Lao đao vì con nợ “ôm” tiền tỷ bỏ trốn
(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, dư luận tại Nghệ An không ngớt xôn xao về 2 vụ vỡ nợ xảy ra trên địa bàn TP Vinh và H. Quỳ Châu (Nghệ An). Chỉ vì quá tin người, lại ham lãi suất cao nên không ít người từ chủ nợ trở thành... con nợ.
Giám đốc “kinh doanh” trên giấy
Đầu tháng 8-2013, CATP Vinh (Nghệ An) liên tiếp nhận được đơn trình báo của một số người dân “tố” vợ chồng Đặng Thành V. và Nguyễn Thị Kim L. (trú P. Trung Đô, TP Vinh) “ôm” số tiền nợ hàng tỷ đồng bỏ trốn. Đến nay, số người “tố” vợ chồng V. “quỵt nợ” ngày càng nhiều với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trong đó, anh Nguyễn Văn N. (1977, trú P. Bến Thủy, TP Vinh) cho biết, do quen biết nhau nên giữa năm 2011, hai vợ chồng V. đến nhà vay 3,250 tỷ đồng để kinh doanh, hứa trong vòng 6 tháng sẽ hoàn trả cả gốc lẫn lãi. Đến thời hạn như lời hẹn, anh N. vẫn không thấy vợ chồng V. đến để trả nợ liền sốt sắng gọi điện thoại đòi nợ. “Nhiều lần tôi gọi điện thoại nhưng đều không liên lạc được, tìm đến nhà thì lúc nào cũng cửa đóng then cài. Đến bây giờ đã gần 2 năm rồi mà tôi vẫn chưa lấy lại được đồng nào. Số tiền cho vợ chồng anh V. vay là do tôi đi vay mượn của người khác”, anh N. cho hay.
Cùng hoàn cảnh, anh Trần Bá Đ. (1984, trú H. Thanh Chương) cũng “sập bẫy lừa” của vợ chồng V.-L. với hình thức “huy động vốn để làm ăn”. Đầu năm 2012, V. tìm tới anh Đ. để bàn bạc cùng nhau góp vốn để kinh doanh quặng sắt ở cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa). Để tạo niềm tin, V. đã đưa anh ra Thanh Hóa, trực tiếp tới bãi quặng sắt và nói đó là bãi quặng sắt của V., đồng thời hứa hẹn sẽ “chia phần trăm xứng đáng nếu kinh doanh có lãi”. Tin lời, anh đã thế chấp căn nhà cho ngân hàng và vay mượn từ bạn bè để “góp” 1,98 tỷ đồng cho V. kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, Đ. mới biết mình bị lừa vì bãi quặng sắt đó là của người khác nên tìm mọi cách để đòi lại tiền. Nhưng, vợ chồng V. đã kịp cao chạy xa bay.
Căn nhà của Lô Thị Hòa tại xã Châu Bình (H.Quỳ Châu) cũng khóa cửa hơn nửa tháng nay. |
Nhiều người từ chủ nợ phút chốc biến thành con nợ, điển hình như gia đình ông Trần Quang H. (1961, trú xóm Đông Vinh, xã Hưng Đông, TP Vinh). Gần 4 tháng nay, ông H. như đang “ngồi trên đống lửa” khi ngân hàng vừa định giá toàn bộ tài sản cũng như nhà cửa mà cả gia đình đã sinh sống từ lâu nay. Đầu năm 2012, vợ chồng V. đến nhà ông H. đề cập vay 1,6 tỷ đồng để đầu tư vào kinh doanh quặng sắt và hứa hẹn 1 tháng sau sẽ thanh toán đầy đủ. Vì nghĩ chỗ quen biết, ông H. đi vay “nóng” 1,6 tỷ đồng cho V. mượn. Cùng đó, ông còn đứng ra vay ngân hàng 3,7 tỷ đồng để góp vốn làm ăn. “3 tháng đầu sau khi vay tiền, vợ chồng nó đều thanh toán lãi suất đúng hẹn. Tuy nhiên, các tháng tiếp theo tôi hỏi tiền gốc và tiền lãi để trả thì nó khất hẹn lần này đến lần khác, sau đó thì hoàn toàn mất liên lạc” - ông H. cho biết. Thời gian trả nợ bên ngoài hết hạn, ông đành “bấm bụng” vay tiếp ngân hàng để trả nợ. Lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nợ ngân hàng nay đã lên đến hơn 4,6 tỷ đồng. Hơn một năm trôi qua, gia đình ông H. phải bán đi 2 chiếc ô-tô để trả lãi suất cho ngân hàng và căn nhà đang ở cũng đã bị ngân hàng định giá.
Căn nhà sang trọng của vợ chồng V.-L. tại P.Trung Đô (TP Vinh) đóng kín cửa đã mấy tháng nay. |
Được biết, trước đây V. chuyên buôn bán hàng nông sản, còn L. làm giáo viên. Từ khi chuyển sang nghề kinh doanh khoáng sản, quặng sắt gia đình V. - L. bỗng “phất” lên, sở hữu nhà cao cửa rộng, đi xe hơi sang trọng. Giờ đây, căn nhà khang trang của vợ chồng V.- L. ngày ngày im ỉm khóa, bóng dáng chủ nhà thì như “chim trời, cá nước”.
Nữ Chủ tịch dùng chiêu “đảo khế”
Cũng đầu tháng 8- 2013, hàng chục hộ dân xã Châu Bình, H. Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng loạt “đệ đơn” lên CAH Quỳ Châu kêu cứu về việc: họ bị Lô Thị Hòa (1981, trú cùng xã), là Chủ tịch Hội nông dân xã Châu Bình vay nợ hàng tỷ đồng, nay không có khả năng trả nợ nên đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Ông Lang Văn Trường (trú bản Độ 3, xã Châu Bình) cho biết: “Gia đình vừa rồi thu hoạch được mấy trăm gốc keo, bán được hơn 200 triệu đồng. Trong lúc chưa kịp thanh toán cho nhân công, tiền vận chuyển thì Hòa tìm đến hỏi vay “nóng” để đổi khế vay của Hội. Tin tưởng nữ Chủ tịch hội, tui không mảy may suy nghĩ cho vay cả 200 triệu đồng. Ai ngờ, khi nghe tin Hòa bỏ trốn khỏi địa phương tui ăn không ngon, ngủ không yên từ đó cho tới nay”. Cùng cảnh ngộ, bà Lô Thị D. (trú cùng bản) mấy ngày nay cũng như đang ngồi trên đống lửa. Vừa xót của, vừa thương cháu (Hòa là cháu họ bà D.), nhưng trước việc “tày trời” mà Hòa gây ra khiến bà cũng phiền lòng: “Là chỗ họ hàng với nhau, lại là cán bộ xã, nó đến nhà tôi nhờ vay 50 triệu đồng, nói là để đổi khế ngân hàng, ít hôm hoàn trả lại. Nào ngờ lại ra cơ sự thế này”.
Ngoài những trường hợp trên, Lô Thị Hòa còn vay mượn của một số hộ dân, cụ thể là: bà Lô Thị Hồng (bản Bình 1) trình báo đã cho Hòa vay 500 triệu đồng; Lô Thị Nga (bản Bình 3) cho vay 20 triệu đồng; chị Kim Thị Tư (bản Bình 3) cho vay 300 triệu đồng; Nguyễn Văn Quyền (bản Bình 2) cho vay 460 triệu đồng; Vi Thị Hương (bản Bình 3) cho vay 15 triệu đồng...
Đại tá Thái Doãn Hiệu - Trưởng CAH Quỳ Châu xác nhận: Đến thời điểm hiện tại, CQĐT đã tiếp nhận đơn của 19 trường hợp cho Lô Thị Hòa vay với số tiền 7,3 tỷ đồng. Hiện tại, với vụ việc này mới xác định được, đây là giao dịch dân sự giữa hai bên vay mượn nên CAH đang phân công cán bộ trực tiếp theo dõi, nắm tình hình để có biện pháp xử lý khi có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.
X.S