Liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng quy mô lớn tại xã biên giới Ia Mơr

Thứ năm, 22/02/2024 11:21
Một vụ phá rừng quy mô lớn lại xảy ra trên địa bàn xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai). Vị trí rừng bị phá thuộc Tiểu khu 1003 thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur (địa giới hành chính xã Ia Mơr). Ngày 21-1, UBND huyện Chư Prông cho biết, đã thành lập Tổ công tác liên ngành để điều tra, xử lý vụ phá rừng quy mô lớn vừa xảy ra trên địa bàn biên giới xã Ia Mơ.
Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 1003.
Lực lượng chức năng huyện Chư Prông kiểm đếm và thu giữ số cây gỗ bị khai thác trái phép tại tiểu khu 1003.

Theo đó có cả trăm cây rừng bị cưa hạ, đốt phá trong phạm vi rộng, có nơi bị phá trắng để làm nương rẫy. Các cây rừng tự nhiên bị cưa hạ đa phần là cây dầu có đường kính từ 20 - 50cm, một số có đường kính trên 50cm. Các cây rừng sau khi bị cưa hạ, được nhóm lâm tặc xẻ thành các thanh gỗ dài dùng để dựng nhà, với chiều dài từ 5 - 7m. Ngoài các cây gỗ thành phẩm bị đưa khỏi hiện trường, thì các cành, bìa cây, mùn cưa và phần gốc còn lại đều bị nhóm đối tượng phá rừng đốt sạch, nhằm xóa dấu vết của vụ phá rừng. Ngoài các điểm cây rừng bị đốt, xóa dấu vết, mở rộng khu vực tìm kiếm, nhiều cây rừng khác bị cưa, xẻ thành từng thanh gỗ dài tập kết tại nhiều nơi trong rừng chưa kịp đưa đi khỏi hiện trường.

Lực lượng chức năng huyện Chư Prông kiểm đếm và thu giữ số cây gỗ bị khai thác trái phép tại tiểu khu 1003.

Tại hiện trường, dấu vết cây gỗ mới bị đốn hạ còn hiện rõ trên thân cây với lớp nhựa tươi ứa ra và dấu răng cưa mới. Không chỉ đốn hạ, còn có hàng chục cây gỗ khác bị ken gốc hoặc làm những ký hiệu đánh dấu trên thân cây. Điều đáng nói là việc khai thác rừng trái phép ở đây bao gồm cả 2 hình thức “đánh tỉa” và phá trắng. Tại một khoảng rừng, toàn bộ cây gỗ trong khoảnh này bị cưa hạ, những cây có đường kính thân lớn bị cưa thành những khúc gỗ tròn dài 2-4m. Ngoài ra, trên mặt đất ở những khu vực rừng có cây cối bị đốn hạ đều bị lửa cháy lan qua. Hiện, lực lượng chức năng huyện Chư Prông đã thu giữ khoảng 100 đoạn gỗ tròn tang vật bị “lâm tặc” cưa hạ còn bỏ tại hiện trường để điều tra.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trung Văn- Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur, cho hay, tối 30 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, qua công tác tuần tra, đơn vị phát hiện một nhóm người đang có hành vi khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép tại tiểu khu 1003. Đơn vị đã huy động quân số và đề nghị các lực lượng chức năng của huyện, tỉnh có mặt trên địa bàn cùng phối hợp ngăn chặn. Tuy nhiên, những đối tượng vi phạm có hành vi chống đối, đe dọa lực lượng chức năng và đưa phương tiện ra khỏi hiện trường. “Do đêm tối cùng lực lượng mỏng và đối tượng vi phạm có tính chất manh động nên không thể xác định cụ thể số lượng người, danh tính, tang vật vi phạm”, ông Văn cho hay.

Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 1003.

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông (Gia Lai), tối 9-2, tại Tiểu khu 1003 thuộc lâm trường xã Ia Mơr, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 30 người và 8 xe công nông đang chặt phá rừng. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã yêu cầu tạm giữ người và phương tiện để xử lý nhưng một số đối tượng đã chống đối, đe dọa lực lượng chức năng. Qua kiểm tra ban đầu, số lượng cây bị chặt phá là trên 160 cây gỗ dầu khoảng 14 năm tuổi.

Cũng theo Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, sau khi tiếp nhận thông tin vụ khai thác rừng trái phép xảy ra vào đêm 30 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Hạt đã cử lực lượng tiếp cận hiện trường và báo cáo cho cấp trên. UBND huyện cũng đã giao cho Công an huyện tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc. Hạt Kiểm lâm huyện chưa ra quyết định khởi tố bởi vụ khai thác rừng trái phép này có tính chất phức tạp. Tuy nhiên, qua xác minh bước đầu, cơ quan chức năng đã phát hiện đối tượng cầm đầu trú tại xã Ia Piơr (huyện Chư Prông). Đây là đối tượng kích động chống đối, đe dọa lực lượng chức năng và quay phim phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội. Hiện cơ quan chức năng huyện Chư Prông đã bắt giữ được một số đối tượng và đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 1003.

Được biết, từ cuối năm 2023 đến đầu tháng 2-2024, trên địa bàn xã Ia Mơr lại tiếp tục xảy ra tình trạng phá rừng. Bên cạnh đó, hàng trăm cây rừng có đường kính lớn thuộc địa bàn xã Ia Mơ cũng liên tục bị “bức tử”, triệt hạ bằng đủ thủ đoạn. Trước đó, vào cuối năm 2023, trên địa bàn huyện Chư Prông liên tục xảy ra 4 vụ phá rừng có quy mô lớn (3 vụ ở địa bàn xã Ia Mơ và 1 vụ ở xã Ia Puch), với tổng số cây gỗ bị triệt hạ gần 400 gốc.

B.G.L