Ký ức về Tết độc lập của người cựu tù nhà lao Phú Quốc
Sáu năm bị đày ải trong nhà lao Phú Quốc, nơi được xem là “địa ngục trần gian”, ông Nguyễn Nhất Thắng vẫn không thể nào quên những trận đòn roi tra tấn dã man của địch. Thế nhưng, ông và đồng đội vẫn giữ vững khí phách, kiên định theo lý tưởng, một lòng trung thành với Đảng, với Bác Hồ, với cách mạng. Và giờ đây, ký ức về ngày tết độc lập trong chốn lao tù năm ấy lại tái hiện trong trí nhớ của ông.
Ông Nguyễn Nhất Thắng xúc động nhớ lại ký ức ngày Tết độc lập khi đang ở trong nhà lao Phú Quốc.
Ngày Tết độc lập năm nay đặc biệt và khác hẳn so với những năm trước, khi TP Vinh (Nghệ An) đang thực hiện biện pháp nâng cao một mức so với Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân đang đồng lòng, chung tay phòng, chống và đẩy lùi COVID-19. Khác với mọi năm, ngày Quốc Khánh 2-9 cả thành phố thực hiện “ai ở đâu ngồi yên đó”, không ai được ra khỏi nhà.
Còn với ông Nguyễn Nhất Thắng (1945, trú phường Cửa Nam, TP Vinh) Tết độc lập năm nào cũng vậy, luôn lâng lâng với tâm trạng khó tả. Ông lau dọn bàn thờ, thắp nén nhang tưởng nhớ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng, liệt sỹ đã hi sinh vì độc lập dân tộc. Những ngày này, ký ức về Tết Độc lập trong chốn “địa ngục trần gian Phú Quốc” trong ông lại hiện về như mới ngày hôm qua.
Người cựu tù nhà lao Phú Quốc thắp nén nhang tưởng nhớ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sỹ.
Như bao chàng trai khác theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, tháng 4-1963, chàng thanh niên Nguyễn Nhất Thắng (quê ở xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên, Nghệ An) vác ba lô lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn 15 công binh, Sư đoàn 324A. Năm 1965, đơn vị của ông lên đường đi B, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.
Năm 1967, đơn vị ông thuộc với một đơn vị bộ binh đánh phục kích sư đoàn thủy binh lục chiến Mỹ từ Cửa Việt lên Khe Sanh. Trận chiến năm đó, mọi diễn biến đã không diễn ra như kế hoạch, địch rút lui được và gọi máy bay, xe tăng cứu viện. Đơn vị ông tổn thất nặng nề, Chuẩn úy - Trung đội trưởng Nguyễn Nhất Thắng cùng 11 đồng đội bị thương và bị bắt làm tù binh.
Sau khi sơ cứu, địch đưa ông về căn cứ, tổ chức cứu chữa nhằm khai thác thông tin. Hai tuần sau, ông bị đưa vào nhà tù Non Nước (Đà Nẵng). Tháng 10-1967, ông được liệt vào danh sách tù chính trị ngoan cố và đày ra nhà lao Phú Quốc (Kiên Giang).
Cựu binh Nguyễn Tất Thắng trong buổi lễ tưởng niệm đồng đội đã hi sinh vì độc lập dân tộc.
Năm 1969, Nguyễn Nhất Thắng được đưa đến phòng giam số 13, khu B5. Đây là một phòng giam rộng khoảng 50m2 nhốt hơn 100 tù binh người miền Bắc - những người được xem là ngoan cố nhất. “Ở nơi “địa ngục trần gian”, cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào nhưng những người chiến sỹ cách mạng vẫn một lòng giữ vững bản lĩnh chính trị, trung thành với Đảng, với Bác Hồ, với cách mạng. Trong chốn lao tù, dù quân địch sử dụng nhiều đòn tra tấn dã man nhằm tiêu diệt chí của người cộng sản nhưng tôi và đồng đội vẫn ra sức chịu đựng, vẫn kiên cường vượt qua được sự đàn áp của kẻ thù” – cựu tù Nguyễn Nhất Thắng cho biết.
Ngày 2-9-1969 đã trở thành ký ức không thể nào quên trong tâm trí của những người tù binh này.“Chiều hôm đó, anh em được thông báo buổi lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 sẽ diễn ra vào tối cùng ngày. Dù ai cũng phải chịu đựng những cơn đau như xé của những trận đòn roi nhưng khi được nghe thông báo, lòng ai cũng háo hức, chờ đợi. Khoảng 9 giờ đêm, bắt đầu giới nghiêm, đèn điện bị tắt hết. Trong bóng tối, một giọng nói vang lên khe khẽ: “Xin mời các đồng chí đứng dậy. Đồng chí nào không đứng được thì quàng tay người bên cạnh để đứng, dựa vào nhau đứng lên, quay mặt về hướng Bắc. Hôm nay là ngày 2-9, ngày Quốc khánh Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, các đồng chí hình dung trước mặt có chiếc bàn, trên bàn có ảnh Bác và cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Chúng ta làm Lễ chào cờ mừng ngày Quốc khánh. Chúng ta sẽ hát Quốc ca, hát khẽ thôi. Bắt đầu!” – người cựu tù Nguyễn Nhất Thắng kể.
Vậy là buổi lễ chào cờ nhỏ đã được âm thầm tổ chức, những người chiến sỹ cộng sản, đứng dựa vào nhau, vai kề vai, tay nắm tay, hướng về phía Bắc, trong tim nhớ đến Bác Hồ, đến Đảng. Họ cùng nhau tiếng hát khe khẽ được bật ra từ trong trái tim.
Gia tài vô giá của ông là những tấm bằng khen, huy chương do Nhà nước trao tặng.
Lời bài ca kết thúc, giọng nói nhỏ nhẹ nhưng đanh thép của người ban nãy lại vang lên trong màn đêm “... Đế quốc Mỹ nhảy vào thực hiện âm mưu chia cắt đất nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, chúng ta lại cầm súng chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không may sa vào tay giặc, đang bị địch giam cầm, chúng ta phải giữ vững khí tiết của người lính cộng sản, kiên cường đấu tranh, tin tưởng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ đi đến thắng lợi...” – ông Nguyễn Nhất Thắng nhớ lại.
Tết độc lập của những người lính trong nhà lao Phú Quốc được tái hiện một cách nhanh gọn, đơn giản nhưng đầy thông điệp gửi đến những chiến sỹ công sản. Đêm đó, họ không ngủ và cũng không hề buồn ngủ mà ngồi thì thầm kể cho nhau nghe về cuộc đời, về gia đình... Họ động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong chốn lao tù của người lính cộng sản, với niềm tin và hi vọng về ngày mai, chiến tranh sẽ kết thúc, đất nước hoàn toàn thống nhất.
Năm 1973, sau Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, những người tù binh trong nhà lao Phú Quốc được trao trả. Họ được trở về địa phương công tác ở những lĩnh vực khác nhau nhưng những ký ức về ngày Tết độc lập trong chốn lao tù mãi đọng lại trong tâm trí của người lính.
Bao nhiêu năm trôi qua là bấy nhiêu lần được đón Tết Độc lập, từ khi đất nước còn muôn vàn khó khăn, gian khổ sau thống nhất, đến những Tết Độc lập của thời kỳ đổi mới, nhưng Tết Độc lập ở nhà lao Phú Quốc vẫn đặc biệt và ý nghĩa nhất đối với người cựu tù Phú Quốc.
Dương Hóa