Lão “nghệ sĩ” mù và điệu xẩm buồn xứ Nghệ

Thứ sáu, 18/04/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong tâm thức nhiều người dân xứ Nghệ, điệu hát xẩm đã ăn sâu trong trí nhớ. Nhưng ít ai biết đến người hát cất lên những tiếng hát để đời bằng giọng xẩm buồn ấy giờ đây đang phải rày đây mai đó để tha phương cầu thực. Người hát xẩm đó chính là “lão mù” Dương Đình Xuyên - người hát “Phụ tử tình thâm” bằng chất giọng xẩm truyền thống cuối cùng ở Hà Tĩnh.

Tuổi thơ gắn với xẩm buồn

Ở góc cổng chợ, lão “nghệ sĩ” ăn mặc tả tơi, đôi tay đưa đi kéo lại chiếc đàn nhị làm bằng lon sữa bò tự tạo. Miệng thì không ngớt cất lên điệu xẩm buồn thê lương: “Khi phụ tử tình thâm/ lúc công thầy nghịa (nghĩa) mẹ/ Đừng tiếng tăm nặng lời/ Đừng cả tiếng dài hơi/ Nói mẹ cha sao nên/ Cại (cãi) mẹ thầy sao phải/ Đêm nằm nghị (nghĩ) lại/ Nhớ đến cội công uyên/ Công cù lao ai đền/ Nghịa (nghĩa) sinh thành ngày trước...”. Người đi qua, kẻ đứng lại thơ thẩn. Còn lão, mắt không nhìn thấy ai nên cứ nghiêng tai tỏ ý cảm ơn... Lão cố rút ruột cho lời ca, tiếng hát của mình chỉ mong ngày kiếm được dăm ba chục ngàn về nuôi con thơ, vợ ốm. Lúc chợ vắng, người thưa lão lại chống gậy dò dẫm về lại ngôi lều hoang vắng cạnh bãi tha ma ở thôn Bắc Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh để lo cơm nước cho vợ cho con. Lão là Dương Đình Xuyên (1961) - người hát xẩm cuối cùng ở Hà Tĩnh.

Cuộc đời lão từ lúc mới sinh ra đến nay như một chuỗi buồn dài định mệnh. Lão chỉ biết lấy tiếng hát để cho vơi bớt nỗi buồn. Lão hát nghe buồn đến tận tâm can, ray rứt như muốn xé ruột gan lòng người.  Nó buồn như chính cuộc đời của lão. Lên 7 tuổi, chiến tranh cướp đi đôi mắt của lão. Từ đó lão lớn lên với mùi khét lẹt của khói bom và những khúc đồng dao, ví dặm. Không còn đôi mắt nhưng lão còn đôi tay và một “kho” ca dao, dân ca đầy ắp nỗi niềm... Và lão bắt đầu học kéo nhị, học hát...

Năm 1975, khi đất nước không còn bom đạn chiến tranh cũng là lúc lão tròn 14 tuổi. Cha đi công nhân biền biệt chẳng về, mẹ đi lấy chồng khác và vì thế lão cất bước dò dẫm “giang hồ” khắp Nam chí Bắc với chiếc nhị “độc nhất vô nhị” hát mưu sinh... Tiếng hát xẩm của lão mù cứ thế vang dài trên mọi nẻo đường, từ Đồng Hới (Quảng Bình) đến Bến Thành, Chợ Lớn rồi ra Vinh, Bến Nứa, Đồng Xuân...  Tay nhị, tay gậy cứ thế mà đi, tối ở đâu nơi đó là nhà, ngả lưng đâu đó là giường, chẳng phiền chi ai...  Rồi một ngày, sau hơn mười mấy năm phiêu bạt, khi người làng nghĩ rằng lão đã bỏ thây ở chốn nào rồi thì đột ngột thấy lão mò mẫm về dựng lều cạnh bãi tha ma.

Chiếc đàn nhị chế bằng ống sữa bò làm hành trang, lão "nghệ sĩ" mù rong ruổi
khắp các ngõ chợ, đường phố cất lên điệu xẩm buồn "độc nhất" xứ Nghệ.

Rút ruột cho lời ca

Một người mù, một túp lều xệch xạc giữa mênh mông hiu quạnh những ngôi mộ dường như càng làm cho người làng xa lão hơn. Tiếng hát của lão lại vang lên khắp các chợ phiên trong tỉnh. Những câu hát xẩm của lão cứ vang lên đều đặn khắp ngõ chợ dặn kẻ ở đời về đức cù lao sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha, nghĩa hiếu tử của phận làm con, sống sao cho trọn nghĩa vẹn tình... “Rồi một mai bách tuế/ Ra cây úa lá vàng/ Lá rụng cội đại ngàn/ Con tìm mô được nựa (nữa)/ Con muốn tìm mô được nựa...”.

Chẳng ai biết lão hát có đúng hết lời của bài dặm Phụ tử tình thâm hay không chỉ biết rằng tiếng hát xẩm của lão càng ngày khiến nhiều người mê, bởi giọng hát xẩm khi nỉ non trầm bể, khi mưa thảm gió sầu, khi dằn vặt đớn đau... Mê bởi những ca từ mà lão “chế”, lão cóp nhặt trên bước đường phiêu bạt để “thêm” vào bài hát xẩm: “Hai hàng nước mắt trào tuôn/Thương là thương/ Con lắng tai nghe cha dặn mấy lời/... Nuôi con từ thủa còn thơ... Ôi thôi, con cháu ở lại /Cha khuyên con đạo làm người/ Dự (giữ) trọn trự (chữ) trung trự (chữ) hiếu”.  Những câu hát của lão chẳng biết tự bao giờ đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao nhà, bao người không chỉ ở Hà Tĩnh mà còn nhiều tỉnh khác.  Những năm 90 thế kỷ trước có một người buôn bán mến mộ giọng hát lời ca của lão đã mời lão thâu băng để nghe rồi bán khắp trong Nam ngoài Bắc phục vụ vào những lúc tang gia. Thậm chí cả những người Hà Tĩnh tha phương có tính lo xa nên lúc về quê cũng cố lùng mua cho được cái băng hát xẩm của lão mù Dương Đình Xuyên để dành đặng dùng cho chuyến “đi xa mãi mãi” của mình. Có điều đáng buồn là mặc dù giọng hát của lão được thu băng bán khắp nơi, nhưng lão không được trả một đồng cắc nào. Bởi vậy, khi bắt gặp giọng xẩm của mình đang ủ ê, chậm chạp đưa linh văng vẳng..., lão lại tự an ủi: ít ra khi chết đi thì tiếng hát xẩm của mình vẫn còn ở lại với đời...

Và nỗi thê lương cuộc đời

Những tưởng, cuộc đời lão hát xẩm mù cứ thế cô độc trôi đi buồn bã như bài xẩm mà lão thường hát thì đột ngột cuối năm 1999 người làng ngỡ ngàng thấy lão... lấy vợ. Vợ lão người ở Can Lộc, mắt sáng, cha mẹ mất sớm, đói khổ lần vào Nam kiếm sống nhưng cũng không được đành mang theo hai đứa con trở về quê. Gặp nhau giữa buổi chợ chiều thế là đưa nhau về “nhà” sinh sống. Những tưởng lấy được người vợ sáng mắt, tấm thân mù lòa sẽ có chỗ cậy nhờ nhưng không ngờ, ít năm sau vợ lão đổ bệnh nào là suy thận, viêm gan, đường ruột... Gia đình lão hiện giờ tất thảy có 6 người. Đứa cả 14 tuổi đã bỏ học đi làm thuê, đứa thứ 12 tuổi cũng bỏ học, èo uột cùng hai em, đứa lên 4, đứa lên 2. Nhìn vợ ốm, con thơ lão chỉ biết ngậm ngùi: “Không biết kiếp trước ăn ở thế nào mà trời lại đày tôi tệ mạt đến thế”.

Trong ngôi nhà trống hoác, tài sản không có gì đáng giá ngoài chiếc giường bằng gỗ cũ kỹ, vợ lão Võ Thị Tịnh đang nằm trong tình trạng “ruột lòi ngoài da”. Từng cơn đau liên hồi hành hạ, bà cố nén cơn đau nói với tôi: “Tôi “mổ bụng” đã cách đây 9 tháng, bác sĩ bảo sau 3 tháng thì đến viện để mổ tiếp và khâu lại. Nhưng vì không có tiền nên đành... để vậy!”.  

Tất thảy cơm áo, thuốc thang hằng ngày của cả nhà đều trông chờ vào lão xẩm mù. Thế nhưng, đôi chân của lão “xẩm” mù gần 50 tuổi giờ đây đã mỏi gối chồn chân. Mỗi lần đi hát lão phải thuê xe ôm chở đi chứ không còn đủ sức dò dẫm được nữa. Người vợ bệnh tật, mấy đứa con thơ rồi đây liệu sẽ ra sao nếu như lão không còn sức kéo nhị hát điệu xẩm buồn?

Văn Tuân