Làm gì để giải "cơn khát" đất, đá cho các dự án trọng điểm?
Hiện nay Đà Nẵng đang triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án trọng điểm, song nguồn cung đá xây dựng thông thường, đất san lấp không đảm bảo. So với nhu cầu thực tế mỗi năm thành phố thiếu hơn 1,4 triệu m3 đá và hơn 4,2 triệu m3 đất. Vậy Đà Nẵng sẽ làm gì để đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm, động lực vốn ngân sách?
Nhiều dự án trọng điểm như cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, mở rộng QL 14B, cầu Quảng Đà và đường dẫn, cảng Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung… đang rất khát nguồn vật liệu đất, đá. Đơn cử, tại dự án bến cảng Liên Chiểu cần hơn 1,6 triệu m3 đá, nguồn cung tại thành phố không đủ phải nhập từ các địa phương khác. Thống kê cho thấy, thành phố hiện có 9 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực với công suất khai thác được cấp phép là 800.500 m3 đá nguyên khối; 6 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp còn hiệu lực với khối lượng có thể cung cấp trong năm 2024 và 2025 là 2,468 triệu m3 đất san lấp thành phẩm.
Theo báo cáo của UBND TP gửi Thường trực HĐND TP mới đây về các giải pháp đảm bảo cung ứng vật liệu xây dựng cho các công trình vốn ngân sách nhà nước, dự án trọng điểm thì thành phố đang xem xét cho nâng công suất các mỏ khoáng sản còn thời hạn khai thác theo giấy phép đang còn hiệu lực; cho phép gia hạn các mỏ đất, đá hiện đang còn thời hạn cấp phép, còn trữ lượng... Cụ thể, trong giai đoạn từ nay đến 2025, thành phố cho phép 7 mỏ đá nâng công suất khai thác đã ghi trong giấy phép còn hiệu lực, còn thời gian khai thác không quá 50% công suất hiện tại của các mỏ. Việc nâng công suất phải đảm bảo phù hợp về môi trường, đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông tại khu vực khai thác và trên đường vận chuyển. Các mỏ được nâng công suất phải cung cấp toàn bộ lượng khoáng sản được nâng công suất này phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố (như các dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu, tuyến cao tốc Hòa Liên-Túy Loan, mở rộng QL14B, cầu Quảng Đà và đường dẫn)... Trước mắt, trong năm 2024, chỉ cho phép 7 mỏ nâng công suất khai thác dưới 15% công suất khai thác khoáng sản đã ghi trong giấy phép đang còn hiệu lực, tổng cộng không vượt quá 177,5 ngàn m3 đá thành phẩm, nhưng phải đảm bảo không vượt qua ranh giới và độ sâu cho phép.
Tương tự với 5 giấy phép khai thác đất trong dự án đầu tư xây dựng công trình hiện đã tính toán cấp phép với công suất khai thác và thời gian khai thác để đảm bảo khai thác hết theo trữ lượng. Đối với 1 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp (CTCP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng-Miền Trung, mỏ đất đồi tại phần mở rộng mỏ Phước Sơn xã Hòa Ninh) đã hết hiệu lực giấy phép, đang gia hạn giấy phép khai thác. Trường hợp này, thành phố sẽ xem xét nâng công suất do còn trữ lượng khai thác (trữ lượng còn lại ước đạt gần 284 ngàn m3 đất nguyên khối/năm; công suất cấp phép là 200 ngàn m3 đất nguyên khối/năm). Đối với các mỏ đất đang lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản (gồm Cty TNHH xây dựng Biên Giới, Cty TNHH xây dựng phát triển Thái Anh Đà Nẵng) thành phố sẽ xem xét cấp phép tăng công suất trong giai đoạn nhu cầu đất san lấp phục vụ các dự án trọng điểm gia tăng (nếu đáp ứng các điều kiện quy định) và giảm về công suất phù hợp sau giai đoạn các dự án trọng điểm giảm hoặc không còn nhu cầu.
Bên cạnh việc cho nâng công suất các mỏ, thành phố cũng tính toán cho phép gia hạn các mỏ đất, đá hiện đang còn thời hạn cấp phép, còn trữ lượng, phù hợp quy hoạch thành phố, quy hoạch khoáng sản, đảm bảo hạ tầng và đã thực hiện đúng các quy định pháp luật. Nguyên vật liệu đất, đá ở các mỏ gia hạn chỉ cung cấp cho các công trình trọng điểm thành phố, trong đó tập trung chủ yếu cho công trình dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu, đường 14B…Đối với các mỏ đã tổ chức đấu giá thành công, thành phố yêu cầu đơn vị trúng đấu giá sớm hoàn thành thủ tục hồ sơ, để sớm đưa mỏ vào khai thác nhằm phục vụ cho nguồn nhu cầu toàn thành phố. Riêng 2 mỏ đất san lấp tại Hòa Liên, Hòa Ninh hiện nay giấy phép thăm dò khoáng sản khu vực trúng đấu giá của Công ty CP XDTM Long Bình và Công ty CP Đầu tư khu đô thị Nam Cường đã hết hạn, thành phố đang xem xét giải quyết vướng mắc để gia hạn giấy phép thăm dò nhằm sớm đưa mỏ vào khai thác, đảm bảo quy định.
Ngoài ra, thành phố đang xem xét cấp phép khai thác với các mỏ đã thăm dò, đảm bảo quy định, quy hoạch; xem xét cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp đã hết thời gian khai thác, thời gian gia hạn nhưng khu vực được phép khai thác còn trữ lượng. Thành phố cũng xem xét cho phép khai thác tận thu khoáng sản còn lại tại các mỏ trong quá trình thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường với điều kiện đáp ứng điều kiện theo quy định, khoáng sản tận thu chỉ được cung cấp cho các công trình đầu tư công, trong đó ưu tiên cho các công trình trọng điểm như cảng Liên Chiểu, đường 14B…
Đối với giải pháp khai thác đất tầng phủ của 3 mỏ đá làm vật liệu san lấp trong quá trình khai thác bao gồm mỏ đá Trường Bản (trữ lượng đất tầng phủ còn lại khoảng 500 ngàn m3), mỏ đá Phước Sơn (trữ lượng đất tầng phủ còn lại khoảng 370 ngàn m3) và mỏ đá Hố Mùn II mở rộng (trữ lượng đất tầng phủ còn lại khoảng 250 ngàn m3) cũng đang được thành phố giao kiểm tra, đánh giá để quyết định từng trường hợp cụ thể.
HẢI QUỲNH