Liên quan sự cố gây ô nhiễm môi trường tại Cty Dệt may 29-3: Yêu cầu thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng vừa có văn bản thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý sự cố gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xảy ra tại Cty CP Dệt may 29-3. Sở này cho biết, đây là dự án thuộc đối tượng ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, do đó đề nghị Cty nghiêm túc thực hiện các biện pháp, giải pháp để phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.
Công ty Dệt may 29-3 cho biết đã xử lý dứt điểm sự cố gây ô nhiễm môi trường và khẳng định không để xảy ra hiện tượng tương tự.
Theo báo cáo của Cty 29-3, trong thời gian Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, đơn vị tổ chức hoạt động sản xuất "3 tại chỗ" cho 869 công nhân ở lại. Thức ăn dư thừa hàng ngày không chuyển giao được cho đơn vị thu gom để tận dụng làm thức ăn gia súc. Để giải quyết tình thế, Cty sử dụng khu vực phơi bùn của hệ thống xử lý nước thải, sát khu dân cư để phơi và lưu chứa thức ăn thừa. Do thời gian áp dụng "3 tại chỗ" kéo dài, chất thải phân hủy phát sinh mùi hôi ảnh hưởng đến đời sống người dân tại tổ 23, P. Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê. Về hiện tượng nước bẩn, có mùi hôi tràn ra ngoài khu dân cư, phía Cty 29-3 cho biết đây là nước từ khu vực phơi bùn bình thường được thu gom, đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung của nhà máy, công suất 750 m3/ngày đêm để xử lý trước khi đấu nối vào cống chung của thành phố. Tuy nhiên, do có một số rễ cây mọc phía ngoài sát tường rào đã xâm thực vào phần vách khu vực phơi bùn nên tạo ra các vết nứt. Từ đây nước của thức ăn dư thừa lâu ngày rò rỉ ra bên ngoài, chảy tràn trên bề mặt thành cống hộp, đối diện với khu vực dân cư tổ 23.
Với nghi vấn của người dân cho rằng nhà máy hoạt động thải ra khí ảnh hưởng đến môi trường, ông Võ Nguyên Chương- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, qua làm việc với Chi cục Bảo vệ môi trường, lãnh đạo Cty 29-3 khẳng định đang hoạt động 1 lò hơi, công suất 12 tấn hơi/giờ sử dụng nhiên liệu củi băm. Khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động được thu gom, xử lý bằng hệ thống cyclon chùm, hệ thống lọc bụi túi vải trước khi thoát ra môi trường qua ống khói bằng thép ở độ cao 18m. Công trình này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành trước khi đưa vào vận hành chính thức (GXN số 27/GXN-STNMT ngày 13-10-2020). Theo báo cáo của Cty, khí thải màu trắng theo phản ánh của bài báo là hơi nước, từ việc vận hành xả van định kỳ theo quy trình vận hành an toàn, không phải là khí thải. Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cũng cho biết, sau khi người dân và báo chí phản ánh, cơ quan chức năng Q. Thanh Khê đã trực tiếp kiểm tra hiện trường và ghi nhận phía doanh nghiệp đã bố trí lực lượng thực hiện xử lý thu gom nước tràn, vệ sinh sạch sẽ bề mặt thành cống. Ngay sau khi thành phố dừng thực hiện giãn cách xã hội, Cty đã hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý thức ăn thừa tại khu vực chứa bùn. Tại thời điểm kiểm tra thực tế, tại bể chứa bùn của hệ thống xử lý nước thải không còn lưu chứa thức ăn.
Qua làm việc với cơ quan chức năng, Cty đã thừa nhận nội dung như thông tin báo phản ánh nêu là chính xác. Đơn vị đã cầu thị nhận trách nhiệm và nhanh chóng khắc phục, cam kết không để xảy ra tình trạng tương tự. "Với ý thức là doanh nghiệp nằm trong khu vực dân cư, Cty đã cắt giảm sản lượng sản xuất khăn bông gần 90% để giảm tiếng ồn và lượng nước thải. Việc sự cố thấm nước có mùi hôi vừa qua là trường hợp đáng tiếc, chúng tôi xin lỗi bà con trong khu vực và cam kết sẽ không để trường hợp này xảy ra lần thứ hai", ông Trần Xuân Hòe- Phó tổng Giám đốc Cty cho biết. Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng yêu cầu Cty Dệt may 29-3 vệ sinh sạch, xử lý dứt điểm mùi hôi không để ảnh hưởng đến nhân dân đồng thời sẵn sàng phương án dự phòng xử lý khi có phát sinh mùi tại hệ thống xử lý nước thải. Cùng với đó, phải gia cố, sửa chữa tường rào của Công ty sao cho đảm bảo kín khít, không rò rỉ nước ra ngoài, tháo dỡ hoặc niêm phong các lò hơi không sử dụng đồng thời có biện pháp che chắn hoặc tạo rãnh thu nước mưa khu vực lưu chứa củi băm để giữ khô nhiên liệu đốt và kiểm soát hoạt động của van xả lò hơi.
"Sở đề nghị phía Cty và chính quyền địa phương thông tin kết quả kiểm tra đến người dân được biết; tiếp tục giám sát, theo dõi trong thời gian đến, trường hợp có phát sinh khói thải hoặc nhận thấy các dấu hiệu bất thường thông tin ngay để tổ chức kiểm tra và thu mẫu khí thải. Đây là dự án thuộc đối tượng thuộc ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, do đó đề nghị Cty nghiêm túc thực hiện các biện pháp, giải pháp để phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật", ông Võ Nguyên Chương cho biết.
Như Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 vừa qua, người dân tại tổ 23, P. Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê (TP Đà Nẵng) liên tục phải hứng chịu mùi hôi thối bốc ra từ khuôn viên của Cty Dệt may 29-3. Nhiều thời điểm trong ngày, các gia đình sống trong khu vực ghi nhận tình trạng ruồi muỗi bay vào nhà, khi thời tiết thay đổi thì không khí ở đây ô nhiễm nặng nề. Nghi ngờ có sự cố xảy ra trong khuôn viên Cty, người dân bắc thang lên bờ rào nhà máy kiểm tra thì phát hiện các hồ chứa nước đục ngầu không được che chắn, rất nhiều ruồi muỗi. Một số vị trí nước đầy làm vỡ tường rào và tràn ra đường phía bên khu dân cư. Các hồ chứa nước thải này rộng khoảng 2m, dài hàng chục mét chạy dọc theo tường bao phía khu dân cư nhưng để lộ thiên. Ngoài mùi hôi, ruồi muỗi, người dân còn quay lại được các hình ảnh nhà máy dệt xả khói vào buổi tối và rất lo lắng về chất lượng khí thái.
Bảo Nam