Ký ức thiêng liêng của “cậu ấm” xứ Huế

Thứ ba, 02/02/2016 10:06

(Cadn.com.vn) - Đại tá Lâm Huế, hiện ở 57-Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Pleiku, Gia Lai, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS Gia Lai - Kon Tum (cũ) có hai kỷ niệm đáng nhớ về Đảng. Đó là lần kết nạp Đảng của mình và lần kết nạp Đảng cho chiến sĩ Ninh Xuân Trường trước giờ ôm bom cảm tử.

Tiểu đội trưởng kết nạp Đảng cho trung đội phó

Ở tuổi 90, Đại tá Lâm Huế vẫn rất minh mẫn, sôi nổi, nụ cười hào sảng, khỏe khoắn. Quê Gio An, Gio Linh, Quảng Trị nhưng cả gia đình ông sống ở Huế từ thời ông cố nội là tiến sĩ Lâm Hoàng làm quan nhà Nguyễn. Tháng 8-1883, quân Pháp từ Đà Nẵng kéo ra cửa biển Thuận An gây hấn. Lực lượng triều đình Huế chống trả quyết liệt nhưng lần lượt thất thủ. Quan đồn trú Lâm Hoàng tự vẫn để giữ tròn khí tiết. Tên ông sau này được đặt cho một con đường ở Huế. Ông nội và cha tiếp tục làm quan thời Bảo Đại nên cậu bé Lâm Huế được học trường tư Việt Anh đến Diplome, tiếng Pháp làu làu. Năm 1945, cách mạng tháng Tám nổ ra, lòng yêu nước như mạch ngầm từ các thế hệ trong gia đình đã lôi cuốn “cậu ấm” nhà quan tham gia Vệ quốc đoàn ở chi đội Cao Vân. Nhờ có trình độ, ông được cử đi học 3 tháng quân sự do thầy giáo người Nhật dạy ở Hà Tĩnh rồi về làm trung đội phó, lăn xả vào cuộc kháng chiến toàn quốc ở thành Huế, trực tiếp cùng đơn vị giữ cầu Phú Cam. Nhưng ông vẫn chưa biết gì về Đảng cho đến một ngày chính trị viên trung đội là Trương Công Ngự và tiểu đội trưởng Nguyễn Quát tuyên truyền những điều mới mẻ. Lâu nay cùng chung đơn vị, ông không nghĩ rằng anh chàng tiểu đội trưởng trông cục mịch, chữ nghĩa không nhiều lại là người phân tích rất sâu sắc về Đảng. Dòng máu yêu nước gặp lý tưởng sáng ngời, ông nghe và vỡ vạc ra bao điều.

Một tháng sau, lễ kết nạp Đảng cho ông được tổ chức ở khu hậu cứ H. Hương Trà (TT-Huế). Đó là buổi sáng tháng 6-1947, trong lán trại tranh nứa, chỉ có lá quốc kỳ và ba người gồm ông cùng hai đảng viên Trương Công Ngự, Nguyễn Quát. Trước cờ Tổ quốc, chàng trai tuổi 21 đã giơ tay lên thề với cảm xúc thật thiêng liêng. Rồi cả ba người cùng nắm chặt tay đưa lên cao nguyện đoàn kết một lòng theo Đảng. Thành lập được chi bộ, không bao lâu, đơn vị ông đã kết nạp thêm nhiều đảng viên mới. Từ chi đội Cao Vân, ông Huế qua chiến trường Lào, Campuchia rồi vào Nam chiến đấu, bao lần vào sinh ra tử, chính khoảnh khắc kết nạp Đảng ở lán trại Hương Trà năm ấy đã cho ông sức mạnh vượt qua mọi thử thách đến ngày hôm nay.

Đại tá Lâm Huế cùng gia đình.

Buổi lễ trước giờ cảm tử

Từ hồi ức của mình, Đại tá Lâm Huế nhớ đến buổi lễ kết nạp Đảng thật đặc biệt của một chiến sĩ sau này trở thành Anh hùng LLVTND, đó là Ninh Xuân Trường. Trung đoàn 95 (hiện nay thuộc Sư đoàn 2) trong kháng chiến chống Mỹ được nhân dân gọi với cái tên thân thương là Đoàn Mang Yang bởi nhiều năm bám đèo đánh địch trên Đường 19 làm chúng ăn không ngon ngủ không yên. Những năm đó, Trung đoàn phó Lâm Huế đã sát cánh cùng Trung đoàn trưởng Nguyễn Khắc Cần chỉ huy đơn vị lập nên những chiến công vang dội. Nhận được tin ngày 15-1-1968 đoàn thiết xa 69 chiếc cùng hàng trăm tên giặc Mỹ, ngụy sẽ hành quân qua đèo Mang Yang, Trung đoàn 95 bố trí lực lượng đón lõng. Tiểu đội của chiến sĩ Ninh Xuân Trường nhận nhiệm vụ đánh chặn chiếc xe đi đầu. Trong điều kiện vũ khí thiếu thốn, thô sơ, phương án được tính đến là dùng bom tự chế (một dạng bom ba càng thời chống Pháp) nhằm tiêu diệt gọn hai chiếc đi đầu và cuối nhằm khóa chặt đoàn xe cho lực lượng chủ lực tác chiến.

Đại tá Lâm Huế nhớ lại: “Trước trận đánh, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 2 báo cáo với Trung đoàn là sẽ tổ chức kết nạp Đảng cho chiến sĩ Ninh Xuân Trường, người xung phong cảm tử ôm bom hủy diệt đoàn xe. Đây là nguyện vọng của chiến sĩ Trường và cũng là của Tiểu đoàn muốn cậu ấy được là đảng viên trước khi hy sinh. Tiểu đoàn mời Ban chỉ huy Trung đoàn gồm anh Cần và tôi tham dự, chứng kiến. Đêm đó, trong hầm công sự ở Đường 19, ánh trăng khuyết tỏa ánh sáng yếu ớt nhìn không rõ mặt người, buổi lễ kết nạp Đảng diễn ra nhanh gọn với thành phần chừng 7 cán bộ và chiến sĩ Trường. Không cờ, không giấy quyết định, sau khi đồng chí chính trị viên tuyên bố chuẩn y kết nạp Đảng cho chiến sĩ Trường, cậu ấy đã bước lên phía trước và giơ tay xin thề với Đảng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngày mai”.

Đến bây giờ Đại tá Lâm Huế vẫn còn nhớ đó là một chàng trai nhỏ nhắn, giọng nói quyết đoán, quê ở Bắc Giang, trước khi đi bộ đội là thầy giáo và đã có vợ con. Giây phút ấy trong ông trào dâng một niềm yêu mến khó tả. Người đảng viên này biết sẽ hy sinh, không còn trở về với vợ con, với nghề giáo mình rất yêu mến nhưng vẫn không tiếc máu xương mình cho Tổ quốc. Trận đánh sáng 15-1-1968 diễn ra như kế hoạch. Trung đoàn 95 đã tiêu diệt gọn đoàn thiết xa của địch nhưng cũng chịu tổn thất không nhỏ khi phải hứng hàng chục tấn bom đạn từ máy bay, tàu chiến Mỹ trút xuống trả thù. Dã man hơn, sau khi đã dùng bom hủy diệt, Mỹ, ngụy cho xe bọc thép ủi tất cả thi thể 37 chiến sĩ hy sinh trong đó có đảng viên Ninh Xuân Trường vùi chung trong một hố và san phẳng. Sau này nhân dân mới phát hiện được và chính quyền địa phương đã làm lễ an táng trang trọng.

71 năm làm lính Bác Hồ, 69 năm đi theo Đảng, đồng đội vẫn thấy Đại tá Lâm Huế luôn tràn đầy sinh lực. Ông nói rằng, vì Đảng ra đời từ mùa xuân nên xuân cứ phơi phới mãi trong lòng ông...

Hồng Vân