Làm gì khi xảy ra sự cố bức xạ?

Thứ ba, 20/12/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Sở Khoa học - Công nghệ TP Đà Nẵng vừa tổ chức Hội nghị giới thiệu việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, đồng thời trình diễn kịch bản diễn tập Ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở tại Bệnh viện Đà Nẵng. Hoạt động này được xem như là ngưỡng cơ bản trong việc vận hành kế hoạch ứng phó với sự cố bức xạ TP. Đà Nẵng hiện có 12 nguồn phóng xạ, 141 nguồn bức xạ (56 cơ sở bức xạ). Việc ứng dụng năng lượng bức xạ đã mang lại lợi ích to lớn cho các ngành kinh tế quốc dân, song cũng luôn tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra sự cố. Do vậy, yêu cầu bắt buộc với tất cả các cơ sở có sử dụng bức xạ phải có kịch bản chi tiết để ứng phó khi xảy ra sự cố.

Ứng dụng của bức xạ trong đời sống

Trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng... các nguồn bức xạ đóng vai trò quan trọng. Ở Đà Nẵng, nguồn bức xạ được sử dụng nhiều trong y tế với 45 cơ sở X-quang, 101 thiết bị X-quang. Nhờ nguồn bức xạ mà việc chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán, điều trị bệnh, nhất là bệnh ung thư đem lại nhiều thành tựu quan trọng. Bức xạ còn được dùng chiếu xạ khử trùng trong y tế, bảo quản thuốc đông nam dược... Trong xây dựng, nguồn bức xạ được dùng để kiểm tra chất lượng các công trình lớn, các trụ bê-tông. Trong sản xuất bia rượu, nước giải khát, xi-măng... nguồn bức xạ cũng được sử dụng mang lại nhiều hiệu quả hữu ích. Đặc biệt, trong nông nghiệp, nguồn này được dùng để lai tạo giống mới, bảo quản lương thực, thực phẩm, hải sản tươi sống...

TS Lê Quang Nam- PGĐ Sở KH&CN Đà Nẵng cho biết, theo định hướng đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ là trung tâm năng lượng nguyên tử khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Thực tế đó cho thấy, việc ứng dụng năng lượng bức xạ ngày càng nhiều và rộng rãi tại Đà Nẵng, do đó, phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các sự cố có thể xảy ra.

 Nhân viên đo mức độ nhiễm xạ.

Hành động khi có sự cố

Sự cố bức xạ, tức nguồn phóng xạ bị mất khả năng kiểm soát diễn ra trong 3 trường hợp sau: nổ nhà máy có chất phóng xạ, nguồn phóng xạ bị rò rỉ, phát tán và nguồn phóng xạ vô chủ. Giả định sự cố xảy ra tại Khoa Y học Hạt nhân – Bệnh viện Đà Nẵng, khi nhân viên y tế chuyển nguồn phóng xạ từ kho vào buồng bệnh để điều trị, trên đường đi do va chạm xe đẩy, nguồn bị rò rỉ, phát tán ra ngoài. Lúc đó, một kịch bản ứng phó chi tiết sự cố được triển khai. BS Lê Thế Ánh- Chủ nhiệm khoa cho biết: Một nhân viên ở lại bảo vệ hiện trường, nhân viên còn lại đi báo lãnh đạo khoa. Các bộ phận ứng cứu sự cố lập tức có mặt, thông báo cho người nhà bệnh nhân rời khỏi vị trí gần nơi xảy ra sự cố, cấp liều kế cho các nhân viên, tiến hành đo và phong tỏa khu vực nhiễm xạ. Theo chỉ đạo của Tổng chỉ huy, các nhân viên được trang bị các phương tiện bảo hộ đúng quy định tiến hành thu hồi nguồn. Họ vào khu vực rất nhanh và ra rất nhanh để tránh bị nhiễm xạ. Sau khi nguồn được khống chế thành công sẽ tiến hành đo khu vực xảy ra sự cố, nếu còn nhiễm xạ sẽ tiến hành tẩy xạ cho tới khi sạch hoàn toàn. Các nhân viên giải quyết sự cố sẽ được thu hồi liều kế, nếu có nhiễm xạ sẽ vào phòng tẩy xạ trên da bằng các hóa chất đặc biệt.

Ông Phạm Tiên Phong- Trưởng phòng Quản lý công nghệ- Sở KH&CN TP Đà Nẵng cho biết, sự cố bức xạ chỉ xảy ra một lần nhưng tác hại vô cùng lâu dài. Theo Luật Năng lượng Nguyên tử, tất cả các cơ sở bức xạ phải có kịch bản chi tiết ứng phó khi xảy ra sự cố. Các kịch bản này khi xây dựng, phải đảm bảo 3 nguyên tắc: khoảng cách – thời gian- che chắn. Tức là, hạn chế thời gian gần nguồn bức xạ sẽ làm giảm liều chiếu xạ. Tác động của nguồn bức xạ giảm mạnh theo khoảng cách từ nguồn, vì vậy luôn giữ khoảng cách xa nhất có thể. Đặc biệt, sử dụng vật liệu che chắn sẵn sàng như các khối bê-tông, chì, thép, các kim loại nặng. Cũng theo ông Phong, sự cố bức xạ dẫn đến hai mối nguy hiểm trước mắt và lâu dài. Tác hại cấp tính như nôn mửa, bỏng da, rụng tóc..., lâu dài sẽ gây các bệnh ung thư, sinh con quái thai hoặc dị tật bẩm sinh…

* Lo ở vựa phế liệu
Đà Nẵng hiện có 224 cơ sở thu gom phế liệu. Đây là nơi thường xuất hiện nguồn phóng xạ vô chủ, gây mất an toàn cho người dân. Hầu hết chủ các cơ sở này ít hiểu biết, khá chủ quan về nguồn phóng xạ và không có kịch bản ứng phó khi xảy ra sự cố.
Được biết tại buổi trình diễn kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở tại Bệnh viện Đà Nẵng, Sở KH&CN mời rất nhiều chủ cơ sở kinh doanh phế liệu nhưng không ai đến dự...

Hai câu chuyện

Ông Phong kể, một bà buôn phế liệu vô tình mua được lọ chì chứa nguồn phóng xạ liền đem về nhà cất. Sau đó thấy đơn vị chủ sở hữu nguồn phóng xạ đến chuộc lại bà đã từ chối không cho chuộc vì nghĩ “lọ chì nặng trịch thế này ắt hẳn bên trong chứa cái gì giá trị lắm nên người ta mới chuộc lại”. Hôm sau, bà ta mở ra, thấy chẳng có gì ngoài một ít bột trắng, liền đem rắc quanh nhà. Hậu quả, bà bị nhiễm xạ, phải tiến hành tẩy xạ cả nhà.

Một bà khác nhà ở gần một cơ sở X-quang vô cùng lo sợ bị nguồn phóng xạ rò rỉ. Bà ta cứ lo chẳng may họ ghét mình, chĩa nguồn phóng xạ sang thì quá nguy hiểm. Đặc biệt khi xem truyền hình, thấy đưa tin vụ nổ nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật được cho là thảm họa thế kỷ bà càng hoang mang...

Không nên chủ quan và đừng quá lo sợ, đó là kết luận được ông Phong rút ra từ hai câu chuyện, điểm chung là sự thiếu hiểu biết về nguồn phóng xạ. Về cơ bản, khi sử dụng, vận chuyển nguồn phóng xạ phải luôn được đảm bảo an toàn tốt nhất. Sự cố xảy ra chủ yếu do sơ suất khi vận chuyển, sử dụng. Vì vậy, sự cẩn trọng trong sử dụng để đảm bảo an toàn tối đa được coi là biện pháp xử lý sự cố hiệu quả nhất.

Hải Hậu