Liên quan đến vụ “Rừng ươi thượng nguồn Khe Diên bị hạ sát”: Chủ rừng nói gì?

Thứ sáu, 16/07/2021 07:17

Để ngăn chặn dòng người đổ xô đến xâm hại rừng ươi, ngay từ đầu mùa ươi, Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam (chủ rừng) cùng các ngành chức năng địa phương đã tăng cường chốt chặn, tuần tra. Thế nhưng, việc rừng ươi bị xâm hại vẫn tái diễn…

Cây ươi có tuổi đời hơn 40 năm bị đốn hạ ở thượng nguồn Khe Diên.

Trước việc rừng ươi ở thượng nguồn hồ thủy điện Khe Diên bị tàn phá mà Chuyên đề Báo Công an TP Đà Nẵng vừa phản ánh, ông Mai Văn Dưỡng – Phó Giám đốc phụ trách BQL Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam cho hay, mùa ươi năm nay, ngay từ đầu tháng 6-2021, đơn vị đã có kế hoạch triển khai công tác bảo vệ ươi trong lâm phận Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi. Theo đó, đơn vị đã thành lập 3 trạm quản lý bảo vệ rừng và cử 5 tổ chốt ngay trong rừng; phối hợp với Công an huyện đẩy đuổi ghe thuyền ra khỏi khu vực lòng hồ Khe Diên; các chốt ra vào lâm phận cũng đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ Công an tăng cường kiểm tra, xử lý. Khi người dân vào rừng thì kiểm tra túi xách có đem công cụ, phương tiện gì vào rừng hay không. Qua kiểm tra cũng đã phát hiện nhiều người đem lưỡi rìu vào rừng nhằm chặt hạ cây nên đã tịch thu; khi người dân từ trong rừng ra tổ công tác cũng kiểm tra xem là ươi bay hay ươi xanh, nếu ươi xanh thì tịch thu. Và đơn vị cũng đề nghị kiểm lâm huyện hỗ trợ tổ cơ động tăng cường giám sát người ra vào vị trí giáp với huyện Nam Giang. 

“Nói thật, anh em cũng tuần tra quyết liệt, có lực lượng thường trực cùng với người dân trong rừng. Tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng mé nhánh, chặt cây. Người dân canh những lúc anh em đi vào rừng hoặc trời tối để chặt hạ. Có lúc tổ công tác phát hiện đêm khuya vẫn có người ở trên cây, rất nguy hiểm”- ông Dưỡng cho hay.

Cũng theo ông Dưỡng, qua rà soát, bảo vệ cây ươi trong khu vực phát hiện sơ bộ gần 10 cây ươi bị chặt hạ để lấy quả (chưa tính khu vực phóng viên phản ánh). Qua đó phát hiện một nhóm đối tượng người Đại Đồng (huyện Đại Lộc) có hành vi chặt hạ cây ươi nên đã lập biên bản, hiện đang tiến hành xác minh, xử lý. Ban cũng phối hợp với hạt kiểm lâm xử lý tịch thu 196kg ươi xanh. 

Lực lượng chức năng phát hiện đối tượng dùng rìu chặt hạ cây ươi trong lâm phận Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi.

“Do diện tích lâm phận rộng nên số cây bị chặt hạ có thể chưa thống kê hết. Công tác quản lý bảo vệ rừng cực kỳ phức tạp, với diện tích tương đối lớn (hơn 18.000ha), trong khi lực lượng bảo vệ rừng được hợp đồng chỉ có 49 người. Số lượng con người như vậy khó kiểm soát hết, không tránh khỏi tình trạng chặt hạ cây ươi có xảy ra. Bên cạnh đó, thời điểm này trên địa bàn lâm phận cũng xảy ra vụ cháy rừng quy mô lớn ở khu vực Nà Lau (Quế Lâm), do đó phải huy động lực lượng đi chữa cháy (từ 29-6 đến ngày 4-7). Có thể lợi dụng thời điểm này người dân tiến hành chặt hạ cây nhiều hơn”, ông Dưỡng giải thích thêm.

Ông Dưỡng cũng cho rằng, đối với địa bàn như Nam Giang hay các huyện khác, họ quản lý thuận lợi hơn khi không có đường đi ngang xuyên lâm phận, và tính cộng đồng người dân ở đó rất cao, họ có ý thức bảo vệ cây. “Ví dụ như chốt chặn đường vào từ 2 phía, nếu không có lực lượng Công an người dân họ không dừng xe; nếu có Công an họ dừng nhưng họ nói đi qua địa phương khác. Khi di chuyển trên đường, họ tấp vào đâu đó để đi vào rừng, nên rất khó kiểm soát. Thật sự dù mình có chốt chặn, tuần tra đến mấy nhưng ý thức của người dân là quan trọng nhất. Thật sự ở đây có người dân ý thức kém, đặc biệt là người dân dưới xuôi. Người dân ở các vùng cao như Nam Giang có ý thức rất tốt, mình từng làm việc gần 10 năm trên đó nên mình khá hiểu. Nhiều người có ý thức họ vẫn đi nhặt ươi, không mé nhánh, chặt cành, giữ gìn cho thế hệ sau”, ông Dưỡng nói.

Trước sự việc trên, chiều 15-7, trao đổi với Phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Hòa- Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho hay, ông đã nắm thông tin sơ bộ vụ phá rừng ươi trên địa bàn mà Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh. “Nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ cây ươi trên địa bàn, ngay từ đầu mùa ươi huyện đã giao chủ rừng và các ngành, địa phương có kế hoạch quản lý, bảo vệ. Đối với vụ việc mà Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh, huyện giao cho các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh cụ thể để có hướng xử lý theo đúng quy định…”- ông Hòa nhấn mạnh.

Nói về nguyên nhân xảy ra việc rừng ươi bị tàn phá, ông Hòa cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân, thứ nhất do địa bàn rộng, trong khi lực lượng quản lý, bảo vệ mỏng, không đủ để tuần tra, kiểm soát hết được; thứ hai năm nay được mùa ươi nên người dân đi vào rừng lượm rất nhiều, trong đó có những người dân ý thức kém, còn lực lượng quản lý không thể kiểm soát hết được”.   

TRẦN TÂN