Liên minh Mỹ-Hàn đứng trước những thách thức mới

Thứ sáu, 09/10/2020 12:20

Liên minh Mỹ-Hàn đang đứng trước những thách thức mới sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bất ngờ rút ngắn chuyến công du Châu Á.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu trong đoạn băng được ghi hình gửi tiệc chiêu đãi hàng năm của tổ chức Korea Society có trụ sở tại New York hôm 7-10. Ảnh: Korea Times

Triều Tiên có thể ra mắt vũ khí chiến lược mới

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 8-10 cho biết Triều Tiên có thể ra mắt vũ khí chiến lược mới được phát triển, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM)... tại cuộc duyệt binh dự kiến diễn ra ngày 10-10.

Bộ trên cho biết: “Triều Tiên dự kiến sẽ tổ chức một cuộc duyệt binh quy mô lớn và các sự kiện khác để kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động trong tuần này nhằm tăng cường đoàn kết và củng cố hàng ngũ đứng sau đảng". Triều Tiên có xu hướng kỷ niệm 5 năm hoặc 10 năm các ngày lễ bằng các sự kiện quy mô lớn, chẳng hạn như phóng tên lửa hoặc duyệt binh, trình diễn vũ khí chiến lược mới được phát triển.

Hủy bỏ chuyến thăm

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây thông báo rút ngắn chuyến công du 3 nước Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc, theo đó hoãn thăm Hàn Quốc và Mông Cổ, sau khi Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã giải thích rằng chuyến thăm của ông tới Hàn Quốc phải hoãn vì những lý do không thể tránh khỏi và mong Seoul thông cảm. Dù hoãn chuyến thăm tới Hàn Quốc và Mông Cổ, nhưng ông Pompeo vẫn tới Nhật Bản để dự cuộc gặp Ngoại trưởng Bộ Tứ vào ngày 6-10 với sự tham gia của người đồng cấp các nước Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, và quay trở về Mỹ cùng ngày. Quad là một diễn đàn chiến lược được thành lập vào năm 2007 nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Một số nhà phân tích cho rằng việc hủy chuyến công du của ông Pompeo là biểu hiện của sự thất vọng đối với lập trường vẫn còn mâu thuẫn của Hàn Quốc. Chuyên gia Shin Beom-chul nói: "Tôi nghĩ rằng chính những nhận xét hoài nghi của Ngoại trưởng Kang Kyung-wha về Bộ Tứ có thể đã tác động đến quyết định trên của Washington" bởi "ngay cả khi ông Pompeo đến đây thì ông ấy cũng sẽ không nhận được câu trả lời mà Mỹ mong muốn về Bộ Tứ. Do đó, ông ấy không cần phải đến Hàn Quốc nữa". Tháng trước, bà Kang Kyung-wha đã phát biểu trong một cuộc hội thảo trực tuyến rằng "không phải là ý kiến hay nếu tham gia Bộ Tứ để kiềm chế Trung Quốc". Nhà nghiên cứu Shin Beom-chul cho rằng đây là "một thất bại ngoại giao".

Rõ ràng rằng, trên mặt trận ngoại giao, Hàn Quốc cần phải có cách tiếp cận thận trọng và có những tính toán riêng để cân bằng áp lực giữa Washington và Bắc Kinh, bởi Mỹ hiện là đồng minh an ninh lâu đời của Hàn Quốc, trong khi Trung Quốc lại là đối tác thương mại hàng đầu. "Mặc dù Hàn Quốc đang cố gắng hưởng lợi từ các mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, song sẽ không có lợi ích nào đạt được khi hiểu sai về ý định thực sự của hai cường quốc này", nhà nghiên cứu Shin Beom-chul nhận định.

Kim Yeoul-soo, phụ trách bộ phận chiến lược an ninh tại Viện nghiên cứu các vấn đề quân sự Hàn Quốc (KIMA), cũng bày tỏ quan điểm tương tự: "Gần đây, các quan chức cao cấp của chính phủ, bao gồm cả Phó cố vấn An ninh Quốc gia Kim Hyun-chong, đã đến Washington và có thể đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung. Tuy nhiên, ông Pompeo đã không đến Hàn Quốc và điều này có nghĩa là hai đồng minh không “cùng hội cùng thuyền” trong vấn đề này".

Muốn cùng Mỹ tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên

Chuyến công du đến Châu Á bị rút ngắn của ông Pompeo có thể đã "giáng một đòn mạnh" vào chính phủ Hàn Quốc vốn muốn thúc đẩy nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in trong việc sớm đưa ra tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.

Do đó ngày 8-10, Tổng thống Moon Jae-in đã đề nghị Hàn Quốc và Mỹ phối hợp tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cho rằng đây là một cách để mở ra cơ hội cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và làm cho liên minh giữa Seoul với Washington trở nên vĩ đại hơn.

Phát biểu trong bài diễn văn được ghi hình gửi tiệc chiêu đãi hàng năm của tổ chức Korea Society có trụ sở tại New York, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ: “Tôi hy vọng rằng hai nước cùng hợp tác hướng đến tuyên bố kết thúc chiến tranh và vận động sự tham gia tích cực của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này. Khi chúng ta không chỉ ngăn chặn chiến tranh, mà còn tích cực tạo ra và thể chế hóa nền hòa bình, liên minh của chúng ta thậm chí sẽ vĩ đại hơn”.  Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ “thực sự mở đường cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”. Bên cạnh đó, tạo lập nền hòa bình lâu dài ở Triều Tiên “là cách duy nhất để đền đáp những hy sinh và cống hiến của các cựu chiến binh trong Chiến tranh Triều Tiên”.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng trước, ông Moon Jae-in đã nhắc lại đề xuất hai miền Triều Tiên, Mỹ và có thể cả Trung Quốc cùng tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

AN BÌNH