Lắng nghe tiếng nói tiểu thương
Ngày 5-10, UBND tỉnh TT-Huế tổ chức chương trình “Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt tiểu thương chợ Đông Ba”. Chương trình được tổ chức với sự tham dự của hơn 350 tiểu thương chợ Đông Ba nhằm để người đứng đầu UBND tỉnh lắng nghe tâm tư nguyện vọng của tiểu thương ngôi chợ nổi tiếng này, qua đó tháo gỡ khó khăn cho tiểu thương, nhất là tình trạng kinh doanh ế ẩm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tiểu thương phản ánh nhiều vấn đề tới lãnh đạo tỉnh TT-Huế. |
Theo Ban quản lý chợ Đông Ba, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc kinh doanh của tiểu thương tại chợ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tiểu thương buôn bán các mặt hàng đặc sản Huế, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch. Ban quản lý chợ Đông Ba đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục có chính sách miễn giảm thuế và tiền thuê mặt bằng cho tiểu thương, đầu tư cơ sở vật chất để phát triển chợ theo hướng văn minh thương mại. Tại chương trình, nhiều tiểu thương đã thông tin đến Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ tình trạng khó khăn trong kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều tồn tại, bất cập khác tại ngôi chợ này.
Tại buổi gặp mặt, các tiểu thương tại chợ Đông Ba được trao đổi trực tiếp nhiều tâm tư nguyện vọng về công việc, môi trường làm việc, thái độ ứng xử… Hầu hết đều cho rằng, cơ sở hạ tầng chợ đang xuống cấp trầm trọng, hư hỏng nặng, thấm dột khi có mưa lớn diễn ra. Nhiều hộ kinh doanh mặt hàng đặc sản, lưu niệm... bị thất thu, thiệt hại nặng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến đời sống của tiểu thương tại chợ gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, các tiểu thương kiến nghị có chính sách giảm thuế, giá thuê mặt bằng; đầu tư về cơ sở vật chất để phát triển theo hướng văn minh thương mại; đẩy mạnh xã hội hóa về công tác xây dựng cơ bản, sửa chữa làm đẹp quầy hàng; quy hoạch bố trí lại ngành hàng ăn uống đảm bảo vệ sinh môi trường; định hướng quy hoạch đường Chương Dương trước mặt bờ sông Hương trở thành khu đi bộ; điều chỉnh giá thu phí chợ và thu phí vệ sinh...
Tiểu thương Phạm Thị Hiền cho biết, bà đã buôn bán 30 năm tại chợ nhưng chưa bao giờ tình trạng buôn bán ế ẩm như hiện nay. Theo bà Hiền, thời gian qua gần như 80% lô, quầy hàng tại chợ Đông Ba "đóng băng" do không có khách du lịch. Tiểu thương Lê Thị Mận kể, thời gian qua có khi 5 ngày liền quầy hàng của bà không bán được mặt hàng nào vì không có khách mua. Đặc biệt, bà Mận bức xúc vấn nạn trộm cắp, ăn xin và “cò” du lịch lộng hành tại chợ Đông Ba khiến tiểu thương điêu đứng. Bà Mận kể, đã có nhiều trường hợp du khách vào chợ mua hàng bị kẻ gian trộm cắp tài sản. Du khách đến chợ cũng thường bị người ăn xin quấy nhiễu. “Rồi nạn “cò vạc” du lịch, khách xem cái mũ giá 50.000 đồng, “cò” hô giá 500.000 đồng nên khách bỏ chạy”, bà Mận kể.
Phát biểu tại chương trình, ông Phan Ngọc Thọ cho biết, ông đã có dịp đi cùng Chủ tịch UBND TP Huế khảo sát tại chợ Đông Ba trong thời gian qua và lắng nghe nhiều ý kiến của tiểu thương liên quan đến công tác quản lý, vận hành và những vấn đề khác ở chợ. Theo ông Thọ, chợ Đông Ba đã đi vào tiềm thức của người Huế và người Việt Nam. Mặc dù hiện nay xu hướng mua bán kinh doanh có nhiều thay đổi do phát triển của công nghệ nhưng nhắc đến Việt Nam, nhắc đến Huế là không thể không nhắc đến ngôi chợ truyền thống đặc biệt như chợ Đông Ba. “Tiểu thương tại chợ Đông Ba đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như quảng bá hình ảnh Huế. Xin gửi lời tri ân và biểu dương những nỗ lực của chị em tiểu thương và cơ quan quản lý chợ”- ông Thọ nói. Trước những phản ánh, đề xuất, kiến nghị của tiểu thương chợ Đông Ba; ông Phan Ngọc Thọ cũng lãnh đạo các cơ quan liên quan đã có những giải đáp, trao đổi thẳng thắn, cởi mở. Các tiểu thương được hứa tháo gỡ khó khăn bằng các chính sách giảm thuế, giảm tiền thuê mặt bằng, đầu tư nâng cấp chợ, xử lý các tệ nạn trộm cắp, ăn xin và nạn “cò” du lịch tại chợ…
Chợ Đông Ba là chợ truyền thống có bề dày lịch sử 121 năm và là một điểm đến tham quan, mua sắm không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến Huế. Chợ có khoảng 60 ngành hàng, buôn bán từ các mặt hàng cao cấp đến bình dân; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Mỗi ngày, lượng du khách và người mua bán đến chợ có khoảng 7.000-10.000 người.
Chợ được đầu tư xây dựng lại từ năm 1986-1987 và đưa vào hoạt động cho đến nay. Trên diện tích 22.749m2, toàn chợ có hơn 2.700 lô và hơn 1.800 hộ kinh doanh được phân bổ tại 6 khu vực.
Trong 9 tháng năm 2020, tổng thu toàn chợ là hơn 9,2 tỷ đồng, đạt 52% so với kế hoạch và 76% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu hoạt động sự nghiệp công gần 5 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch; thu sử dụng diện tích bán hàng cố định là 2,7 tỷ đồng, đạt 44% so với kế hoạch.
H.LAN