Lật lại vụ thảm sát Katyn

Thứ tư, 18/12/2013 10:55

(Cadn.com.vn) - Vừa qua, tạp chí “Những chuyện bí mật nhất thế giới” (TSW) của Mỹ đã sới lại vụ thảm sát ở khu rừng Katyn. Vụ thảm sát chứa đựng nhiều bí ẩn mà cả Mỹ, Phát xít Đức lẫn Liên Xô đều vào cuộc điều tra để tìm ra sự thật. Tuy nhiên, hơn 73 năm trôi qua, sự kiện này vẫn còn những tình tiết chưa được sáng tỏ, đặc biệt là vì sao Mỹ lại im lặng làm ngơ.

 Ai đứng sau vụ thảm sát?

Vụ thảm sát ở rừng Katyn là vụ giết chết những người Ba Lan do Bộ Nội vụ Dân ủy (NKVD), cảnh sát mật Liên Xô thực hiện hồi tháng 4 và 5-1940 (năm 2010, Nga lần đầu tiên công khai những tư liệu liên quan đến vụ thảm sát này nhằm chia sẻ với Warszawa sau cái chết của Tổng thống nước này).

 Trong tài liệu chính thức được Bộ Chính trị và Stalin phê duyệt, đóng dấu, có khoảng hơn 4.000 sĩ quan quân đội Ba Lan và trí thức thiệt mạng trong vụ thảm sát này. Ngoài ra, có khoảng 8.000 là sĩ quan Ba Lan bị bắt làm tù binh trong cuộc xâm chiếm Ba Lan của Liên Xô năm 1939, 6.000 người khác là các sĩ quan cảnh sát. Số còn lại là những người thuộc giới trí thức bị bắt giữ, bị coi là nhân viên tình báo, sen đầm, địa chủ, những kẻ phá hoại, chủ nhà máy, luật sư, viên chức và thầy tu.

Nạn nhân được chôn trong các hầm mộ tập thể ở Katyn gần Smolenski, ngoại ô Kharkov (Nga). Sau đó người ta xóa dấu vết một cách bí mật nhưng đến năm 1943, Đức Quốc xã khi chiếm đóng Ba Lan tìm thấy những hầm mộ này. Mặc dù vụ thảm sát xảy ra hơn 73 năm nhưng đến nay vẫn còn 2 bí ẩn.

Thứ nhất, ai là người thực hiện cuộc tàn sát nói trên, Liên Xô hay là phát xít Đức và thứ hai vì sao Mỹ lại im lặng trong vụ thảm sát.

Cả Mỹ, Liên Xô và phát xít Đức đều vào cuộc, âm thầm điều tra. Sau đó, kết quả được công bố song những điều được công khai lại không khớp nhau.

Hầm mộ tập thể ở Katyn.

Phát hiện của phát xít Đức

Ngày 13-4-1943, phát xít Đức thông báo đã phát hiện 8 hầm mộ tập thể ở Smolensk của Nga, hay còn gọi là khu rừng Katyn. Trong đó, có 4.400 thi thể nam, tất cả đều bị trói tay quặt sau lưng và bị bắn từ phía sau.

Theo thông báo của Đức Quốc xã, tất cả những người này được kiểm tra kỹ lưỡng. Vật dụng cá nhân như đồng hồ đeo tay, nhẫn, hay vật dụng cá nhân đã được quy tụ và trưng bày tại bảo tàng. Ngay sau sự kiện trên, dư luận cho rằng, động cơ của phát xít Đức là để cho dư luận hiểu nhiều về Liên Xô, gây mất đoàn kết trong phe đồng minh.

Mùa thu năm 1943, Liên Xô đẩy được Đức Quốc xã ra khỏi khu vực, đặc biệt là rừng Katyn và tiến hành những cuộc khai quật riêng. Liên Xô cho rằng, chính phát xít Đức thực hiện vụ thảm sát này. Nhưng người ta lại cho rằng, đây là ý đồ của Liên Xô, nhất là ngay sau khi Liên Xô chiếm đóng lại khu vực này và điều này được Joseph Goebbels, Bộ trưởng tuyên truyền của Đức Quốc xã hồi đó ghi lại trong nhật ký.

Rất có thể, những gì Goebbels ghi trong nhật ký là đúng nhưng những năm 1990, người ta không tin. Và chỉ đến khi Liên Xô tan rã, nhật ký được công bố, người ta mới xem lại vụ thảm sát.

Lý giải động cơ của Mỹ

Nhưng cũng như lần đầu, sau khi Liên Xô lên tiếng, Mỹ lại tiếp tục im lặng và cho rằng họ không liên quan. Nguyên nhân do trong Thế chiến II, Mỹ và Liên Xô đều là đồng minh. Một khi biết rõ việc, nếu lên tiếng chắc chắn sẽ không có lợi gì cho Washington.

Tuy nhiên, sự im lặng chỉ có thời hạn. Đến năm 1951, Mỹ bắt đầu thành lập ủy ban mang tên Madden Committee (MC), điều tra vụ thảm sát nói trên.

Qua kết quả điều tra của MC, Liên Xô phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát nói trên, song những gì Nhà Trắng phát hiện và theo như thông báo chính thức của Lưu trữ quốc gia Mỹ thì những bằng chứng MC phát hiện không rõ ràng. Thậm chí ủy ban này còn đưa ra kết luận mập mờ, rằng các quan chức Mỹ không đánh giá đúng những hành vi của Điện Kremlin, đặc biệt là những gì xảy ra trước năm 1942.

Theo những tài liệu công bố gần đây, Liên Xô là chủ thể thực hiện vụ thảm sát chứ không phải Đức, còn việc Mỹ làm ngơ bởi vì có liên quan đến quyền lợi nước Mỹ. Sự kiện trên không ảnh hưởng đến Washington nhưng để lại những hậu quả xấu và là thủ phạm gây chia rẽ mối quan hệ Ba Lan và Nga trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Khắc Nam

(Theo WP/TWS)