Lan tỏa sâu rộng phong trào "Dân vận khéo"

Thứ năm, 30/03/2023 08:18
“Dân vận khéo” là công tác trọng tâm, cần được lan tỏa sâu rộng cho toàn dân tham gia - Đó là nhấn mạnh của Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết trao biển ghi nhận và tặng hoa cho các đơn vị có phong trào “Dân vận khéo” tiêu biểu năm 2023.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu, chỉ đạo hội nghị.

tại hội nghị triển khai Đề án Một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố đến năm 2030 do Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 29-3.

Hơn 600 mô hình dân vận hiệu quả, có sức lan tỏa

Thời gian qua, phong trào “Dân vận khéo” được các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn TP Đà Nẵng tích cực thực hiện. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trong mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng..., góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, huy động các nguồn lực trong cộng đồng thực hiện tốt chủ trương an sinh xã hội..., làm cho đời sống của người dân Đà Nẵng ngày một nâng lên về mọi mặt.

Theo thống kê chưa đầy đủ, thời gian qua, các Quận ủy, Huyện ủy đã xây dựng được 482 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực hoạt động: Phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, có 96 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế, 278 mô hình ở lĩnh vực văn hóa, xã hội, 65 mô hình ở lĩnh vực an ninh, quốc phòng, 43 mô hình lĩnh vực xây dựng. Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội quần chúng đã triển khai thực hiện 107 mô hình “Dân vận khéo”; các sở, ngành, khối lực lượng vũ trang, đảng ủy trực thuộc đã xây dựng 89 mô hình, trong đó có nhiều mô hình được duy trì thực hiện qua nhiều năm.

Nhìn chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tác động tích cực trên các mặt phát triển kinh tế của thành phố. Nhiều mô hình, điển hình trong việc tổ chức vận động hội viên, đoàn viên, các thành phần kinh tế phát huy thế mạnh của địa phương, huy động các tiềm năng, nguồn lực và sự năng động, sáng tạo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, giảm nghèo. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” sản xuất kinh doanh giỏi, làm ăn có hiệu quả trong xây dựng doanh nghiệp, xây dựng trang trại, phát triển nghề, làng nghề. Đặc biệt, các cấp ủy đảng chú trọng chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chăm sóc khách hàng… Lãnh đạo đơn vị đã tổ chức “khéo” trong vận động doanh nghiệp và người lao động phát triển kinh tế; ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động; các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao; đầu tư, xây dựng các mô hình sản xuất hiện đại; áp dụng tiến bộ khoa học -kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, cho đoàn viên, hội viên. Dù các mô hình triển khai có những nội dung khác nhau nhưng đều hướng tới những mục tiêu chung: Đảm bảo việc làm, tiền lương cho người lao động; thực hiện tốt công tác tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, đảm bảo ANQP … Điển hình như mô hình “Cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu” nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, tạo ra sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, thay đổi dần các mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất chuyên canh, góp phần cải thiện cuộc sống người dân, thay đổi diện mạo nông thôn Hòa Vang hoặc trên trên lĩnh vực văn hóa - xã hội có các mô hình “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, “Nếp sống văn hóa công nghiệp” cùng các phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Tết sum vầy”; “Chuyến xe công đoàn”… đã huy động các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, chăm lo gia đình, đối tượng chính sách, bệnh nhân nghèo, phụ nữ và trẻ em trong điều trị, khám, chữa bệnh; giúp đỡ học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật.

Có thể nói, những mô hình do Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan hành chính, doanh nghiệp tuyên truyền, tổ chức thực hiện đã có sức lan tỏa lớn, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, người lao động, nhân dân tham gia. Hình ảnh các chiến sĩ bộ đội, công an tham gia phân phối lương thực, đi từng nhà hỗ trợ các hộ dân đi chợ, tham gia trực chiến tại các chốt chặn, “khéo” tuyên truyền, “khéo” vận động người dân thực hiện các quy định trong phòng chống dịch, mô hình “Bảy ngày yêu thương - Chung tay vượt qua dịch bệnh”, “Gian hàng 0 đồng”, “Cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm phi lợi nhuận cho Nhân dân”… đã lan toả hình ảnh đẹp của lực lượng vũ trang “Vì Nhân dân phục vụ” sẽ chẳng phai mờ trong tâm trí của nhiều người khi nhớ về giai đoạn toàn dân phòng chống đại dịch Covid-19. Hoặc những mô hình “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” như: Mô hình “Tiếng loa an ninh”, “Tổ dân phố, thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Tổ công nhân tự quản”… đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo ANQG và TTATXH ở từng khu vực, góp phần làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tạo nên sự ổn định về chính trị, đồng thuận trong nhân dân và tăng cường sự gắn bó giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân.

“Dân vận khéo” là nhiệm vụ trọng tâm

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết trao biển ghi nhận và tặng hoa cho các đơn vị có phong trào “Dân vận khéo” tiêu biểu năm 2023.

Chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá cao những kết quả đã đạt được từ phong trào “Dân vận khéo” thời gian qua. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa những nội dung tại Đề án số 04 ngày 31-12-2022 của Thành ủy Đà Nẵng, ông Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị thời gian đến, các cấp ủy Đảng cần xem phong trào “Dân vận khéo” là nhiệm vụ trọng tâm nhằm huy động sức mạnh tổng lực của cả cộng đồng xã hội để vượt qua những khó khăn trước mắt, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng về văn hóa, kinh tế-xã hội, ANQP. Đồng thời, để phong trào “Dân vận khéo” ngày một lan tỏa trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, HĐND TP cần thể chế hóa những quy định trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng bám sát các nội dung định hướng của Đề án 04 để triển khai phù hợp với đặc điểm, tình hình TP. Trong đó, chú trọng gắn các mô hình “Dân vận khéo” với các định hướng phát triển TP theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, xây dựng các mô hình vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế với 5 mũi nhọn cần tập trung phát triển của TP, gồm: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistic; công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin gắn với kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp; xây dựng phát triển văn hóa và con người Đà Nẵng theo tinh thần Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 27-12-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy...

M.T