"Lá chắn vùng biên"

Thứ hai, 26/05/2025 07:12

Đến nay, mô hình Tổ tự quản phòng, chống ma túy (PCMT) "Lá chắn vùng biên", được tổ chức tại 14 xã biên giới thuộc 2 huyện Tây Giang và Nam Giang của tỉnh Quảng Nam và tạo lập "vành đai biên giới", góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng chống ma túy.

Công an xã A Nông, huyện Tây Giang trò chuyện với người dân về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn xã.
Công an xã A Nông, huyện Tây Giang trò chuyện với người dân về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn xã.

A Nông là xã biên giới nằm phía Tây Bắc của huyện Tây Giang (Quảng Nam), cách trung tâm huyện 12km. Toàn xã có gần 1.300 nhân khẩu, trong đó hơn 96% là người đồng bào Cơ Tu. Xã A Nông có gần 12km chiều dài đường biên giới với Lào; có 5 cột mốc biên giới tại 2 thôn, 3/5 thôn của xã có đường biên giới.

Đại úy Lê Hữu Trung- Trưởng Công an xã A Nông cho biết, Tổ tự quản "Lá chắn vùng biên" của xã được thành lập ngày 4-6-2024, gồm 34 thành viên, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, ban quản trị 5/5 thôn của xã tham gia, trong đó lấy nòng cốt là lực lượng Công an xã và các tổ công tác thuộc lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở các thôn.

"Sau gần 1 năm thành lập, Tổ tự quản về PCMT "Lá chắn vùng biên" đã triển khai nghiêm túc các mặt công tác, thực hiện đồng bộ các biện pháp, trong đó chú trọng nắm tình hình, phòng ngừa, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật về ma túy. Qua đó góp phần giúp xã A Nông giữ vững "vùng xanh" về ma túy, đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa", Đại úy Lê Hữu Trung chia sẻ.

Mặc dù đến nay trên địa bàn xã A Nông chưa phát hiện hoạt động của tội phạm về ma túy, nhưng với đặc điểm địa hình xã có đường biên giới dài, xuất hiện một số đường mòn lối mở kết nối với địa bàn nước bạn, tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào vào địa phương. Vì vậy, bên cạnh việc bám sát địa bàn cơ sở, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Công an xã A Nông còn chủ động tham mưu UBND xã chỉ đạo nâng cao hoạt động hiệu quả của Tổ tự quản "Lá chắn vùng biên"; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về ma túy tại các thôn trên địa bàn xã.

Bên cạnh đó, Công an xã A Nông còn tiếp tục tham mưu duy trì hoạt động của 2 mô hình về ANTT khác gồm "Thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội" và "Tổ tự quản về ANTT" tại 5/5 điểm thôn, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc đảm bảo ANTT tại địa phương nói chung và công tác ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy nói riêng.

Giống như xã A Nông, Bhalêê cũng là một xã biên giới, là cửa ngõ của huyện Tây Giang. Toàn xã Bhalêê có hơn 95% người dân là đồng bào Cơ Tu. Từ tháng 6-2024, Công an xã Bhalêê đã tham mưu Chủ tịch UBND xã thành lập và đưa vào hoạt động mô hình Tổ tự quản "Lá chắn vùng biên", được Phòng CSMT Công an tỉnh Quảng Nam tư vấn, hướng dẫn về chuyên môn. Tổ tự quản gồm 42 thành viên gồm nhiều thành phần là người có tinh thần trách nhiệm trong công việc, gương mẫu chấp hành pháp luật, tích cực tham gia công tác PCMT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương.

Tổ trưởng Tổ tự quản - bà Bríu Thị Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Bhalêê, cho biết, từ ngày đi vào hoạt động đến nay, các thành viên trong Tổ tự quản "Lá chắn vùng biên" rất tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định về công tác PCMT đến toàn thể nhân dân trong xã; làm nòng cốt trong công tác vận động nhân dân tham gia PCMT và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại nơi cư trú. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã Bhalêê chưa phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.

Lãnh đạo Phòng CSMT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay tại 14 xã biên giới thuộc 2 huyện Nam Giang và Tây Giang chưa phát hiện hoạt động của tội phạm ma túy do người địa phương thực hiện. Tuy nhiên, đường biên giới dài, nhiều đường mòn lối mở, có Cửa khẩu quốc tế Đắc Tà Oọc - Nam Giang nên lượng người và phương tiện qua lại ngày càng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng mua bán, vận chuyển trái phép các loại ma túy từ Lào vào Quảng Nam. Vì vậy, việc ra đời và đi vào hoạt động của mô hình "Lá chắn vùng biên" nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tập trung chủ yếu là cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở và nhân dân tại 14 xã biên giới của 2 huyện Tây Giang, Nam Giang trong ngăn ngừa, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn ma túy. Qua đó triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp, lấy phòng ngừa là chính, nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, tạo lập "lá chắn", "vành đai biên giới", là chốt chặn đầu tiên, có ý nghĩa quyết định trong đấu tranh PCMT, góp phần không để Quảng Nam trở thành địa bàn phức tạp về ma túy.

N.T