Lỗ nhỏ đắm thuyền
“Đăng kiểm” có lẽ là một trong những từ khóa “hot” nhất của những tháng đầu năm 2023. Theo thông tin của Bộ Công an, tính đến đầu tháng 3/2023, công an các địa phương đã khởi tố 42 vụ án; khám xét 62 trung tâm đăng kiểm, 4 chi cục đăng kiểm; khởi tố 379 bị can về 7 tội danh, trong đó có cả cục trưởng và nguyên cục trưởng Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải), lãnh đạo nhiều trung tâm đăng kiểm... Ở đó có cả câu chuyện cười ra nước mắt về một giám đốc trung tâm đăng kiểm mới học hết lớp 3, không biết đọc, biết viết, bộc lộ sự buông lỏng, dễ dãi, tùy tiện về quản lý hoạt động đăng kiểm.
Thông tin khởi tố, bắt giữ, khám xét liên quan đến đăng kiểm xuất hiện dồn dập trong suốt hơn 2 tháng qua. Kéo theo đó là việc hàng chục trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa, nhất là ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khiến nhiều chủ xe vô cùng vất vả khi đưa phương tiện đi kiểm định. Nhiều người phải xếp hàng từ sáng sớm, thậm chí xếp hàng từ ngày hôm trước, để chờ đến lượt đăng kiểm xe. Điều này không chỉ gây lãng phí thời gian và công sức ở góc độ cá nhân, mà còn tác động mạnh tới các doanh nghiệp khi hoạt động vận tải, dịch vụ… bị ách tắc, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và rộng ra là ảnh hưởng tới cả nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch.
Câu chuyện đăng kiểm một lần nữa cho thấy sự len lỏi, ăn sâu bám rễ của “tham nhũng vặt”, của tiêu cực trong lĩnh vực dịch vụ công, hành chính công. Hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, nhận hối lộ, nhận phong bao phong bì, nhận lót tay, chung chi… vẫn là một vấn nạn nhức nhối ở một số lĩnh vực, ngành nghề, lâu dần biến thành một thứ “luật bất thành văn” gây biết bao phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tiêu cực đăng kiểm mang tính hệ thống và là “bảo kê tội phạm” - như nhận định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, chứ không đơn thuần là hiện tượng xảy ra ở một số trung tâm. Mà thực tế đúng như vậy: Theo điều tra của cơ quan công an, nhiều lãnh đạo ngành đăng kiểm và lãnh đạo trung tâm đăng kiểm nhận tiền hối lộ một cách định kỳ (theo tháng, theo quý), ăn chia tỷ lệ theo chức vụ… để bỏ qua lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động; bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; ký duyệt mã đăng kiểm hoặc thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định về khí thải, phanh, đèn…
Lại nhớ cách nhìn nhận của đồng chí Vương Đình Huệ khi còn giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ đã có lần ví “tham nhũng vặt” như tổ mối trong thân đê, nhìn bề ngoài tưởng chừng vô hại nhưng đi sâu vào bên trong lại thấy nguy hại khôn cùng. Thực tế những gì đang xảy ra với ngành đăng kiểm đã cho thấy điều đó. “Lỗ nhỏ đắm thuyền”, tuy là tham nhũng vặt nhưng hậu quả lại không hề vặt.
Ngoài việc gây phát sinh chi phí ngoài đối với người dân và doanh nghiệp, mà chúng ta vẫn hay gọi là “phí bôi trơn”, thì “tham nhũng vặt” còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào bộ máy công quyền, vào hoạt động quản lý nhà nước. Nhưng ở đây, cũng cần thẳng thắn rằng chính tâm lý e ngại, thậm chí “sợ sệt của người dân khi tiếp xúc với lực lượng công quyền; tâm lý muốn nhanh được việc, ngại xếp hàng đã tạo nên mảnh đất màu mỡ “giúp” tiêu cực ngày càng phát tác, lộng hành.
Vẫn hiểu người dân và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vẫn hiểu ngành đăng kiểm đang nỗ lực “hàn gắn”, nhưng sai phạm thì không thể không xử lý. Tổ mối đã ăn đến chân đê, không xử lý bây giờ thì bao giờ? Vì “tham nhũng vặt” cũng vô cùng nguy hại nên ở đây rất cần áp dụng quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”. Mặt khác, các ngành nghề khác cũng cần kiên quyết, tích cực, chủ động hơn trong xử lý các “hiện tượng” đã và đang được thấy có nơi, có lúc, liên quan đến y tế, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường… Đừng để mọi chuyện trở nên quá muộn. Như với ngành đăng kiểm, virus tiêu cực đã lan rộng sang cả đường thủy và thời gian tới chắc chắn sẽ còn nhiều vụ việc tiếp tục được phanh phui.
Sau các đại án Việt Á và “chuyến bay giải cứu”, các vụ án đăng kiểm tiếp tục là bài học đắt giá nữa cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động thực thi công vụ. Thái độ hách dịch, cửa quyền, quan liêu, sách nhiễu… cần phải được loại bỏ. Thay vào đó, mỗi cá nhân, đơn vị cần xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm “phụng sự nhân dân” phải được đặt lên hàng đầu; quan tâm thích đáng xây dựng văn hóa công vụ, đạo đức cán bộ; xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể, không dám, không cần tham nhũng”.
Theo Báo Tin tức
Dòng sự kiện:Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc
Xử phạt đối tượng đăng tải nội dung xuyên tạc, xúc phạm đến lực lượng Công an
Quảng Nam, khởi tố đối tượng xúc phạm lãnh tụ
Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
Bộ Ngoại giao lên tiếng việc dẫn độ đối tượng khủng bố Y Quynh Bdap
Cần chấm dứt hành vi bao che, dung túng cho tội phạm khủng bố