Lãng phí tài nguyên ở khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (Bài cuối: Khai thác chưa tương xứng với tiềm năng)

Thứ ba, 09/10/2018 11:05

Khu kinh tế Chân Mây– Lăng Cô (KKT CM-LC) nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây, có trục giao thông quốc gia QL1A, gần với 2 sân bay Phú Bài và sân bay Đà Nẵng, nằm giữa 2 khu đô thị lớn là TP Huế và Đà Nẵng, có vịnh đẹp nhất thế giới Lăng Cô, có cảng nước sâu Chân Mây... Với những lợi thế này, tỉnh TT-Huế định hướng đến năm 2020 sẽ xây dựng CM- LC trở thành đô thị ven biển. Thế nhưng, những năm qua, sự phát triển tại đây chưa tương xứng với tiềm năng.

Với lợi thế có cảng nước sâu Chân Mây nên lượng khách du lịch bằng tàu biển đến KKT Chân Mây- Lăng Cô tăng cao trong thời gian gần đây.

Phải xác định thế mạnh đặc thù

Còn nhớ, tại hội thảo bàn về “Phát triển KKT CM-LC” diễn ra năm 2016, các chuyên gia kinh tế (KT) đưa ra nhiều hiến kế là làm thế nào để KT tại đây tăng cao. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng du lịch ở KKT CM- LC được chọn làm ngành KT mũi nhọn nhưng chưa được khai thác đúng tầm. Nguyên nhân được đưa ra là do KKT này không có khu đô thị hỗ trợ, còn các khu đô thị khác thì quá xa, vì vậy du khách về đây hầu như cảm thấy buồn, chỉ lưu trú vài ngày rồi đi. Còn nếu muốn KT phát triển thì cần có thêm khu công nghiệp (KCN) nhưng KCN có trước thì sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường còn nếu khu đô thị có trước thì nguồn thu và nguồn đầu tư cho du lịch lại không có. Vì vậy, tại đây rất cần những nhà đầu tư lớn.

Theo ý kiến của chuyên gia Phan Chánh Dưỡng- giảng viên môn Tiếp thị địa phương, thủ lĩnh của nhóm thứ Sáu, nhóm chuyên gia kinh tế đã tham gia một cách hiệu quả vào công cuộc đổi mới kinh tế của đất nước, ngành du lịch tại KKT CM- LC vô cùng quan trọng, nhưng không khai thác đúng tầm. Ông Dưỡng cho rằng, làm du lịch phải kéo con người đến vùng đất cần tới, nhưng không phải thu về mặt tài chính mà sâu xa hơn là chúng ta khai thác từ những con người này là nguồn thu trí tuệ. “Một trong những kinh nghiệm để thu hút đầu tư, đó là làm thế nào để biến tiềm năng thành hiện thực. Khu đô thị ở KKT CM - LC có diện tích 2.100 ha gấp 7 lần Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Điều đó cho thấy, khi thiết kế gì, đằng sau là phải tư duy chiến lược, đâu là lợi thế, đâu là thế mạnh đặc thù”- TS Vũ Thành Tự Anh- Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhà nghiên cứu tại Trường quản lý nhà nước Harvard Kennedy nói.

Mới đây, một Tập đoàn lớn của Việt Nam đã thăm dò và đặt vấn đề đầu tư xây dựng nhà máy thép tại KKT CM- LC. Tuy nhiên nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc có nhà máy thép sẽ làm ảnh hưởng tới mục tiêu du lịch xanh, sạch, đẹp mà KKT CM -LC đề ra trước đó. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc đầu tư nhà máy công nghiệp quy mô từ 3.000- 5.000 công nhân thì sẽ giúp KKT này phát triển tăng vọt về mọi mặt. Còn việc ảnh hưởng tới môi trường thì sẽ được giải quyết nhờ công nghệ. Tại hội nghị liên kết phát triển kinh tế các KCN, KKT của 5 tỉnh miền Trung, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra rằng, các KCN- KKT của miền Trung như những “bách hóa tổng hợp”, thứ gì cũng có nhưng không có nét riêng biệt. Chiến lược thu hút nhà đầu tư của các tỉnh miền Trung vẫn chưa được tốt, chưa tạo điều kiện đủ cho nhà đầu tư. “Tỉnh TT-Huế có Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện T.Ư Huế lừng danh nhưng tại sao KKT CM-LC không thu hút được nhà đầu tư xây dựng nhà máy chuyên sản xuất hàng y tế?”- ông Thiên dẫn chứng.

Du lịch biển ở Lăng Cô nhiều năm qua phát triển không tương xứng với tiềm năng. (trong ảnh, DA Khu nghỉ dưỡng ở ven biển Lăng Cô “treo” hơn 1 thập kỷ).

Chất lượng dịch vụ bị bỏ ngỏ

Ông Huỳnh Văn Toàn- Tổng Giám đốc CTCP Cảng Chân Mây cho biết, thời gian gần đây, sự xuất hiện  thường xuyên của các hãng du lịch tàu biển hạng sang tại cảng như: Royal Caribbean, Celebrity Cruises, Tui Cruises… đã phần nào khẳng định giá trị thương hiệu Cảng Chân Mây trên bản đồ DL khu vực và thế giới. Tuy nhiên, số lượng du khách đến Huế tham quan và mua sắm chưa cao. Vậy, làm thế nào để thu hút đưa những du khách hạng sang từ cửa ngõ Cảng Chân Mây lên Huế tham quan và mua sắm? Làm thế nào để ngành “công nghiệp không khói” phát triển tương xứng với tiềm năng, mang về một nguồn thu cho Huế. Ông Huỳnh Văn Toàn cho rằng, ngành du lịch cần đẩy mạnh quảng bá Huế qua các kênh quốc tế, tham gia các hội chợ DL tàu biển thế giới, xây dựng các trang web về những điểm đến của Huế gửi cho các hãng du thuyền, các nhà khai thác cảng du lịch, thành lập Quỹ xúc tiến du lịch, tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch tại các thị trường du lịch tàu biển lớn như Mỹ, Hồng Kông, Singapore, Canada, Thổ Nhĩ Kì, Mongtenegro… các đơn vị liên quan cần chủ động giới thiệu những công trình, kiến trúc lịch sử, danh lam thắng cảnh, văn hóa và ẩm thực Huế cho các hãng tàu để quảng bá Huế. Ngoài ra, đối với các đại lý du lịch khi đưa khách lên bờ, nên tổ chức đưa đi tham quan các địa điểm ở Huế miễn phí bằng cách hình thành tuyến xe buýt Chân Mây - Huế - Chân Mây để tiếp tục phát triển Huế thành một điểm đến. Và môi trường khi du khách dừng chân, chất lượng dịch vụ phải được chú trọng để tạo được sự lan tỏa…

Anh Nguyễn Văn Tấn- hướng dẫn viên chuyên đưa các đoàn khách quốc tế từ Cảng Chân Mây đi tham quan Đà Nẵng- Hội An kể rằng, nhiều du khách khi đến Chân Mây họ phàn nàn vì không có chỗ để mua sắm. Thỉnh thoảng, trong khu vực cảng chỉ khi có tàu cập bến thì có vài ba gian hàng được bày ra nhưng sản phẩm rất nghèo nàn nên du khách cũng không mấy mặn mà. Ngoài ra, các dịch vụ như: giải trí, thư giãn, khu mua sắm quà lưu niệm, các tiệm áo dài truyền thống… ở KKT CM-LC hầu như không có. Chính vì quá thiếu nhiều dịch vụ du lịch đi kèm nên du khách đành vào Đà Nẵng, Hội An để tiêu tiền.

Cần nhìn nhận lại vấn đề quy hoạch

Theo định hướng đến năm 2020 của UBND tỉnh TT-Huế sẽ xây dựng KKT CM-LC trở thành đô thị ven biển. Để đạt được kỳ vọng này thì việc giải quyết bài toán tài nguyên du lịch biển là một trong những yếu tố then chốt. Theo KTS Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng tỉnh TT-Huế, KKT CM- LC đã được quy hoạch từ rất lâu, trong đó khu vực Lăng Cô gần như dành để phát triển về du lịch biển. Tuy nhiên, đã sau rất nhiều năm khu vực này đã không phát triển đúng hướng, do đó cần xem xét, nhìn nhận lại vấn đề quy hoạch ở khu này. Không phải cứ quy hoạch là đúng ngay và đúng hết. Trong quá trình phát triển của vùng đất đó phải có những điều chỉnh cho phù hợp.

KTS Huỳnh Quang cho rằng, nên đánh giá lại quy hoạch của vùng CM-LC một cách kỹ càng từ các chuyên gia cũng như nhà quản lý, rồi đưa ra những giải pháp cụ thể. “Nếu như chỉ nhìn cục bộ một vài DA nhỏ đang bỏ dở để tìm giải pháp thì không ăn thua mà phải nhìn trên bình diện lâu dài. Đồng thời lãnh đạo địa phương cũng phải có chiến lược cụ thể để khởi động lại cho vùng đất này. Không cần có quá nhiều nhà đầu tư, nhưng phải tìm nhà đầu tư thực sự có nguồn lực, để tạo ra “điểm tựa” cho các DA khác xung quanh đó khởi động”- KTS Quang nói. KTS Huỳnh Quang cho rằng, khi quy hoạch vùng DL dịch vụ biển cần phải chú ý đến không gian mở, để tạo ra sự giao thoa hài hòa giữa khách du lịch và cộng đồng cư dân địa phương…

H.LAN