"Làm mới" V. League

Thứ năm, 10/07/2025 09:20

Dù ồn ào hay trong lặng lẽ, V.League 2025/26 quả thực đang có bước chuyển động sớm, trước dự báo vô cùng khốc liệt ở những cuộc đua danh hiệu lẫn trụ hạng. Từ cái sân đến cái tên, từ cầu thủ dịch chuyển đến việc HLV kéo nhau đi "tu nghiệp", cho thấy V.League đang được "làm mới" theo chiều hướng tích cực.

Ban huấn luyện SHB Đà Nẵng (áo sáng) có 3 HLV Pro là Phan Thanh Hùng, Lê Đức Tuấn và Đào Quang Hùng cùng với hệ thống sân bãi, các tuyến trẻ đạt chuẩn
Ban huấn luyện SHB Đà Nẵng (áo sáng) có 3 HLV Pro là Phan Thanh Hùng, Lê Đức Tuấn và Đào Quang Hùng cùng với hệ thống sân bãi, các tuyến trẻ đạt chuẩn

Cái sân và cái tên

Sau khi SHB Đà Nẵng ra mắt sân Hòa Xuân bằng trận đấu giữa đội huyền thoại M.U với All Satars Việt Nam và được khen không ngớt, nhiều CLB cũng thay nhau khởi động việc nâng cấp, cải tạo sân thi đấu lẫn sân tập. Sớm nhất là HAGL với SVĐ Pleiku và đại bản doanh Hàm Rồng. Nam Định, với 2 mùa liên tiếp lên ngôi vô địch, đầy hân hoan móc túi cải tạo mặt cỏ, sau đợt Nhà nước bỏ kinh phí "đại tu" để phục vụ cho SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam. Sân Thanh Hóa, 1 trong số các cái tên bị chê nhiều nhất ở những mùa giải gần đây cũng được cải tạo. Đáng chú ý là Ninh Bình, tân binh V.League 1, cũng vào cuộc gần như "lên đời" đồng loạt cơ sở hạ tầng, từ mặt sân đến phòng thay đồ, y tế, phục hồi thể lực, kỹ thuật…

Ninh Bình cũng là CLB sớm nhất trong quyết định đổi tên, từ Phù Đổng Ninh Bình sang Ninh Bình FC. CLB TPHCM dự kiến là CLB Công an TPHCM. Đó là chưa nói, gần đây liên tiếp xuất hiện những tin đồn như CLB vừa xuống hạng Nhất Bình Định hay PVF CAND cũng sẽ thay tên, đổi chủ…

Không loại trừ "thuyết âm mưu", nhưng giữa hư và thực cũng nêu lên xu hướng tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp và các vấn đề nảy sinh sau thực hiện chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành phố… Từ cấp Liên đoàn đến CLB.

Bóng đá cần rõ ràng và minh bạch, chất lượng sân cỏ hay cái tên cũng vậy.

Chứng chỉ cho nghề nghiệp

Với việc VFF quy định HLV trưởng phải có bằng Pro của AFC (Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2023), hôm 30-6 và 1-7, 18 HLV của nhiều CLB Việt Nam đã lên đường sang Nhật Bản tham gia giai đoạn 2 khóa đào tạo HLV bằng Pro. Trong số này, có HLV ngoại Mauro Jeronimo (cựu HLV trưởng PVF-CAND) và nữ HLV là Nguyễn Thị Mai Lan (HLV đội tuyển nữ trẻ quốc gia).

Đáng chú ý, trong số này có tên Vũ Hồng Việt, HLV 2 lần liên tiếp nhận danh hiệu xuất sắc nhất V.League, HLV Nguyễn Việt Thắng, người đưa Ninh Bình tăng hạng chỉ trong 1 năm cầm quân. Nhiều nhà cầm quân khác cũng phải ngậm ngùi "từ chức" và cấp tốc đi tu nghiệp để lấy bằng Pro.

Hóa ra, lâu nay nhiều HLV hành nghề mà chưa có "bằng cấp" đạt chuẩn?. Phải mà không phải. Trong lộ trình áp dụng tiêu chuẩn HLV ở V.League, kể từ năm 2026, các HLV sẽ không được cầm quân ở V-League. Với quy định này, sẽ không ít HLV mất việc ở mùa giải mới 2025/26. Nên biết, Việt Nam mới có 22 HLV bằng Pro cả nam lẫn nữ, nhưng không phải ai trong số này cũng được các CLB săn đón. Trong khi đó, kết quả thực chiến lại được trọng dụng, mà trường hợp HLV Vũ Hồng Việt và Nguyễn Việt Thắng là một ví dụ.

Có thể, thời gian tới hay ít nhất là đầu mùa giải V.League 2025/26, tình trạng các CLB vẫn theo lối sử dụng HLV "bằng lòng" hơn là "bằng cấp". Cũng có thể, một số cái tên có bằng Pro nào đó đăng ký ghế thuyền trưởng CLB cho đúng luật, kèm theo đó là một tướng có thực tài…

Nhưng, bóng đá Việt Nam cần chuyên nghiệp, trung thực ngay trong cả chức danh. Đó là nhu cầu tất yếu và là điều tốt cả cho tương lai của các HLV lẫn V.League, không phải từ những quy định, mà từ sự cầu thị và tự trọng nghề nghiệp.

Tín hiệu tích cực?

Khó nói trước kết quả khi sự việc chưa diễn ra, nhất là trong bóng đá. Tuy nhiên, những động thái gần đây từ VFF, các CLB, đặc biệt về bằng cấp hành nghề, lịch thi đấu, chuyển nhượng, thay tướng, cải tạo sân, đổi tên… cho thấy bóng đá Việt Nam đang từng bước sống chung, chấp nhận thay đổi để phù hợp với guồng quay thời đại. Và sau những "tiêu chí trên", nhiều CLB cần phải tiếp tục ở các hạng mục tài chính; các tuyến đào tạo trẻ; đảm bảo tính thường xuyên, liên tục…

Bóng đá Việt Nam đã qua 25 mùa giải chuyên nghiệp. Nhưng nếu "chấm" đúng và đủ các tiêu chí, e rằng số CLB đạt chuẩn của một CLB bóng đá chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay…

Biết đâu, V.League 2025/26 sẽ là sự khởi đầu cho việc "làm mới", hay ít nhất gợi lên những hy vọng về tính nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm…

T.S

“Làm mới“ V . League

Dù ồn ào hay trong lặng lẽ, V.League 2025/26 quả thực đang có bước chuyển động sớm, trước dự báo vô cùng khốc liệt ở những cuộc đua danh hiệu lẫn trụ hạng. Từ cái sân đến cái tên, từ cầu thủ dịch chuyển đến việc HLV kéo nhau đi “tu nghiệp“, cho thấy V.League đang được “làm mới“ theo chiều hướng tích cực.

U22 Việt Nam rút gọn danh sách và đổi tên thành U23

VFF thông tin, sau 10 ngày tập luyện và trải qua hai trận đấu tập với U22 Đài Loan (Trung Quốc) tại Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là TPHCM), HLV Kim Sang-sik đã quyết định rút gọn danh sách Đội tuyển U22 Việt Nam từ 36 xuống còn 28 cầu thủ. Đây là bước điều chỉnh lực lượng đầu tiên của đội tuyển trước thềm Giải vô địch U23 Đông Nam Á 2025.

Tuyển nữ Việt Nam và Philippines đi tiếp, Thái Lan cùng Indonesia bị loại

Sau loạt trận vòng loại tối 5-7, VCK Giải bóng đá nữ châu Á 2026 đã xác định được thêm 6 đội bóng giành quyền tham dự, nâng tổng số đội lên 11; đó là Ấn Độ (bảng B), Đài Bắc Trung Hoa (bảng D), Việt Nam (bảng E), Uzbekistan (bảng F), Philippines (bảng G) và Triều Tiên (bảng H).

Thêm cầu thủ Việt kiều xin nhập tịch

CLB Hà Tĩnh xác nhận, trung vệ Leygley Adou Minh (1997, Việt kiều Pháp) đang làm hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam và CLB đang tích cực hỗ trợ thủ tục. Nếu điều này thành công, Hà Tĩnh sẽ sử dụng Adou Minh với tư cách nội binh ở mùa giải tới, còn Adou Minh sẽ có hy vọng được khoác áo đội tuyển Việt Nam.