Lê Hải Kỳ, mối duyên đầu với thi ca

Thứ hai, 27/02/2023 17:19
Tôi đọc Lê Hải Kỳ đầu tiên qua những tản văn trên facebook. Cứ ngỡ cây thuộc thế hệ đầu 8X (sinh năm 1983) này sẽ hữu duyên với thể loại này nhưng tôi đã lầm. Nhờ trải nghiệm khá nhiều với những chuyến đi đã cho anh vốn sống dày dặn để tung tẩy ở nhiều thể loại. Nhưng với Kỳ, thơ ca luôn là miền yêu rực cháy nhất: tôi nguyện yêu thơ đến khi nào trời thôi thiên thanh, hải lưu thôi nóng lạnh. Anh bất chấp mọi rào cản  lấy thân mình chở che em/ như con thiêu thân với tình yêu bất diệt/ đốt cháy ngọn đèn trơ trọi đứng canh đêm để Cầu hôn thơ. Và kết quả của tình yêu nồng đượm đó là tập thơ Trăng hạ huyền đã cháy ra mắt bạn đọc những ngày cuối năm 2022.
Bìa tập thơ Trăng hạ huyền đã cháy.
Bìa tập thơ Trăng hạ huyền đã cháy.

Cầm tập thơ trên tay, tôi ấn tượng với cách trình bày trang bìa, đó là một bức tranh trừu tượng với nửa gương mặt thiếu nữ ẩn hiện trong khối lập thể màu xanh, nhìn xa tựa nửa vầng trăng. Nhan đề tập thơ khá lạ, khơi gợi nhiều liên tưởng: Trăng hạ huyền đã cháy hay một tấm lòng thơ dù chưa tròn trịa nhưng đang khơi lên trong tâm tư độc giả đốm lửa nhỏ của niềm mê say đầy hệ lụy. Trăng hạ huyền đã cháy cuốn tôi đi cùng 54 cung bậc cảm xúc, kết đúc chặng đường 20 năm Lê Hải Kỳ dan díu với thi ca. Dù làm thơ chưa nhiều nhưng mỗi tác phẩm Lê Hải Kỳ là một gương mặt khác biệt với cách lập ngôn khá lạ và anh luôn có ý thức không lặp lại chính mình.

Đọc từng trang viết của Lê Hải Kỳ, ta bắt gặp một trái tim yêu đến muội mê, luôn trải lòng cùng một đối tượng em nào đó ở bất kỳ một không gian, một thời gian nào. Thơ tình Lê Hải Kỳ hiện lên với nhiều cung bậc: có nỗi nhớ em đóng cọc vào tim (Ngày lên men), có niềm thất vọng ê chề với: mùa thu bội ước/ trải tình đắng ra phơi/ mắt em màu mưa đổ/anh ướt sũng một đời (Mùa thu bội ước), có nỗi mong mỏi: nửa sợi niềm tin còn sót nơi máng cỏ/ luồn mưa khâu lại vết tim (Mưa từ bài thơ mưa em viết).

Tâm sự với em, Lê Hải Kỳ chỉ biết gửi lòng mình vào con chữ: em biết không/ những dấu tích có em, tôi đều bảo tồn nguyên vẹn trong thơ/ đêm qua, nhớ vùi nhớ/ đêm dài giống như một giấc mơ, giấc mơ xưa xa hồi sinh/ những kỷ niệm cứ chuyện trò miên mải/ rón rén nói lời thương (Nhớ vùi nhớ). Đêm tối là khoảnh khắc con người được sống thật là chính mình nhất, bởi thế mà Kỳ sống với đêm, trò chuyện cùng đêm với một tâm thái cẩn trọng, thận trọng đến rón rén vì sợ tình yêu vỡ tan, em sẽ biến mất như màn đêm biến đi nhường chỗ cho ánh sáng. Đó cũng là lý do Kỳ viết nhiều về đêm. Có thể đó là đêm không trăng hay lúc mảnh nguyệt hạ huyền xế bóng, đêm tạnh ráo hay thấm đẫm mưa dài xứ Huế... đều gợi nhiều cảm hứng cho thơ anh: lặng im/ lặng im để nghe đêm thở/ biết đâu/ tình vùi trong gió đong đưa (Phố tiễn); trăng hạ huyền cháy cạn/ hội tan/ tiễn nhau đường quen thành lạ (Hẹn); đêm sớt cho ngày một mảnh niềm tin/ thắp bình minh ló rạng/ mặt trời hồng trên má em tôi (Tôi và em); những mối tình dệt dài mưa xứ Huế/ em và tôi dằng dặc phố khuya xưa (Chiều nay em Hương giang). Có thể nói, đêm trở thành một khoảng không - thời gian để người thơ giở trang ký ức, để nhớ thương và nhìn lại, để khám phá những điều tinh tế cho riêng mình, để nỗi đau được xoa dịu, vỗ về...

Với phương châm sống theo đức tin của chính mình và viết theo lý lẽ nồng đượm của con tim, Lê Hải Kỳ đã chinh phục độc giả bởi niềm yêu tha thiết với thơ ca cùng những sáng tạo trong việc vận chữ lập ngôn. Đọc Trăng hạ huyền đã cháy, độc giả bắt gặp cách diễn đạt khá lạ của cây bút thế hệ 8X này: cầm cánh đồng lên/ những ngón tay thôn nữ trổ đòng/ những ngón tay dậy thì xanh bóng lúa/mùa rơm rạ quá lứa/ ngọn lửa chửa hoang đốt cánh đồng gió bấc/phù sa ủ khói thơm chiều (Phấn lúa). Có người sẽ nghĩ Lê Hải Kỳ đang "làm dáng" cho thơ nhưng nếu bạn lật từng trang và đọc kỹ, sẽ thấy cách dụng chữ của Kỳ rất riêng, không hề giống một ai; và anh không hề lặp lại ngay trong những bài thơ viết cùng đề tài: lúa uống nguyên khí của đất trời mà ngậm hạt/ lép/ chắc/ rút ruột đời mình/ trả công phận người quăng quật điêu linh/ sau mỗi vụ mùa, đời lúa tái sinh... (Lúa bấc).

Đọc những câu thơ của Lê Hải Kỳ, tôi chợt nhớ đến một cách nghĩ về thi ca của Chế Lan Viên: Đừng làm những câu thơ khuôn mình theo văn phạm/ Như những cây quá thẳng, chim không về (Sổ tay thơ - CLV). Lê Hải Kỳ không hề ép mình theo bất cứ một khuôn khổ nào và đó cũng là lý do anh chọn thể thơ tự do làm chủ đạo, xuyên suốt cả tập sách 108 trang. Với loại thể này, anh mới tải hết những bùng vỡ của cảm xúc; mặt khác, cách phân nhịp dài, ngắn tựa như những con sóng lòng dào dạt hết đợt này đến đợt khác liên tiếp cuốn người đọc trôi đi trong miền trăng chếch bóng.

Vì đây là những trái ngọt đầu mùa thơ Lê Hải Kỳ dâng tặng đời nên vẫn còn sót đôi ý thơ chưa thật vừa ý, đôi bài thơ chưa thật sự thuyết phục bạn đọc khó tính mở lòng; song, ta cần trân trọng niềm mê đắm với thi ca của một người thơ trẻ tuổi giữa sự cuồng quay của cuộc sống vật chất hôm nay.

Mong rằng, miền trăng của Lê Hải Kỳ mãi thắp cho người đọc niềm tin về con đường tương lai của thơ ca mà anh đã dấn thân và nhập cuộc: tôi có thể nắm tay cùng em dạo phố/ ủ em trong vồng ngực ấm/ che mưa quái mùa, cản gió chướng đầu đông (Một giấc mơ khác)...

Nguyễn Thị Thu Thủy

(Nhân đọc Trăng hạ huyền đã cháy, thơ Lê Hải Kỳ, NXB Đà Nẵng, tháng 11/2022)