"Lỗ hổng" khiến châu Âu lại trở thành tâm dịch

Thứ sáu, 26/11/2021 16:38

Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Châu Âu (ECDC) dự báo diễn biến dịch COVID-19 tại các nước Liên minh Châu Âu (EU) sẽ xấu đi nếu những quốc gia này không nhanh chóng triển khai biện pháp ứng phó với số ca mắc mới gia tăng.

WHO cảnh báo Châu Âu vẫn nằm trong vòng vây của dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố hôm 25-11, ECDC cho biết dựa trên biểu đồ mô phỏng của cơ quan này, hệ thống y tế tại các nước EU và Khu vực kinh tế Châu Âu (EEA - gồm 27 nước EU cùng với Na Uy, Liechtenstein và Iceland) sẽ đối mặt với sức ép rất lớn trong tháng 12-2021 đến 1-2022 nếu không có biện pháp y tế và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng trên toàn dân. Ước tính, chưa tới 70% dân số tại EU và EEA đã tiêm đủ liều, trong khi tỷ lệ tiêm giữa các nước chưa đồng đều, tạo lỗ hổng về miễn dịch khiến virus SARS-CoV-2 lan mạnh.

Giám đốc ECDC Andrea Ammon nhấn mạnh các biện pháp mà các quốc gia Châu Âu cần nhanh chóng triển khai ngay gồm thu hẹp khoảng cách về tiêm chủng, tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành và tái áp đặt các biện pháp kiểm soát. Bà Ammon còn nhấn mạnh đến việc ưu tiên tiêm mũi tăng cường cho người trên 40 tuổi. ECDC đưa ra cảnh báo trên sau khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) cảnh báo Châu Âu vẫn nằm trong vòng vây của dịch COVID-19 và số ca tử vong ở lục địa này có thể lên tới 2,2 triệu người trong mùa đông năm nay nếu tình trạng lây lan dịch bệnh hiện tại tiếp tục duy trì.

Theo WHO, khoảng 700.000 người có thể thiệt mạng trong những tháng tới khi các ca mắc COVID-19 mới lan rộng khắp châu Âu, khiến một số quốc gia tái áp đặt các biện pháp hạn chế cứng rắn. WHO dự báo mức độ căng thẳng cao hoặc cực cao trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện ở 49 trong số 53 quốc gia tại Châu Âu từ nay đến ngày 1-3-2022. Theo báo cáo của WHO trích dẫn số liệu từ Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe, dịch COVID-19 là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên khắp Châu Âu và Trung Á. Theo thống kê của AFP, với hơn 2,5 triệu ca mắc mới và gần 30.000 ca tử vong trên thế giới trong tuần trước, Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh. Số ca mắc mới và tử vong tập trung nhiều tại những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất khu vực, ở Trung và Đông Âu.

Việc Châu Âu trở lại thành điểm nóng của dịch bệnh đã buộc một số quốc gia tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch, thậm chí Đức, Áo và Italia đã ban hành các quy định hạn chế đối với những đối tượng chưa tiêm chủng. Trong khi đó, Châu Mỹ cũng đang đối mặt viễn cảnh như Châu Âu. Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 24-11 cho biết, số ca mắc mới tại Châu Mỹ đã tăng 23% trong tuần vừa qua, phần lớn tập trung tại Bắc Mỹ. PAHO cảnh báo khu vực này có thể sẽ đối mặt với sự tái bùng phát dịch bệnh tương tự Châu Âu hiện nay.

Đáng chú ý, cả Mỹ và Canada đều đang ghi nhận tốc độ lây nhiễm tăng. Hai vùng lãnh thổ của Canada là Yukon và Tây Bắc đã ghi nhận số ca mắc mới tăng từ 2 đến 3 lần trong tuần trước. Tại Nam Mỹ, gần như mọi quốc gia, trừ Brazil, và Venezuela, đều đang ghi nhận đà tăng số ca mắc mới, đặc biệt là tại Ecuador và Paraguay. Ngược lại, tại Trung Mỹ, số ca mắc mới đã giảm 37%. Theo PAHO, do các cuộc đình công và biểu tình gần đây khiến nhiều người không thể tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 và các địa điểm xét nghiệm, số ca mắc mới tại khu vực Santa Cruz, Bolivia đã tăng vọt 400%.

"Dù số ca bệnh đã giảm đáng kể trong vài tháng qua, COVID-19 vẫn lây lan khắp khu vực, do vậy vào bất cứ lúc nào chúng ta mất cảnh giác, virus sẽ bùng phát trở lại", Giám đốc PAHO Carissa Etienne lưu ý. Bà nhấn mạnh trải nghiệm lúc này của Châu Âu, khu vực có nhiều quốc gia ghi nhận số ca bệnh tăng kỷ lục trong vài tuần qua, có thể là tương lai của Châu Mỹ. Trong khi 51% dân số của khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 thì vẫn còn 19 quốc gia có độ phủ vaccine dưới 40% dân số. PAHO đánh giá, số ca bệnh bùng phát chủ yếu ở khu vực đông dân, nơi đã dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh.

KHẢ ANH