Làm gì để giữ sự trong sáng của tiếng Việt?

Thứ sáu, 14/08/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Đấy cũng chính là câu hỏi luôn trăn trở NGND-GS-TS Lê Quang Thiêm - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Mới đây, trong chuyến thăm Đà Nẵng, vị Giáo sư đầu ngành về ngôn ngữ học Việt Nam, đã dành cho phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng cuộc trao đổi xoay quanh chủ đề về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Thưa Giáo sư, có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay tiếng Việt đang bị “Tây hóa” trầm trọng, ông nghĩ sao về vấn đề này?

* Hiện nay, sự phát triển về kinh tế cũng như đất nước hội nhập sâu rộng hơn với thế giới bên ngoài bằng nhiều cách như tiếp xúc, giao lưu về văn hóa, internet... đã làm cho một bộ phận dân chúng bị ảnh hưởng trong sử dụng ngôn ngữ nói và viết. Sự tùy tiện, thiếu chuẩn mực trong cách dùng tiếng Việt (nói và viết không đúng chính âm chính tả, lạm dụng và chêm vào nhiều từ ngữ tiếng nước ngoài quá mức cần thiết), đã phần nào làm vẩn đục tính trong sáng và đẹp đẽ của tiếng Việt. Trong đó, các phương tiện thông tin đại chúng, mà đặc biệt là truyền hình cũng “góp phần” không nhỏ trong việc tạo nên sự vay mượn những từ ngữ gốc gác nước ngoài. Đơn cử như người dẫn chương trình được gọi là M.C, người hâm mộ thì gọi là fan, ...

 NGND-GS-TS Lê Quang Thiêm (phải) chụp ảnh kỷ niệm với P.V của Báo.

Vậy làm thế nào để chúng ta gìn giữ bản sắc tiếng Việt trong môi trường hội nhập sâu rộng với thế giới mà không đánh mất đi bản sắc của mình?

* Sinh thời Bác Hồ đã nhiều lần phê phán bệnh sính dùng chữ, nhất là dùng từ ngữ vay mượn. Bác đã dạy rằng ngôn ngữ là thứ của cải vô cùng quý báu của dân tộc cần phải giữ gìn và bảo vệ nó. Thiết tưởng hiện nay chúng ta đang có phong trào rộng lớn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hơn lúc nào hết cần nhớ và làm theo tấm gương và lời dạy của Bác. Có thể nói giữ gìn bản sắc của tiếng Việt là công việc của mọi người, từ người già cho đến người trẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Để thực hiện tốt công việc này vấn đề là ở ý thức, sự tự giác của người nói, người viết, của cả xã hội. Trong đó có vai trò không nhỏ là chính sách, là tính tích cực của các cơ quan chủ quản về văn hóa, các nhà trường, các viện nghiên cứu...

Nhân đây tôi muốn lưu ý thêm các phương tiện thông tin đại chúng nên tích cực giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong khi thực hiện các bài viết, chương trình. Ngôn ngữ về bản chất là một hiện tượng xã hội đặc biệt nên cần thiết phải có sự quan tâm của cả xã hội trong nói năng, viết lách, trong sử dụng ngôn ngữ. Có như vậy, mới phát huy được bản chất và chức năng tốt đẹp của nó và những hạn chế đang tồn tại. Những năm gần đây, khi chúng ta hội nhập sâu với thế giới bên ngoài, hàng loạt vấn đề liên quan đến tiếng Việt, đến việc học tập các ngoại ngữ.

Phong trào nhà nhà học ngoại ngữ, người người học ngoại ngữ là một hiện tượng đáng phát huy, nhưng không phải vì thế mà sao nhãng việc rèn luyện tiếng Việt. Bởi vì tiếng Việt là một bộ phận của văn hóa Việt Nam, của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nói và viết tiếng Việt tốt trở thành một phần của nhân cách và phẩm chất người Việt, nhất là những người Việt ở nước ngoài. Cách dùng từ, đặt câu, cách nói bồi nửa Tây nửa ta là biểu hiện không đẹp về văn hóa ứng xử ngôn từ, thậm chí nó là mối nguy hại cho trẻ nhỏ đang học tập, bắt đầu tập làm quen với ngôn ngữ trong sáng chuẩn mực.

Với tư cách là Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, theo ông nên có những biện pháp nào để góp phần làm cho tiếng Việt trong sáng hơn?

* Để làm cho tiếng Việt phát triển, trong sáng và chuẩn mực, mọi người chúng ta cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ, cần có một “bộ lọc tốt” để ngăn chặn những vẩn đục không đáng có lên ngôn ngữ truyền thống, đồng thời ta phải tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa ngôn ngữ của nhân loại để làm giàu, hoàn thiện thêm vốn tiếng Việt của chúng ta. Một điều quan trọng không kém, là về phía Nhà nước cần phải có những chính sách thích hợp trong việc xây dựng ý thức bảo vệ và phát triển ngôn ngữ dân tộc.

Theo chúng tôi biết thì từ năm 1984 đến nay, Nhà nước vẫn chưa có một nghị định gì mới liên quan đến vấn đề chuẩn hóa và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Với tư cách là một Hội xã hội nghề nghiệp thì Hội Ngôn ngữ học Việt Nam luôn quan tâm và góp phần thực hiện những chủ trương, biện pháp nhằm bảo lưu và phát triển tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc anh em.

Hiện nay, sự phát triển công nghệ thông tin đã dẫn đến những thay đổi sâu sắc và toàn diện trong đời sống xã hội. Điều đó sẽ tác động như thế nào đối với ngôn ngữ dân tộc?

* Có thể nói, cuộc cách mạng về công nghệ thông tin đã biến đổi sâu sắc trong tất cả mọi lĩnh vực mà không một ai có thể chối bỏ về vai trò cũng như những tiện ích của nó. Dẫu vậy, nó vẫn luôn có tính hai mặt, và ngôn ngữ của các dân tộc không nằm ngoài phạm vi này. Ngôn ngữ mạng, blog..., đã trở thành một trào lưu, càng làm cho việc gìn giữ bản chất trong sáng của tiếng Việt gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, thay vì nói “địa chỉ hòm thư” thì bây giờ phổ biến là “meo”, biệt danh thì gọi là “ních”, gửi thì nói là “xen”, lưu trữ thì nói là “xây”, in sao tài liệu thì nói là “phô”... Những biểu hiện như vậy làm méo mó, vẩn đục tiếng Việt.

Trong lúc hạn chế những tác động tiêu cực đồng thời chúng ta cũng phải biết cách tạo ra lợi thế riêng thông qua CNTT để chuyển tải, quảng bá, giới thiệu tiếng Việt với bạn bè quốc tế yêu mến và muốn tìm hiểu về Việt Nam.

Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này!

Nguyễn Hoàng Lịch

(thực hiện)