twist” ra mắt thành công.
Dương Khánh Linh (thực hiện)