Lộ diện “nội gián FBI” do thám bộ sậu tranh cử của ông Trump
Một người cung cấp thông tin bí mật trong cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nga đã bước ra ánh sáng. Người này được cho là đã gặp gỡ ba vị cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump hồi năm 2016.
Stefan A Halper, “nội gián FBI” trong cuộc điều tra chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump. Ảnh: BBC |
Gần đây, Tổng thống Trump nhiều lần công khai chỉ trích FBI cài nội gián do thám các thành viên trong đội ngũ tranh cử của ông trong nỗ lực điều tra xem ông có câu kết với người Nga thao túng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 hay không, đồng thời yêu cầu Bộ Tư pháp mở một cuộc điều tra nội bộ. Ông Trump dùng từ “Spygate” để ám chỉ việc nếu FBI cài người vào chiến dịch tranh cử của ông thì điều đó cũng chẳng kém vụ bê bối “Watergate” tai tiếng năm xưa.
Hôm 24-5, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố kết quả điều tra về người bị tình nghi là “nội gián FBI”.
Lộ diện
Stefan A Halper, giáo sư Đại học Cambridge, được xác định là “nội gián FBI”. Từ năm 2001 đến 2015, Halper là giáo sư nghiên cứu về quan hệ đối ngoại quốc tế và Mỹ tại Đại học Cambridge. Sau khi về hưu, vị giáo sư người Mỹ 73 tuổi này đã làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ trong suốt 3 năm qua. Halper là cái tên vốn không xa lạ gì với nền chính trị Washington. Ông từng làm việc cho nhiều chính quyền thuộc đảng Cộng hòa, từ Richard Nixon, Gerald Ford đến Ronald Reagan.
Ông là đồng tác giả của cuốn sách “America Alone: The Neo-Conservatives and Global Order” được xuất bản năm 2009 nhằm chỉ trích chiến tranh Iraq và chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống George W Bush. Ông cũng có nhiều bài viết cảnh báo sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu.
Vị này cũng là cộng sự của nhóm Sáng kiến An ninh Cambridge (CSI), một nhóm tư vấn phi lợi nhuận về các vấn đề liên quan đến quản lý, kế toán và tài chính quốc tế, có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan chính phủ Anh và Mỹ, do ông Richard Dearlove, nguyên Giám đốc Cục Tình báo Anh, sáng lập.
Những cuộc gặp song phương
Halper có nhiệm vụ thu thập thông tin về ba thành viên trong đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump là Carter Page và George Papadopoulos - hai cựu cố vấn chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử, và Sam Clovis - cựu đồng Chủ tịch ban vận động chiến dịch.
Theo đó, ông Halper đã tìm cách gặp riêng hai cố vấn Page và Papadopoulos ở London. Cụ thể, vị giáo sư này đã gặp cố vấn Page vào giữa tháng 7 trong hội thảo chính trị Mỹ do một trường đại học Anh tổ chức. Halper cũng đã móc nối quan hệ với Papadopoulos và đề nghị vị cố vấn trẻ này viết một bài báo về lĩnh vực năng lượng với giá 3.000 USD. Sau đó, họ hẹn gặp nhau vào ngày 15-9-2016 tại London. Trong thời gian đó, Halper thăm dò những thông tin liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, những gì ông nhận được chỉ là sự phủ nhận nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Cuối tháng 8-2016, Halper đã đến thành phố Iowa để gặp ông Clovis. “Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi giống như hai giảng viên thảo luận những đề tài nghiên cứu”, vị cựu ứng cử viên chính trị đảng Cộng hòa cho hay trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Mỹ gần đây.
Thuyết âm mưu
Mặc dù FBI đã từng khẳng định việc sử dụng người cung cấp tin là hợp pháp và cần thiết để gia tăng hiệu quả các cuộc điều tra thực thi pháp luật được ủy quyền, và đã được tòa án Mỹ công nhận. Nhưng trong hàng loạt các bài viết trên Twitter tuần qua, ông Trump vẫn ám chỉ kết quả điều tra Halper là minh chứng của một âm mưu cộng đồng tình báo dưới sự điều hành của chính quyền của người tiền nhiệm nhằm phá hoại chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.
Thực tế, những lời cáo buộc trên dường như là kết quả của một sự thay đổi chiến lược của ông Trump trong việc đối phó với cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách hơn một năm qua. Có thể, đối với ông Trump, chi tiết về các cáo buộc và lý thuyết âm mưu có thể không quan trọng. Nhưng mục tiêu lớn hơn của ông chỉ đơn giản là làm suy yếu quyền lực cũng như sự hiện diện của những người điều tra ông.
TUỆ KHANH
(Theo BBC)