Làm sao voọc không bị “vọc”?

Thứ năm, 21/10/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) hiện đang tồn tại một loại linh trưởng quý hiếm, đó là Voọc chà vá chân nâu. Theo thống kê của các nhà khoa học, Voọc chà vá chân nâu sống trên bán đảo Sơn Trà chiếm khoảng 60% có trong tự nhiên ở Việt Nam. Thế nhưng hiện nay, không gian sống của loài voọc này đang dần bị thu hẹp, công tác bảo tồn loại vật quý này cũng đang gặp nhiều khó khăn khi Sơn Trà trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

 Vẻ đẹp rực rỡ của loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà (ảnh do BQL bán đảo Sơn Trà cung cấp).

“Nữ hoàng của các loài voọc”

Từ xa, nhìn núi Sơn Trà nhỏ bé, ai cũng cứ nghĩ chỉ cần một giờ đồng hồ thôi là dấu chân mình đã in khắp bán đảo này. Nhưng không. Khi bắt đầu lách qua bụi cây rậm rạp, trong sự tĩnh mịch của bán đảo, tôi bất ngờ nhận ra, Sơn Trà vẫn còn hoang sơ lắm, một ngày, một tuần, thậm chí một tháng khám phá vẫn chưa đủ. Vào những năm đầu thế kỷ XIX, các loại khỉ ở bán đảo Sơn Trà nhiều vô kể, khỉ tràn ra các bãi biển, đứng ở đâu cũng nhìn thấy. Chính vì vậy mà trong bút ký lữ hành của những người Châu Âu viết về Sơn Trà, họ miêu tả bán đảo này là đảo khỉ. Bây chừ, Sơn Trà không còn nhiều các loài khỉ như thế nhưng khi đi trong rừng ta vẫn có thể bắt gặp chúng nô đùa trên cây và có khi liều lĩnh ra bãi biển để trộm thức ăn của du khách.

Dù rất thích thú nhìn thấy những đàn khỉ nhưng mục đích của chúng tôi không phải thế, mà muốn được ngắm loài voọc chà vá chân nâu, loài linh trưởng được các nhà nghiên cứu gọi với cái tên mỹ miều “nữ hoàng của các loài voọc”. Thế nhưng, dù đã dùng mọi cách, rình rập, phục kích những nơi voọc thường đi qua nhưng chúng tôi vẫn không nhìn thấy chúng. “Các nhà nghiên cứu muốn nhìn thấy loài voọc này phải ở rừng cả ngày lẫn đêm mới có thể nhìn và chụp ảnh được chúng, mình đi thế này thì chỉ may rủi thôi”-anh bạn tôi an ủi.

Không được ngắm voọc, tôi đành chấp nhận hình dung về chúng qua lời kể của anh Lê Văn Nhì – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn. “Loài voọc này rất đẹp, toàn thân nó có 5 màu nhìn thấy là thích ngay, anh em chúng tôi đi tuần tra cũng rất hay gặp. Chúng rất cảnh giác, thấy động hoặc có người là nhanh chóng chuyển đến khu vực khác. Và khác với khỉ, loài voọc không bao giờ xuống đất để đi lại, mọi hoạt động của chúng đều diễn ra trên cây. Vào mùa xuân là dễ gặp đàn voọc nhất vì lúc đó là mùa sinh sản của chúng”. Còn đối với người dân hay lội rừng ở Sơn Trà thì hình ảnh loài voọc chà vá chân nâu không mấy xa lạ. Nhiều người cho biết, khu vực miếu Bà Tiên Sa là nơi dễ bắt gặp loài voọc này nhất. Và cũng chính vì vẻ đẹp của nó nên người dân gọi chúng là con giáp hoàng chứ ít ai gọi là voọc.

 Ngày càng có nhiều du khách đến với bán đảo Sơn Trà, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của loài voọc.

Du lịch chọi  với bảo tồn

Anh Lê Văn Nhì cho biết, theo thống kê gần đây nhất thì hiện trên bán đảo Sơn Trà có 12 đàn voọc, trên dưới 200 cá thể,  trung bình từ 6 - 24 cá thể/đàn. Đây là tín hiệu đáng mừng vì trong những tài liệu điều tra, nghiên cứu trước đây đều cho rằng số lượng voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà là rất thấp và đang suy giảm nghiêm trọng. “Theo quan sát của chúng tôi thì đàn voọc đang ngày càng phát triển, tỷ lệ là 1/10 so với toàn quốc. Hiện vùng bảo vệ nghiêm ngặt ở bán đảo Sơn Trà là hơn 2.500ha và cho đến nay chúng tôi chưa phát hiện trường hợp người dân săn bắn loài linh trưởng quý hiếm này. Nhưng điều chúng tôi lo lắng là hiện môi trường sống của loài voọc đang bị thu hẹp”- anh Nhì trăn trở. Những điều anh Nhi lo lắng cũng là sự quan tâm của các nhà khoa học. Hiện nay, nhiều con đường mới và cơ sở hạ tầng được xây dựng trên bán đảo Sơn Trà để phục vụ du lịch, lượng khách đến đây tham quan ngày càng nhiều, điều này ảnh hưởng lớn đến loài voọc. Như việc, không gian sống bị chia cắt, nguồn thức ăn vì thế mà khan hiếm và sự xuất hiện của du khách sẽ làm loài voọc sợ hãi.

Anh Nhì đơn cử: “Trước đây, người dân bắt được một chú voọc con mang đến giao lại Kiểm lâm nhưng chúng tôi không thể chăm sóc vì chưa có nhà cứu hộ động vật nên đành phải đưa vào TPHCM, nơi có các phương tiện để cứu sống chú voọc. Thời gian qua, có rất nhiều con voọc đi lạc, có khi ra tận bãi biển. Có thể việc làm đường đã chia cắt những con voọc khỏi đàn của nó”. Để bảo vệ các loài vật ở khu bảo tồn bán đảo Sơn Trà, Hạt kiểm lâm Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn đã tổ chức cho các chủ rừng, người dân sống gần bán đảo cam kết không được xâm phạm các loài động vật, nhất là loài voọc quý hiếm và triển khai thường xuyên công tác tuyên truyền bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc săn bắt động vật đôi khi vẫn còn diễn ra ở Sơn Trà, đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nữ hoàng của các loài voọc.

Được biết, hiện tổ chức Bảo tồn Voọc thế giới kết hợp với Trường Đại học Hà Nội đang nghiên cứu đặc tính, số lượng và nguồn thức ăn của đàn voọc tại bán đảo này. Số liệu chính xác của các đàn voọc trên bán đảo Sơn Trà sẽ được công bố trong thời gian gần đây. Và trước đó, nhận thấy phải có sự phát triển bền vững, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định phê duyệt đề án Bảo tồn đa dạng sinh học bán đảo Sơn Trà giai đoạn 2010 - 2020 với tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng, đây là điều đáng mừng cho loài voọc ở bán đảo này và những ai “mê đắm” chúng.

Việc những đàn voọc chà vá chân nâu sinh sống và phát triển trên bán đảo Sơn Trà là một cơ hội lớn đối với ngành Du lịch Đà Nẵng, tuy nhiên việc phát triển du lịch lại đang đối chọi với công tác bảo tồn loài vật quý hiếm này. Vì vậy, về lâu dài cần phải có giải pháp dung hòa giữa hai việc trên, để loài voọc sinh tồn phát triển và cũng để Sơn Trà trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Lưu Hoàng Anh