Làng Kon Sơ Lăl đón năm mới bên mái nhà Rông

Thứ ba, 02/01/2018 12:02

Năm mới 2018, bà con làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, H. Chư Păh (Gia Lai) vui mừng chào đón một cái Tết đầm ấm và sung túc dưới mái nhà Rông mới dựng kiên cố, vững chãi. Nhà Rông là biểu tượng niềm tin, sức mạnh của người dân tộc Ba Na tại Tây Nguyên. Ông Trần Anh Hào, Phó Chủ tịch xã Hà Tây, H. Chư Păh cho biết, làng Kon Sơ Lăl có khoảng 580 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Ba Na. Khi dựng lại nhà Rông mới, tất cả bà con trong làng đều chung tay góp sức thể hiện tình đoàn kết, nhân văn trong cộng đồng. Đây là niềm tự hào của dân làng và của cả chính quyền địa phương. Nhà Rông làng Kon Sơ Lăl được dựng lại bằng tất cả nguyên vật  liệu truyền thống như gỗ, mây, nứa, tranh, tre, le, lạt... tạo không khí ấm áp khi mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. Với  chiều ngang 23m, dài 12,5m, cao đến 20,5m, nhà Rông mới có sức chứa 500-600 người khi có lễ hội, Tết... và đây cũng là nhà Rông truyền thống lớn nhất tỉnh Gia Lai hiện nay.

Bà con làng Kon Sơ Lăl hát múa đón năm mới bên mái nhà rông mới dựng.

Già làng Sôn cho biết: Nhà Rông cũ bị cháy năm 2015. Sau một thời gian không có nơi sinh hoạt cộng đồng, người dân trong làng loay hoay, bức bí như mất đi một phần quan trọng, linh thiêng trong đời sống. Già Sôn tức tốc họp làng, phân công công việc cụ thể cho từng hộ, từng cá nhân. Sau 2 năm chuẩn bị và 3 tháng xây dựng, Tết này bà con làng Kon Sơ Lăl đã có nhà Rông mới trong niềm phấn khởi, hân hoan. Nói nhà Rông là niềm tin của dân làng bởi nhà Rông của dân tộc Ba Na ngoài là nơi hội họp, tổ chức các lễ hội truyền thống, gắn kết cộng đồng còn mang ý nghĩa tâm linh rất quan trọng thể hiện niềm tin, sức mạnh của cả dân làng. Ở Tây Nguyên, làng nào không có nhà Rông được ví như không có linh hồn. Già Sôn cho biết thêm, để có được các nguyên vật liệu truyền thống như tranh, gỗ... làng đã tập trung tất cả lực lượng già, trẻ, gái, trai cùng chung tay, góp sức. Nhà Rông cũ bị cháy hết phần tranh, số trụ, cột gỗ trắc còn lại dân làng bán đi lấy tiền mua gỗ mới để xây dựng nhà Rông mới. Sở dĩ không tận dụng gỗ cũ vì theo phong tục mọi thứ làm nhà Rông phải tinh khiết, mới mẻ thì Giàng mới đem lại may mắn cho bà con dân làng. Được sự đồng tình của chính quyền các cấp, bà con lên rừng cắt tranh, lấy thêm một số trụ gỗ cùng mây, lạt rồi dựng lại nhà Rông mới. Họ thường lựa chọn khoảng tháng 5-6 lên rừng cắt tranh bởi thời điểm này tranh màu sắc đẹp, vừa độ chín già. Phần trên mái nhà Rông Kon Sơ Lăl hay phần trụ gỗ cầu thang được trang trí bằng các họa tiết hình cây rau dớn, hình mặt trời thể hiện sức mạnh trường tồn, luôn hướng về thần ánh sáng của dân tộc Ba Na. Anh Hyum cho biết, anh đã tham gia tất cả các công đoạn làm nhà Rông của làng, mỗi công đoạn đều có những khó khăn vất vả riêng nhưng với sự đồng lòng của toàn thể dân làng thì việc gì cũng xong. Cứ mỗi lần hoàn tất một công đoạn nguy hiểm như kéo gỗ từ rừng về làng hay trèo lên mái nhà lợp tranh, già làng đều cúng cảm tạ Giàng, cầu mong cho dân làng được may mắn, bình an. Lễ cúng tạ Giàng cũng là lúc để bà con nghỉ ngơi, quây quần dưới chân nhà Rông nghe già làng phân công nhiệm vụ những công đoạn tiếp theo.

Để làm hoàn thiện nhà Rông, từ khâu chuẩn bị cho đến xây dựng, kiến trúc thiết kế đều theo sự chỉ đạo tỉ mỉ, sâu sát của vị già làng. Theo già Sôn, kết cấu nhà Rông của người Ba Na rất độc đáo, không có vì kèo. Họ chỉ dùng các dây mây, tre lạt, kết nối khung nhà lại với nhau. Mặc dù, phía mái trong nhà Rông chỉ được đan chéo bằng nhiều cây gỗ, tre nhưng vẫn rất vững chãi và kiên cố. Mái nhà Rông được lợp bằng cỏ tranh dày khoảng 20cm, hai mái ốp vào nhau như hình lưỡi rìu vươn lên bầu trời, thể hiện sức mạnh, niềm kiêu hãnh của người Ba Na trước thiên nhiên. Quan trọng nhất của nhà Rông là 12 cây trụ chính rộng vừa hai vòng tay người ôm được lấy từ thân cây gỗ dầu, gỗ bình linh. Các trụ gỗ này được ngâm trong bùn dưới ao, hồ cùng ván, tre, le gần 2 năm để tạo độ rắn chắc, tránh mối mọt. Dây mây, lạt tre được luộc chín để tăng độ mềm, dẻo khi sử dụng. Đây cũng chính là nguyên liệu thay thế đinh, thép buộc để  kết nối nhiều thành phần trong nhà Rông lại với nhau. Sàn nhà Rông được trải bằng ván gỗ chịu lực cao, chứa được khoảng 100 ghè rượu Cần. Sàn cách mặt đất khoảng 2m, có cầu thang lên xuống. Ngày trước phần cầu thang được làm từ 1 thân gỗ, người già và trẻ em di chuyển bất tiện. Hiện cầu thang nhà Rông mới được trải dài chính giữa gian nhà, rộng thoải mái cho nhiều người cùng lên xuống. Bước lên cầu thang có khoảng sân trước của nhà Rông được cải tiến thành hai hàng ghế, mỗi hàng dài khoảng 4m để đựng thức ăn khi làng có lễ hội.

Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, ngày xưa, nhà Rông là nơi lưu giữ các vật linh thiêng của làng và chỉ đàn ông, con trai mới được phép ngủ ở nhà Rông. Hiện tại, rất ít làng đồng bào dân tộc thiểu số còn giữ lại được phong tục này. Tuy nhiên, làng Kon Sơ Lăl vẫn duy trì việc nam thanh niên chưa vợ đều phải ngủ tại nhà Rông để già làng dễ quản lý, giáo dục. Hiện rất hiếm nhà Rông có thể phục dựng lại với diện tích lớn mà vẫn giữ nguyên thiết kế và nguyên vật liệu truyền thống như của làng Kon Sơ Lăl. Nhà Rông Kon Sơ Lăl phục dựng thành công thể hiện sự đoàn kết, mong muốn có một nơi sinh hoạt cộng đồng, một mái nhà Rông đúng bản chất và ý nghĩa của người Ba Na.  Nhà Rông Kon Sơ Lăl là một trong những kiến trúc nhà Rông truyền thống đẹp và lớn nhất tỉnh Gia Lai, đáp ứng được nhu cầu về tín ngưỡng, gắn kết tính cộng đồng. Đã có một số biến đổi phù hợp với cuộc sống hiện tại nhưng nó vẫn giữ được nguyên bản nét văn hóa người Ba Na, là linh hồn, niềm tin và biểu tượng sức mạnh của làng. Tết đến, xuân về, bà con làng Kon Sơ Lăl sum vầy bên mái nhà Rông vui mừng chào đón năm mới. Đống lửa trại bập bùng soi rọi bước xoang, điệu chiêng truyền thống trước mái nhà Rông sừng sững, trường tồn. Dân làng háo hức chào đón một năm mới sung túc, sức khỏe dồi dào, thóc lúa đầy kho.

HỒNG ĐIỆP