Lãnh đạo Sở Ngoại vụ làm giả giấy tờ cho Phó chánh Văn phòng dỏm xuất ngoại

Thứ sáu, 16/10/2020 17:22

TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 15-10 cho hay đã mở phiên tòa đưa bị cáo Nguyễn Quốc Trâm (1968, trú P. Vĩnh Thọ, TP Nha Trang) ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và tội "Giả mạo trong công tác"; bị cáo Nguyễn Thụy Phương Thảo (1988, trú  TP Nha Trang) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bị cáo Trâm và Thảo tại tòa.

Theo cáo trạng, Trâm được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa, là cơ quan Nhà nước chuyên môn có tài khoản và con dấu riêng trực thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa, thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác ngoại vụ của tỉnh Khánh Hòa, có nguồn kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước cấp hàng năm theo Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước về sử dụng kinh phí quản lý và giao chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Giám đốc Sở Ngoại vụ là chủ tài khoản tiền ngân sách Nhà nước của Sở Ngoại vụ mở tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Khánh Hòa, là người có trách nhiệm quản lý và có thẩm quyền quyết định sử dụng nguồn kinh phí được cấp; là người quyết định việc tuyển dụng lao động tại Sở Ngoại vụ theo số lượng biên chế được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt; là người có quyền quyết định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cấp phòng hoặc tương đương tại Sở Ngoại vụ.

Trong thời gian khoảng cuối năm 2015, đầu năm 2016, Trâm đã chỉ đạo các nhân viên thuộc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa làm giả các tài liệu để Trâm ký với chức danh Giám đốc Sở Ngoại vụ như sau: Lê Thị Bích Phượng (nhân viên văn phòng) soạn thảo Quyết định bổ nhiệm Nguyễn Thị Ngọc Thảo, giữ chức vụ Phó chánh văn phòng Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa; Nguyễn Thụy Phương Thảo (kế toán từ tháng 9-2015) lập khống bảng lương nhân viên của Sở Ngoại vụ có tên Nguyễn Thị Ngọc Thảo từ tháng 7-2015 đến tháng 12-2015; Phan Thị Mai Thanh (nhân viên văn phòng) dịch thuật sang tiếng Anh các tài liệu trên; Nguyễn Hồng Ân (văn thư) ghi chèn số 24A/QĐ-SNgV ngày 24-7-2014 của Quyết định và đóng hình dấu Sở Ngoại vụ lên các tài liệu làm giả nêu trên nhằm làm giả hồ sơ cho Nguyễn Thị Ngọc Thảo giả mạo là nhân viên thuộc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa để được cấp thị thực nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Để hoàn thiện hồ sơ giả đề nghị Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh cấp thị thực nhập cảnh Hoa Kỳ cho Thảo, Trâm cung cấp cho Phượng thông tin lý lịch, sổ hộ khẩu của chủ hộ Nguyễn Văn Hai (tại 96C Cù Lao Trung, Vĩnh Thọ, Nha Trang) nơi đăng ký thường trú của Thảo để Phượng hoàn thiện hồ sơ đăng ký visa; soạn thảo thư mời giả của Tập đoàn Trần Group gửi Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh đề ngày 8-12-2015 với nội dung mời Nguyễn Quốc Trâm (Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa) và Thảo (Phó chánh Văn phòng sở) đến Hoa Kỳ; giao cho Mai Thanh chỉnh sửa bản dịch Công hàm ngoại giao (do Phượng soạn bản tiếng Việt, tiếng Anh) gửi đến Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ - TP Hồ Chí Minh các tài liệu gồm: Quyết định số 24A/QĐ-SNgV ngày 24-7-2014, sổ hộ khẩu số 22099, đăng ký mẫu DS160 đăng ký lịch phỏng vấn và nộp lệ phí phỏng vấn xin thị thực cho Thảo nhập cảnh vào Hoa Kỳ tại Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ - TP Hồ Chí Minh. Sau khi Trâm thực hiện chỉ đạo làm giả và ký các giấy tờ, thủ tục nêu trên, Thảo đã được xuất cảnh khỏi lãnh thổ Việt Nam với chức danh là Phó chánh văn phòng Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài ra, quá trình điều tra Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Khánh Hòa đã xác định, trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc từ tháng 12-2015 đến tháng 8-2017, Trâm đã chỉ đạo cho nhân viên kế toán thuộc Sở Ngoại vụ, với thủ đoạn nhiều lần lập khống hồ sơ, chứng từ chi thanh toán tiền lương, thưởng, phụ cấp cho Trần Ngọc Trị, Đinh Mạnh Cường, Đinh Duy Tùng, Văn Tấn Toàn, Nguyễn Thị Kim Khánh nhằm lấy tiền nhập quỹ thu, chi phục vụ cho các hoạt động của Sở Ngoại vụ, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tổng cộng số tiền 170.884.392 đồng.

Cụ thể: từ tháng 12-2015 và từ tháng 1-2017, Trâm đề nghị hai nhân viên lái xe là Nguyễn Công Minh và Đinh Duy Tùng làm thêm công việc bảo vệ tại Sở Ngoại vụ để có thêm thu nhập, nhưng phải nộp mỗi người 1 bộ hồ sơ xin việc và tài khoản ngân hàng của người khác để được trả lương bảo vệ. Minh, Tùng đồng ý và cung cấp cho Thảo để nộp cho Trâm hồ sơ xin việc của Trị (bạn của Minh) và Cường (em ruột Tùng). Trên cơ sở đó, Trâm cung cấp cho Thảo hợp đồng lao động ký kết giữa Trị, Cường với Sở Ngoại vụ, đồng thời chỉ đạo Thảo lập khống hồ sơ chứng từ thanh toán tiền lương, thưởng, phụ cấp để trả lương vào tài khoản ngân hàng cho Trị và Cường, nhưng thực chất Trị và Cường không làm công việc bảo vệ tại Sở Ngoại vụ mà hàng ngày, Minh và Tùng thay nhau làm bảo vệ tại Sở Ngoại vụ. Trâm đã thỏa thuận với Minh và Tùng chỉ được giữ tiền công bảo vệ tại Sở số tiền 1 triệu đồng/tháng, số tiền còn lại phải nộp vào quỹ hoạt động của Sở.

Trâm đã chỉ đạo nhân viên kế toán lập khống các chứng từ để thanh toán tiền lương, thưởng và phụ cấp vào tài khoản lương tại ngân hàng Vietcombank cho Trị từ giữa tháng 8-2015 đến tháng 8-2017 (tổng cộng 24,5 tháng) với tổng cộng số tiền 56.378.938 đồng. Trong đó, Minh đã thực nhận số tiền công bảo vệ là 21,9 triệu đồng, đã nộp lại cho thủ quỹ số tiền 19.478.938 đồng. Tương tự cho Cường từ tháng 10-2016 đến tháng 8-2017 với số tiền 29,5 triệu đồng, trong đó Tùng đã thực nhận 9 triệu đồng, nộp lại cho kế toán 20,5 triệu đồng (1 triệu đồng/tháng năm 2016, 1,5 triệu đồng/tháng năm 2017).

Không những vậy, Trâm còn chỉ đạo nhân viên kế toán Thảo lập khống các chứng từ thanh toán tiền lương, thưởng và phụ cấp tháng 11 và tháng 12-2016 với số tiền 8.347.805 đồng vào tài khoản lương cho Tùng làm lái xe vào ký thanh toán lương tháng 1-2017, trong khi Tùng chỉ mới bắt đầu làm việc từ tháng 1-2017. Sau đó yêu cầu Tùng nộp lại số tiền trên cho thủ quỹ Sở Ngoại vụ. Như vậy, Trâm đã chỉ đạo nhân viên kế toán Thảo lập khống các chứng từ thanh toán tiền lương, thưởng và phụ cấp vị trí bảo vệ và lái xe tại Sở Ngoại vụ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tổng cộng số tiền 94.226.743 đồng.

Mặt khác, Sở Ngoại vụ còn ký hợp đồng lao động với Toàn làm nhân viên từ ngày 1-8-2015 đến ngày 31-7-2016 và Khánh làm nhân viên từ ngày 1-2-2015 đến ngày 31-1-2016, nhưng Toàn và Khánh đều nghỉ việc làm từ ngày 3-12-2015. Tuy nhiên, với lý do Toàn và Khánh sau khi nghỉ việc, vẫn tiếp tục công tác, hỗ trợ giải quyết công việc tại Sở Ngoại vụ, nên Trâm đã chỉ đạo nhân viên kế toán Thảo nhiều lần lập khống các chứng từ thanh toán tiền lương, thưởng, Phụ cấp cho Toàn và Khánh từ tháng 1-2016 đến tháng 6-2017 để chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng Vietcombank cho Toàn và Khánh.

Sau đó, Trâm chỉ đạo Thảo liên lạc gặp Toàn, Khánh để nhận lại toàn bộ số tiền do Sở Ngoại vụ chuyển vào tài khoản cá nhân của Toàn, Khánh. Cụ thể của Toàn tổng cộng  số tiền 37.820.266 đồng, Toàn đã rút tiền nộp lại cho thủ quỹ 32.359.933 đồng; của Khánh là 38.837.383 đồng, Khánh đã nộp lại 23.806.927 đồng. Trong quá trình điều tra, Toàn đã tự nguyện nộp số tiền còn lại là 5.461.000 đồng; Khánh đã tự nguyện nộp số tiền 15.031.000 đồng. Như vậy, Trâm đã chỉ đạo nhân viên kế toán Thảo lập khống các chứng từ chi trả tiền lương cho hai nhân viên đã thôi việc tại Sở Ngoại vụ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền 76.657.649 đồng.

Quá trình điều tra, xác định toàn bộ số tiền do Minh, Tùng, Toàn, Khánh đã nộp thông qua Thảo và thủ quỹ Nguyễn Quý Nguyệt Hồng Uyên được đưa vào quỹ thu, chi ngoài ngân sách Nhà nước của Sở Ngoại vụ, thu từ tiền viết bài đăng tin trên trang web của Sở Ngoại vụ, tiền khen thưởng..., sử dụng chi tiêu cho các hoạt động của Sở Ngoại vụ như: tiếp khách, liên hoan, tặng quà dịp Tết... Tuy nhiên, cơ quan An ninh điều tra không thu được sổ theo dõi thu, chi quỹ trên của Sở Ngoại vụ, nên không đủ căn cứ xác định cụ thể các khoản chi từ quỹ này.

Tại phiên xét xử, sau khi tiến hành các thủ tục theo quy định tại phiên tòa, HĐXX đã hoãn xử vì vắng mặt hầu hết các nhân chứng và luật sư của bị cáo.

HOÀNG VĂN