“Lịch biểu” các quan chức, “đại gia” xộ khám năm 2022
Vụ Việt Á - Tham nhũng có hệ thống
Đây là vụ án được coi là điển hình về “tham nhũng có hệ thống” do tính quy mô, xảy ra từ cơ quan, bộ ngành trung ương đến các địa phương. Kết quả điều tra xác định, Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào nhằm thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Việt Á chi “hoa hồng” lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.
Ngày 17-12-2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tiến (Giám đốc CDC Hải Dương) về tội: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Cũng trong thời điểm cuối năm 2021, Bộ Công an tiếp tục khởi tố 15 bị can khác liên quan đến 4 vụ án hình sự: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Liên quan vụ án Việt Á, ngày 7-6-2022, CQĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam các ông: Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) và Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội). Đến ngày 17-9-2022, CQĐT Bộ Công an tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương). Mới đây nhất, ngày 30-11-2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Trịnh (trợ lý Phó thủ tướng) để điều tra về hành vi: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
“Chuyến bay giải cứu” - Án trong án!
Trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, trong năm 2020 và 2021, Nhà nước tổ chức gần 2.000 chuyến bay “giải cứu” để đưa người lao động, người Việt ở nước ngoài về nước an toàn. Cuối năm 2021, xuất hiện thông tin cho rằng có việc trục lợi giá vé các chuyến bay này.
Ngày 27-1-2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 cán bộ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) về tội “Nhận hối lộ”, trong đó có Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan; Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng. Ngày 14-4-2022, Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Tô Anh Dũng- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cùng 2 cán bộ khác tại Bộ Y tế và Bộ Công an về tội “Nhận hối lộ”. Từ ngày 6-5 đến 25-7- 2022, Bộ Công an khởi tố thêm 8 người là lãnh đạo các doanh nghiệp và cán bộ, nguyên cán bộ Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Y tế.
Qua điều tra mở rộng, Bộ Công an tiếp tục khởi tố 19 người khác, trong đó có Nguyễn Quang Linh - Trợ lý Phó Thủ tướng; Nguyễn Thanh Hải - Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ; các cán bộ, nguyên cán bộ tại các lãnh sự quán Việt Nam ở Osaka (Nhật Bản), Angola và Nga. Mới đây nhất, ngày 22-12-2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 ông: Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) và Chử Xuân Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) để điều tra về hành vi: “Nhận hối lộ” trong vụ án này.
Cũng liên quan đến “chuyến bay giải cứu”, trung tuần tháng 12- 2022, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã khởi tố vụ án hình sự về tội: “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” trên “chuyến bay giải cứu” công dân Việt Nam từ Nga về Việt Nam vào cuối năm 2020. Cơ quan chức năng xác định có 3 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã lợi dụng “chuyến bay giải cứu” để vận chuyển trái phép lượng lớn rượu và thuốc lá có tổng giá trị hơn 9,2 tỷ đồng.
Chủ tịch FLC “làm xiếc” giá cổ phiếu
Với thủ đoạn tạo cung cầu giả, “thổi giá” cổ phiếu thuộc Tập đoàn FLC lên cao, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo thuộc cấp bán ra số lượng rất lớn, trong đó có một lượng cổ phiếu được “bán chui”, khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng. Hành vi “làm xiếc” giá cổ phiếu thuộc Tập đoàn FLC để thao túng thị trường chứng khoán để bán chui 74,8 triệu cổ phiếu (tương đương 1.689 tỷ đồng) đã giúp ông Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính khoảng 530 tỷ đồng.
Ngày 29-3-2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết (khi đó là Chủ tịch Tập đoàn FLC) cùng các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan về hành vi: “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.
Ngày 25-8-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo Bộ Công an, từ năm 2014-2016, ông Quyết và đồng phạm làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Tính đến ngày 24-2- 2021, Trịnh Văn Quyết đã chiếm đoạt tổng cộng 6.412 tỷ đồng.
Cú lừa hơn 8.000 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh
Để “hút” tiền các nhà đầu tư, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho phát hành trái phiếu nhưng lại không dùng cho các hoạt động kinh doanh như cam kết trong hồ sơ phát hành trái phiếu. Hơn 6.000 nhà đầu tư tin tưởng vào Tân Hoàng Minh đã “cống nộp” cho tập đoàn này hơn 8.000 tỷ.
Ngày 5-4-2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 người liên quan đến vụ án: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Trong đó có ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và ông Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh)- con trai bị can Đỗ Anh Dũng.
Chủ tịch AIC “đi đêm” với cựu Bí thư và Chủ tịch tỉnh để trúng thầu
Để trúng 16 gói thầu trang thiết bị y tế và xây lắp (2 gói thầu xây lắp và 14/17 gói thầu thiết bị) tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai với tổng số tiền gần 666 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) đã hối lộ cho các ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) và Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cựu giám đốc BV Đồng Nai) tổng số tiền 43,8 tỷ đồng.
Ngày 29-4-2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về tội: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng bị can đã bỏ trốn và đang bị truy nã. Đến ngày 19-10-2022, ông Đinh Quốc Thái và ông Trần Đình Thành bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi: “Nhận hối lộ”.
Ngày 21-12-2022, TAND TP Hà Nội tiến hành xét xử sơ thẩm đối với 36 bị cáo liên quan đến vụ án trên. Trong đó, các bị cáo: Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ bị truy tố về tội: “Nhận hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cáo Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai) bị truy tố về tội: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các bị cáo còn lại bị truy tố về các tội: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong vụ án này có 8 bị cáo đang bỏ trốn, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bị truy tố về các tội: “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đại án Vạn Thịnh Phát
Ngày 7-10-2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can đối với: bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 3 đồng phạm: Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng, Hồ Bửu Phương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo Bộ Công an, các đối tượng trên đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 - 2019. Trong quá trình điều tra vụ án, có 762 công ty nằm trong diện bị “đóng băng” tài sản do thuộc sở hữu của các bị can, cá nhân, công ty có liên quan. Đến nay, có 14 bị can, cá nhân được xác định có liên quan đến vụ án.
NGUYỄN QUANG (tổng hợp)