Lật tẩy mưu đồ chính trị đen tối sau sự cố môi trường

Thứ tư, 03/05/2017 09:50

* Bài 1: Bác bỏ, phủ nhận nỗ lực khắc phục sự cố...

(Cadn.com.vn) - LTS: Trong khi toàn Đảng, toàn dân đang chung tay, góp sức cùng đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường biển, thực hiện chi trả đền bù, hỗ trợ nhân dân, định hướng việc làm, phát triển kinh tế..., thì thời gian qua, một số đối tượng cực đoan đã lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước cũng như sự hợp lực, hà hơi tiếp sức của các thế lực phản động bên ngoài đã kêu gọi, kích động một bộ phận nhân dân (chủ yếu là giáo dân) tụ tập đông người, biểu tình, tuần hành, gây rối trật tự công cộng (TTCC), thậm chí ngang nhiên tấn công người thi hành công vụ, gây mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT)... Song song với đó, chúng còn lợi dụng sự cố này tiếp tục tung tin bịa đặt, xuyên tạc sai sự thật, phủ nhận tất cả những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc khắc phục hậu quả sự cố. Đã đến lúc những luận điệu xuyên tạc, hành vi sai trái này cần phải được vạch trần, bác bỏ và xử lý nghiêm.

Có thể nói, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung một năm về trước do Formosa gây ra là thảm họa môi trường lớn nhất xảy ra ở Việt Nam từ trước đến nay. Hậu quả của nó thì ai cũng thấy rõ, cụ thể là môi trường biển bị ô nhiễm trên diện rộng, gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài. Để từng bước giải quyết sự cố, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương liên quan đã rốt ráo vào cuộc tìm giải pháp khắc phục với tinh thần, trách nhiệm rất cao được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, với các đối tượng thù địch, chống phá, như thế vẫn chưa đủ...

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương,
các địa phương đã vào cuộc quyết liệt để sớm tìm nguyên nhân
(Trong ảnh: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả).

Chung tay khắc phục hậu quả

Bắt đầu xảy ra từ tháng 4-2016 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, sự cố môi trường biển đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống của khoảng 510 ngàn người thuộc 130 ngàn hộ dân ở 730 thôn/xóm, 146 xã/phường/thị trấn thuộc 22 huyện của 4 tỉnh miền Trung (theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản - P.V).

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt để sớm tìm nguyên nhân; chỉ đạo khôi phục sản xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống... Song song với đó là công tác xác định và kê khai thiệt hại được tiến hành khẩn trương, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; xây dựng định mức bồi thường; xây dựng đề án nhằm thiết lập hệ thống giám sát môi trường; phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái thủy sinh, nguồn lợi thủy sản; chính sách khôi phục và phát triển sản xuất, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm. Bộ NN&PTNT đã cử đội tàu Kiểm ngư để hỗ trợ ngư dân khai thác và tăng cường kiểm tra, giám sát tại vùng biển 20 hải lý trở vào bờ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, trong quá trình triển khai khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển, Bộ NN&PTNT thường xuyên báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, việc khắc phục sự cố môi trường đã cơ bản ổn định. Người dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao những chủ trương, giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết sự cố. Tình hình sản xuất - đời sống của người dân dần được khôi phục, người dân đã cơ bản nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ đúng theo quy định.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân làm việc với 4 tỉnh bị sự cố ô nhiễm.

Bên cạnh giải quyết hậu quả sự cố, một trong những vấn đề được dư luận và nhân dân hết sức quan tâm là phải làm rõ và có câu trả lời thích đáng nguyên nhân và thủ phạm gây ra ô nhiễm. Với quyết tâm và nỗ lực cao độ, các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, chuyên gia môi trường đã xác định chính xác sự cố ô nhiễm môi trường biển là do hành vi xả thải của Cty TNHH Hưng nghiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh gây ra. Đại diện Cty này cũng đã cúi đầu nhận lỗi trước Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam, đồng thời bồi thường 500 triệu USD (tương đương hơn 11.000 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả, đặc biệt là khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường và không để xảy ra sự cố tương tự...

Vì mục tiêu hàng đầu là khắc phục hậu quả môi trường, đảm bảo quyền lợi cho người dân, Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã ngay lập tức xắn tay triển khai bồi thường, sớm ổn định cuộc sống và lao động của bà con ngư dân ở các tỉnh miền Trung.

Không chỉ vậy, nghiêm túc trong chỉ đạo, điều hành, đồng thời thẳng thắn nhận trách nhiệm trước nhân dân, Đảng, Chính phủ và các địa phương tích cực tiến hành công tác xem xét, xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan đến sự cố, kể cả những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp, xem xét, kết luận Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong các giai đoạn liên quan đến sự cố và kết luận các vi phạm, khuyết điểm của các tổ chức, đơn vị này là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Cùng với đó, nhiều cán bộ lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Tổng cục Môi trường và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh qua các thời kỳ, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng liên quan đến sự cố môi trường biển miền Trung cũng bị xem xét, xử lý kỷ luật.

Phủ nhận và bác bỏ

Đi ngược lại với những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong khắc phục hậu quả sự cố, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cực đoan đã câu kết, tuyên truyền kích động, chống phá, gây rối ANTT, phá hoại về kinh tế, xúi giục một bộ phận nhân dân (chủ yếu là giáo dân) phản đối, chống lại quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Bằng những thủ đoạn được toan tính, sắp đặt, chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước để thực hiện âm mưu phá hoại, các đối tượng xấu thông qua những nhân vật tôn giáo cực đoan thường xuyên kích động, nuôi dưỡng sự phản kháng, mâu thuẫn của những giáo dân và người dân nhẹ dạ, cả tin với chính quyền. Chúng kêu gọi người dân tụ tập vào các ngày nghỉ, ngày chính quyền tổ chức cấp phát tiền đền bù để đòi yêu sách vô lý, thay đổi quy trình thực thi pháp luật của chính quyền.

Không khó để nhìn thấy, những hành vi đen tối, thông qua sự rao giảng về cái gọi là “đạo đức”, “sự công bằng”, “bảo vệ nhân quyền” này chỉ cốt nhằm xuyên tạc, áp đặt quan điểm sai trái lên nhận thức của người dân về một sự thật hiển nhiên, hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhóm P.V
(còn nữa)