Linh hoạt các phương án dạy và học thời COVID-19

Thứ hai, 22/11/2021 20:53

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai linh hoạt hai phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến cho học sinh, đảm bảo chương trình học và an toàn cho học sinh khi đến trường.

Công tác phòng dịch được thực hiện nghiêm ngặt tại các trường học.

Hơn 1 tuần nay, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng cao, toàn bộ học sinh trên địa bàn TP Huế phải dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Theo đó, các trường học tổ chức dạy học qua truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cho khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6; dạy học trực tuyến trên các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin cho các khối lớp còn lại.Để tổ chức tốt việc dạy và học, các trường học đã tập huấn kỹ năng cho giáo viên, bố trí phương tiện, thiết bị cần thiết để giảng dạy. Các thầy cô giáo đổi mới phương pháp dạy học để thu hút học sinh trong quá trình học.

Cô Nguyễn Thị Bích Loan, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Đồng, TP Huếcho biết, nhà trường tăng cường ứng dụng các phương tiện hiện đại, khai thác hiệu quả các ứng dụng hỗ trợ dạy học trực tuyến phù hợp để nâng cao chất lượng dạy và học; bố trí học trực tuyến theo thời khóa biểu như học trực tiếp; rút ngắn thời gian mỗi môn còn 30-35 phút, giờ nghỉ giữa các giờ là 10 phút để đảm bảo điều tiết mắt, ổn định hệ thống máy. Các giáo viên chuẩn bị bài giảng theo hướng mới hơn, chú trọng chắt lọc nội dung căn bản, cô đọng nhất để hầu hết học sinh nắm bắt được kiến thức...

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh tại địa phương, các trường học linh hoạt xây dựng phương án kết hợp giữa dạy trực tiếp và dạy trực tuyến để đảm bảo kiến thức cho các em học sinh, nhất là các em đang ở trong các vùng phong tỏa. Trường THCS Đặng Dung, huyện Quảng Điền có 19 lớp học với 724 học sinh. Hiện trường đã tổ chức dạy học trực tiếp, tuy nhiên có 41 em đang ở trong vùng phong tỏa không thể đến trường. Để đảm bảo kiến thức cho học sinh nằm trong vùng phong tỏa, ngoài việc thường xuyên liên lạc để nắm tình hình và giải đáp những vướng mắc trong bài học, tại các lớp học trực tuyến, trường bố trí hệ thống camera cùng các thiết bị thu âm, truyền dẫn để các học sinh có thể tham gia học, tương tác trực tiếp với giáo viên và lớp học như bình thường.

Huyện Quảng Điền hiện có 45 trường học với khoảng 15.600 học sinh. Ông Nguyễn Thái Hiệp, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Quảng Điền cho biết: địa bàn huyện có 32/45 trường tổ chức học trực tiếp. Khó khăn hiện nay là có khoảng 10% học sinh không tham gia học ở các hình thức do thiếu phương tiện kỹ thuật hoặc đang ở các khu cách ly. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ngành Giáo dục sẽ tổ chức ôn tập, bồi dưỡng kiến thức để các em theo kịp chương trình học.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng nghìn học sinh của 240/569 trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế không thể đến trường. Lãnh đạo ngành Giáo dục chỉ đạo các trường linh hoạt xây dựng phương án kết hợp giữa dạy trực tiếp và dạy trực tuyến, đồng thời xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong nhà trường.

Ở những địa bàn được xác định cấp độ 1,2 trong phòng, chống dịch COVID-19, các trường học chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học phù hợp khi dịch bệnh diễn biến phức tạp...  Những địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, học qua truyền hình. Việc dạy học trực tiếp phải bảo đảm giãn cách phù hợp, bố trí lớp học không quá 25 học sinh/phòng. Các địa bàn thuộc cấp độ 4 tổ chức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình…

Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các trường quan tâm đảm bảo an toàn trong dạy học, biên soạn tài liệu giảng dạy cô đọng, súc tích. Các trường phân công giáo viên kết nối với phụ huynh để cùng hướng dẫn, đồng hành với nhà trường, giúp học sinh theo kịp nội dung, chương trình học. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát và học sinh được trở lại trường, giáo viên sẽ nỗ lực hỗ trợ thêm để các em có kiến thức vững chắc hơn.

P.V