Kỷ niệm sâu đậm với Báo Công an Đà Nẵng

Thứ tư, 17/06/2015 11:11

(Cadn.com.vn) - Tôi không nhớ mình đã cộng tác với Báo Công an Đà Nẵng từ lúc nào và cũng không lý giải được vì sao mình dành nhiều tác phẩm tâm huyết cho báo Công an Đà Nẵng khi mà bản thân có nhiều sự lựa chọn và nhuận bút của Báo chưa thể bằng nhiều tờ báo khác.

Tác giả và Thiếu tướng Tạ Nhân (thứ 2, thứ 3 từ phải sang) cùng lãnh đạo và CBCS
Báo Công an Đà Nẵng (22-12-2014). Ảnh: T.L

Có lần Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu (nay là Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN) trêu tôi: "Dạo này đọc một tuần có mấy bài của em trên báo Công an Đà Nẵng. Có quen ai ở đó không mà được ưu tiên vậy?". Tôi thưa: "Em chỉ là cộng tác viên bình thường, viết đáp ứng yêu cầu thì báo đăng thôi. Đặc biệt mảng đối ngoại quân sự, các anh bên ấy nói rất cần. Giá như thủ trưởng cho chúng em đi công tác bên Lào, Campuchia, chắc sẽ viết được nhiều". "Thế thì tốt quá, nên tuyên truyền về tình hữu nghị với hai nước bạn". Tôi nhớ sau đợt đó, tôi được hai lần qua Lào, Campuchia và có các tác phẩm: "Tình bạn đặc biệt giữa hai vị tướng", "Trên cao nguyên Bô-lô-ven", "Hoa hữu nghị Việt- Lào"... Nhiều tin tức về những chuyến khám chữa bệnh, tặng quà của Quân khu 5 cho hai nước bạn nhân tết cổ truyền, hay hội nghị liên tịch giữa các bên đều được Báo Công an đăng tải kịp thời. Đề tài mà tôi tìm hiểu bên nước bạn vẫn còn rất nhiều, tuy nhiên do cơ quan cử đi luân phiên, tôi ít được qua nữa nên không viết hết những dự định của mình.

Báo Công an Đà Nẵng đặc biệt ưu tiên những bài viết về quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường K. Đây là mảng tôi có nguồn rất phong phú: "Tri ân bạn đi K", "Chuyện về những người nằm xuống", "Thêm yêu thương từ chiến  trường K", "Nếu không có Mặt trận 579, không có ngày 7-1", "Những người lính tình nguyện", "Bước chân đội K52"... Hay những bài về truyền thống Sư đoàn 307, 315, sự hy sinh thầm lặng của những người lính tình nguyện Quân khu 5 được bạn đọc biết qua Báo Công an Đà Nẵng, là nguồn động viên lớn lao với các CCB và cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Từ lâu tôi rất tâm đắc về đề tài lòng nhân ái của bộ đội Cụ Hồ. Báo Công an Đà Nẵng đã đăng tải một số bài của tôi với những cái tít hấp dẫn: "Một câu chuyện về bộ đội Cụ Hồ", "Kỳ duyên sau 40 năm", "Dũng sĩ Ngũ Hành Sơn hai lần gặp cựu binh Mỹ", "Chuyện tù binh Mỹ Bobby". Đại tá Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Chuyển, nhân vật chính trong bài "Kỳ duyên sau 40 năm" kể rằng, một lần ông lên thăm người bạn ở xã miền núi Hòa Phú (Hòa Vang). Trong quán cafe, ông nghe một nhóm thanh niên cầm tờ báo Công an có bài viết về ông và tranh luận sôi nổi, sau đó đi qua, thấy ông hao hao giống ảnh, bèn hỏi: "Bác có phải người trong câu chuyện không?".

Khi gặp đúng người trong bài, họ vây lấy ông bày tỏ sự ngưỡng mộ và hỏi tỉ mỉ chi tiết ông cứu tên lính bên địch bị thương; hành trình người lính đó từ binh nhì trở thành thiếu tướng và suốt 40 năm luôn đi tìm ân nhân. Ông Chuyển rất vui khi kể lại câu chuyện và cám ơn tôi đã đem lại niềm vui ở một nơi ông không ngờ đến. Tôi nói với ông rằng, phải cảm ơn báo Công an bởi sự lan tỏa, mức độ "phủ sóng" lớn thu hút nhiều bạn đọc đủ mọi lứa tuổi và mọi địa bàn. Đó cũng là trường hợp bài "Nhà có 3 người đi B" được đăng, Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ) nhận rất nhiều cú điện thoại gọi đến chúc mừng. Có người mang báo đến tận nhà ông tặng làm ông vô cùng cảm động.

Cựu chiến binh Trung đoàn Ba Gia (Sư đoàn 2) kể chuyện truyền thống cho chiến sĩ mới tại thao trường. Ảnh: Hồng Vân

 Mảng đề tài chiến tranh, tưởng như đã cũ nhưng với báo Công an chưa bao giờ bị lãng quên. Với sự cẩn trọng trong tư liệu, lịch sử, tôi được Ban biên tập báo cho đăng tải hàng chục bài trong những năm qua. Có những đề tài rất nhạy cảm, có thể e ngại đối với một số tờ báo khác như "Chuyện tù binh Mỹ Bobby" nhưng tôi vẫn được Ban biên tập rất tin tưởng và thực tế là bài viết đã thu hút rất nhiều bạn đọc. Nhanh nhạy, năng động với dòng thời sự, mốc sự kiện sắp diễn ra là thế mạnh của người làm báo quân đội. Quy mô lớn như 50 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu, 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập QĐNDVN. Thuộc cấp Quân khu như 70 năm khởi nghĩa Ba Tơ, 50 năm thành lập Trung đoàn 1 ba lần anh hùng, 60 năm Trung đoàn 38 (Sư đoàn 2), 50 năm chiến thắng Ba Gia..., tôi đều đi trước, đón đầu và có bài đúng ngày kỷ niệm đó.

Các bài của tôi luôn sống động, có nhân chứng cụ thể và các chi tiết đắt giá, thậm chí chưa bao giờ được công bố nên thường thú vị. Ít khi tôi bê nguyên sử sách, tài liệu dễ tạo ra bài viết khô khan. Có lần nhân kỷ niệm 50 năm ngày Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh (15-10-2014), qua điện thoại hỏi thăm các anh lãnh đạo xã Điện Thắng Trung (Điện Bàn, Quảng Nam), tôi biết được có đoàn đại sứ quán Venezuela sẽ đến thắp hương, thăm nhà anh Trỗi, vậy là tôi vào ngay lập tức. Sáng 14-10 (trước một ngày so với dự định), lễ kỷ niệm 50 năm ngày anh Trỗi hy sinh đã được tổ chức long trọng tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn với nhiều quan khách cả nước.

Tôi mang hơn 20 tờ báo Công an Đà Nẵng có bài viết "Anh Trỗi luôn ở trong trái tim Venezuela" tặng các đại biểu về dự lễ. Bà Phan Thị Quyên, vợ  trước đây của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, ông Ivan Emilio Turmero Crespo, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Venezuela tại Hà Nội và con gái Wendy 9 tuổi của ông, những nhân vật chính trong bài viết của tôi rất vui và có chút ngạc nhiên. Những nhà báo có mặt hôm đó thì nói: "Chị nhanh quá, tụi em hôm nay mới bắt đầu viết".

Nói là vậy, nhưng không có nghĩa Ban biên tập dễ dãi với tôi. Đó là lần tôi khá tin tưởng bài viết với những số liệu rất hùng hồn về Trung đoàn Ba Gia, nên nộp khá sớm, nhưng chờ mãi không thấy đăng. Sốt ruột gọi điện thì các anh nói, thiếu nhân chứng nên chưa thuyết phục. May quá, cận ngày, tôi có dịp theo các CCB lên Gia Lai giao lưu với cán bộ, chiến sĩ. Vậy là tôi gộp truyền thống và hiện tại lại thành một bài dài kín trang: "Mãi vang danh Trung đoàn thép" để ngày 20-11-2013, lên lại Sư đoàn 2 dự lễ kỷ niệm 50 năm, tôi đã có hàng trăm tờ báo Công an (do đơn vị mua)  tặng khách về dự lễ...

Trở thành cộng tác viên thân thiết cật ruột của báo, tôi còn có trách nhiệm phối hợp với các phóng viên của báo Công an tuyên truyền sâu đậm các hoạt động lớn của Quân khu 5, nhất là phòng chống lụt bão, cháy rừng, khắc phục hậu quả thiên tai. Các lần họp báo về Đại hội Thi đua quyết thắng, Đại hội thể dục thể thao, Ngày thành lập Quân khu 5, báo Công an Đà Nẵng luôn là một kênh quan trọng. Tôi nhớ mãi Hội nghị tuyên dương các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, khi được mời, phóng viên Nguyễn Tuấn của báo Công an có ngay bài viết trang 1: "Bộ đội Cụ Hồ học gương Bác" với những hình ảnh rất đẹp đăng ngay hôm sau. Bộ Tư lệnh Quân khu đã rất khen ngợi: "Báo Công an đăng nhanh và tuyên truyền sự kiện này sâu đậm nhất"... Còn nhớ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội, Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Tổng Biên tập Báo Công an khi sang thăm, chúc mừng Bộ Tư lệnh Quân khu đã nói với Thiếu tướng Tạ Nhân, Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu: "Chúng tôi có nhiều cộng tác viên tích cực của Quân khu 5". Rồi anh kể tên từng người với những bài viết tiêu biểu làm ai nấy vô cùng ngạc nhiên. Lúc ấy tôi rất hạnh phúc.

Khó có thể kể hết những ân tình với Báo Công an mà tôi đã cộng tác suốt chục năm qua. Mong Báo Công an tiếp tục làm chiếc cầu nối để hình ảnh bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt là người lính Quân khu 5 luôn tỏa sáng trong lòng nhân dân.

Hồng Vân