Lộ hàng loạt sai phạm tại BQL rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ

Thứ ba, 06/06/2017 13:44

6 năm mất 3.000ha

(Cadn.com.vn) - Năm 2011, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (viết tắt là BQL) được UBND tỉnh Gia Lai giao 9.148,6 ha đất lâm nghiệp, phân bổ tại TP Pleiku và H. Chư Păh. Trong quá trình làm hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), BQL đã "tách" 977,5 ha không đưa vào hồ sơ đề nghị UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ. Do đó, ngày 29-12-2011, BQL chỉ được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ số BH 121906 với diện tích 8.171,1 ha. Đến ngày 12-4-2016, với lý do đất được UBND tỉnh thu hồi, BQL tiếp tục đề nghị chỉnh lý và được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đồng ý chỉnh lý giảm 177ha. Như vậy, diện tích đất lâm nghiệp còn lại của BQL là 7.994,1ha. Thế nhưng, kết quả kiểm tra của Thanh tra tỉnh Gia Lai lại phát hiện việc đề nghị chỉnh lý với lý do trên là không phù hợp với thực tế, vì BQL sử dụng hồ sơ UBND tỉnh thu hồi đất giai đoạn năm 2002-2009, tức trước lúc đơn vị được cấp GCNQSDĐ.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra của Thanh tra tỉnh Gia Lai, BQL "bất ngờ" báo cáo diện tích đất thực tế hiện nay do đơn vị đang quản lý chỉ còn lại 6.677,54ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 2.000ha; rừng trồng  hơn 3.000 ha và đất chưa có rừng hơn 1.600 ha. Như vậy, so với diện tích đất lâm nghiệp được giao ban đầu thì BQL đã để "mất" 2.471,06 ha. Điều đáng nói hầu hết diện tích đất này đều đã bị người dân lấn chiếm để sử dụng.

Để làm sáng tỏ vấn đề thất thoát hàng ngàn héc-ta đất lâm nghiệp của BQL, Thanh tra tỉnh tiến hành kiểm tra thực tế tại Tiểu khu 389 (thuộc địa phận xã Diên Phú, TP Pleiku) do đơn vị quản lý. Qua quá trình kiểm tra, Thanh tra tỉnh phát hiện 15 cá nhân, trong đó có cả các cán bộ từ lãnh đạo đến nhân viên của BQL Bắc Biển Hồ lấn chiếm để sử dụng hơn 84.000m2 đất lâm nghiệp. Điều đáng nói, đa phần trong số diện tích đất bị lấn chiếm trên đã được UBND TP Pleiku cấp GCNQSDĐ nên các hộ dân đã sang nhượng để làm rẫy, xây nhà ở. Ngoài ra, qua kiểm tra thực trạng diện tích trồng rừng của BQL thì Thanh tra tỉnh cũng phát hiện đơn vị còn để thiệt hại hơn 278ha rừng và tất cả đều đã bị người dân lấn chiếm làm đất sản xuất.

Như vậy, trong 6 năm qua, kể từ khi được giao quản lý 9.148,6ha đất lâm nghiệp đến nay, BQL đã để "mất" gần 3.000ha đất lâm nghiệp, đất rừng. Trong diện tích bị mất đó, có nhiều diện tích chính lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của BQL này đã "phù phép" biến thành sở hữu của mình.

Một phần đất thuộc lâm phần BQL RPH Bắc Biển Hồ bị chính ông Đức (Trưởng ban) chiếm dụng
để trồng cây kinh doanh.

"Xà xẻo" tài sản Nhà nước

Năm 2010, ông Tưởng Tín (nguyên Trưởng BQL) đã xác nhận hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ cho bà Mai Thị Ngọc Thỏa (nguyên viên chức BQL) với diện tích hơn 30.200m2 đất thuộc lâm phần của BQL tại thời điểm đó. Dù việc làm này sai phạm rõ ràng nhưng các cơ quan chức năng của TP Pleiku và UBND TP Pleiku vẫn xác nhận, cấp GCNQSDĐ cho bà Thỏa. Sau đó, bà Thỏa chuyển nhượng cho một số người khác, trong đó có cán bộ của BQL, như: ông Đặng Văn Cườm (kế toán BQL) gần 4.200m2, ông Đặng Xuân Thu (Phó trưởng BQL) hơn 11.000m2. Cũng trong năm nay, UBND TP Pleiku cũng đã cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Đức (Trưởng BQL) với diện tích hơn 16.700m2. Theo hồ sơ cấp GCNQSDĐ thì ông Đức nhận chuyển nhượng của cá nhân khác, nhưng trong hồ sơ không ghi ngày tháng chuyển nhượng, không được cơ quan quản lý đất đai xác thực việc chuyển nhượng. Kết quả thanh tra cũng đã làm rõ 16.700m2 mà ông Đức được cấp GCNQSDĐ thuộc đất lâm nghiệp mà Nhà nước giao BQL này quản lý. Không những thế, cơ quan Thanh tra còn phát hiện ông Đức, ông Cườm và ông Thu tự ý lấn chiếm hơn 15.000m2 khác trên đất lâm nghiệp thuộc lâm phần BQL. Bên cạnh đó, Thanh tra còn phát hiện 12 cá nhân đang sử dụng hơn 11.300m2 đất lâm nghiệp của BQL, trong đó có 9 người với hơn 9.300m2 đã được UBND TP Pleiku cấp GCNQSDĐ.

Không chỉ xà xẻo về đất mà theo kết quả thanh tra, giai đoạn năm 2012-2016, BQL tiếp nhận các nguồn vốn: ngân sách, do cơ quan kiểm lâm chuyển để thực hiện công tác phối hợp, dịch vụ môi trường rừng và trồng lại rừng thay thế với số tiền hơn 25 tỷ đồng và đã quyết toán được hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, BQL đã làm sai nguyên tắc tài chính khi không làm thủ tục nhập quỹ tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã chứng minh được nội dung chi và có chứng từ chi là hơn 2,4 tỷ đồng. Còn lại, hơn 1,2 tỷ đồng không phản ánh vào sổ sách kế toán, BQL cũng xác nhận không còn tồn trong quỹ và cũng không biết, không chứng minh được việc sử dụng vào mục đích gì và có dấu hiệu cá nhân đã chiếm đoạt.

Cũng từ năm 2011-2016, BQL đã cho các cá nhân tạm ứng tiền để thực hiện công việc, sau khi hoàn thành đã thanh toán đầy đủ nhưng không thực hiện thủ tục hoàn ứng theo quy định. Qua kiểm tra, tổng số tiền các cá nhân đã tạm ứng phải trả lại cho ngân sách hơn gần 1,4 tỷ đồng, nhưng sổ kế toán chỉ ghi nhận nợ hơn 250 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 1,1 tỷ đồng BQL không thể hiện việc đã hoàn ứng cũng như không còn ghi nhận nợ. Ngoài ra, còn có nhiều khoản thu, chi khác BQL không thực hiện đúng các nguyên tắc tài chính... Tổng cộng số tiền mà Thanh tra tỉnh xác định có dấu hiệu bị các cá nhân tại BQL chiếm đoạt, tham nhũng là hơn 1,2 tỷ đồng.

Từ những sai phạm trong quản lý đất đai và dấu hiệu tham nhũng tiền ngân sách của BQL, cơ quan Thanh tra tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai để chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra làm rõ. Ngày 23-5-2017, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản giao Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc tại BQL RPH Bắc Biển Hồ, hồ sơ kiến nghị đến Cơ quan CSĐT CA tỉnh Gia Lai tiếp nhận, xử lý theo quy định.

Minh Tân