Làm gì để “gỡ khó” cho các dự án?

Thứ sáu, 24/02/2023 10:24
Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, TP Đà Nẵng phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng 38 dự án, công trình, đồng thời khởi công 25 dự án, công trình mới và giải quyết dứt điểm tối thiểu 50% số dự án kéo dài trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Minh Huy
Công viên APEC Đà Nẵng (ảnh minh họa).

Để hoàn thành mục tiêu này, cần quan tâm xử lý, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng… cho đến thi công, nghiệm thu. Vậy đâu là những khó khăn, vướng mắc cần quan tâm xử lý, tháo gỡ?

Bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng:

Bà Trần Thị Thanh Tâm

Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án của các đơn vị đề xuất đầu tư, chủ đầu tư chưa đảm bảo yêu cầu, một số dự án trước đây thực hiện chưa đảm bảo đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định dẫn đến trong quá trình lập dự án hoặc triển khai thi công phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc phải điều chỉnh như: quy hoạch, phương án đền bù, biện pháp thi công… nên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, thậm chí có những dự án phải điều chỉnh nhiều lần. Tiến độ công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng chậm và gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí cho các công trình, dự án. Một số dự án, công trình có tồn tại, vướng mắc, thiếu sót, sai sót, chưa hoàn thành trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước dẫn đến kéo dài việc nghiệm thu, bàn giao, quyết toán, đưa công trình, dự án vào sử dụng, hoạt động. Công tác tổ chức lập, trình, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư một số dự án, công trình tại các quận, huyện theo phân cấp vẫn còn có trường hợp chưa đảm bảo chất lượng và đầy đủ trình tự, thủ tục đúng theo các quy định hiện hành…

Ông Phùng Phú Phong- Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng:

Ông Phùng Phú Phong

Công tác khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng, lập thiết kế, dự toán của một số đơn vị tư vấn chưa đảm bảo yêu cầu, một số dự án không được thực hiện khảo sát phục vụ công tác thiết kế một cách đầy đủ, mặt bằng xây dựng điều chỉnh so với tổng mặt bằng quy hoạch được duyệt, chưa đảm bảo sự đấu nối đồng bộ giữa các hạng mục công trình thuộc dự án và hạ tầng kỹ thuật trong khu vực, dự toán xây dựng không đảm bảo phù hợp giữa khối lượng dự toán và hồ sơ thiết kế, giữa đơn giá định mức công việc so với biện pháp thi công, đơn giá vật liệu so với thiết kế và yêu cầu sử dụng gây lãng phí trong việc thực hiện dự án, dẫn đến điều chỉnh nhiều lần gây chậm trễ hồ sơ dự án dẫn đến chậm trễ tiến độ thi công. Công tác lựa chọn nhà thầu nói chung và nhà thầu tư vấn nói riêng hiện nay kể cả hai hình thức thầu và chỉ định thầu và đấu thầu đều còn mặt hạn chế. Một số đơn vị tư vấn trúng thầu nhưng năng lực quản lý, năng lực tài chính chưa đảm bảo, nhà thầu ở địa phương khác nên thiếu sự hợp tác trao đổi công việc thường xuyên, v.v… đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình, dự án. Một số chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, chưa kiên quyết xử lý vi phạm hợp đồng đối với các đơn vị tư vấn không đảm bảo chất lượng, chậm trễ tiến độ triển khai công trình, dự án.

Ông Phan Văn Tôn - Chủ tịch UBND H.Hòa Vang:

Ông Phan Văn Tôn

Trên địa bàn huyện nhà hiện có 250 dự án đã và đang triển khai. Trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng, H.Hòa Vang cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác này ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số dự án, công trình. Cụ thể, chênh lệch giá đất tái định cư cao hơn nhiều so với giá trị đền bù, dẫn đến người dân không đủ tiền mua đất tái định cư đã ảnh hưởng đến việc thực hiện giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho dự án. Huyện đề nghị UBND TP sớm có chủ trương triển khai suất tái định cư tối thiểu để hỗ trợ cho người dân thuộc diện giải tỏa. Tiếp đến, cần xem xét lại mức bồi thường đất nông nghiệp (hiện mức bồi thường đất nông nghiệp trên địa bàn TP thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác), do đó, kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan sớm xây dựng giá đất nông nghiệp tiệm cận với giá thị trường. Vấn đề di dời mồ mả cũng gặp khó khăn do quỹ đất nghĩa địa phục vụ di dời mồ mả trên địa bàn TP ngày càng ít, đề xuất UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành hữu quan nghiên cứu giải pháp để khắc phục vấn đề này trong thời gian tới. Ngoài ra, nhiều dự án đang triển khai không thực hiện được việc giải phóng mặt bằng do không có khu tái định cư để bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa, địa bàn H.Hòa Vang rất ít có nhà cho thuê nên việc thuê nhà ở tạm trong thời gian chờ bố trí đất tái định cư là rất khó khăn; công tác đo đạc thửa đất phục vụ công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng do Trung Tâm Kỹ thuật tài nguyên – môi trường TP Đà Nẵng (Sở Tài nguyên và Môi trường TP) còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng từ đó ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Ông Nguyễn Minh Huy- Giám đốc Ban QLDA ĐTXD Các công trình giao thông Đà Nẵng:

Ông Nguyễn Minh Huy

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án, phải thường xuyên lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư liên quan ở các bước như: chủ trương đầu tư, quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công, v.v…, đôi khi một số cơ quan, đơn vị liên quan có ý kiến trễ hơn so với thời gian đề nghị tham gia ý kiến dẫn đến tiến độ thực hiện dự án bị chậm trễ; hiện nguồn cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn TP đang rất khan hiếm ảnh hưởng lớn đến việc lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư dự án cũng như tiến độ thi công công trình; công tác đo đạc bản đồ địa chính phục vụ đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng cho dự án thường được triển khai sau khi dự án đã được phê duyệt, mặt khác, cơ quan đảm trách công tác này thường chậm trễ trong việc cung cấp hồ sơ kỹ thuật thửa đất cho ban quản lý dự án đã làm ảnh hưởng đến tiến độ công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng, dẫn đến không có đủ diện tích mặt bằng để triển khai việc thi công…

Ông Trần Lê Minh Dũng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Đà Nẵng:

Trong thời gian qua, Công an TP đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, tham mưu UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương khắc phục các sai phạm có liên quan đến công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đối với các dự án, công trình đầu tư công. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về lĩnh vực này đối với một số dự án, công trình được đầu tư công vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, vẫn còn tình trạng các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương chưa nhận thức đầy đủ, thiếu tinh thần trách nhiệm, xem nhẹ tầm quan trọng của công tác PCCC như đưa dự án, công trình vào vận hành sử dụng khi chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC (hiện có 88 dự án, công trình đầu tư công vi phạm quy định này); chậm triển khai kiến nghị của Công an TP trong việc khắc phục sai phạm liên quan đến thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; tự ý cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của hạng mục công trình, công trình khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan Cảnh sát PCCC; chưa chủ động lên phương án thiết kế về PCCC trong giai đoạn thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công hoặc đã thi công xây dựng công trình xong mới tiến hành làm hồ sơ về PCCC dẫn đến công trình có các sai phạm về PCCC…

PHÚ NAM

(thực hiện)