Lò tôm cảnh
(Cadn.com.vn) - Đi dọc vùng biển duyên hải miền Trung, ít nơi nào xuất hiện nhiều tôm hùm như Khánh Hòa, với các “đảo tôm hùm” Bình Ba, Bình Hưng, Đầm Môn - Vạn Ninh. Nhiều người nói “không tưởng tượng nổi, nếu không có tôm hùm trên đất này, cuộc sống sẽ ra sao?”. Thậm chí tôm hùm trở thành đặc trưng riêng của Khánh Hòa. Bởi vậy, đã xuất hiện nhiều nghề liên quan đến loại hải sản này, trong đó có nghề làm tôm hùm cảnh.
Nói về nghề này, phải kể đến ông Phan Thanh Tùng (55 tuổi, trú Ninh Ích, Ninh Hòa, Khánh Hòa) cũng vậy. Cách đây 13 năm, rời quê nhà Phú Tân - An Giang đến Tân Cảnh (Ninh Ích, Ninh Hòa), ôn chọn cái nghề tái chế vỏ tôm hùm. “Mỗi lần tôm trưởng thành đều lột vỏ để tạo lớp vỏ mới phù hợp với kích thước lớn hơn, lớp vỏ tôm bỏ lại là nguồn sống của tôi. Nghề làm tôm cảnh cần phải có vỏ tôm hùm ở nhiều kích thước, lứa tuổi để thực hiện và bán ra với mức giá khác nhau”, ông Tùng tả cụ thể đặc trưng ngành nghề mà mình chung sống bao lâu nay.
![]() |
Ông Tùng bên sản phẩm tôm cảnh. |
Chính bởi số phận đã gắn liền với sự tồn vong của loài giáp xác, nên ông Tùng chưa một ngày thôi lo nghĩ. Dịch bệnh! tôm hùm mất mùa! Chỉ cần nghe tin đã đủ để ông hoảng hốt, chạy khắp nơi tìm kiếm, động viên, thăm hỏi bạn bè, người nuôi tôm bệnh. Và, nếu tôm hùm khiến ông nhiều lần mất ăn, mất ngủ, cũng nhiều phen làm đời ông thăng hoa cảm xúc, vui khó tả. “Có tháng tôi xuất một lần 8.000-9.000 sản phẩm tôm cảnh, có tháng chỉ khoảng vài trăm, nhưng tôi sống nhờ nghề này đã lâu rồi. Tôi làm và cung cấp cho toàn Nha Trang cũng như toàn tỉnh. Ở Nha Trang cũng chỉ có khoảng 3-4 người làm nghề này, nhưng họ chỉ làm theo yêu cầu, còn tôi luôn sẵn có bất kỳ lúc nào”, ông Tùng nói.
Cũng bởi tính chất lâu dài với số lượng lớn lại đều đặn, nên ông luôn hiểu những đổi thay của nghề nuôi tôm hùm vì thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh qua báo đài và tận mắt chứng kiến. Người dân xa gần khắp nơi, thường xuyên chở vỏ tôm hùm đến nhà ông, ông mua lại với giá không đắt lắm, đủ để người bán có tiền xăng và khoản lời nhỏ.
Đặc trưng công việc vốn thân thiện với môi trường, nên ông Tùng nhận được sự ủng hộ của nhiều người. “Có vỏ tôm là tôi giao đến cho ông ấy, với lại, vỏ tôm để không có làm gì đâu, bán cho người ta để họ tái chế lại, làm tôm cảnh cũng tốt chứ gì đâu”, một người dân trong vùng nói.
![]() |
Nguyên liệu và xưởng chế tác tôm cảnh của ông Tùng. |
Bước về phía sau căn nhà cấp 4 của ông Tùng, mùi hôi nhẹ có thoảng qua, hiện lên khoảng 15 thùng đựng vỏ tôm chưa sơ chế, cùng vô số sản phẩm đang được chế biến. Xưởng chỉ có 3 nhân công, trong đó có vợ ông. Lương tính theo hình thức thầu khoán, khoảng 100 ngàn đồng/ sản phẩm đã hoàn chỉnh. Những nữ công nhân đều là người địa phương, chủ yếu làm công việc nội trợ do đó họ tìm đến với nghề làm tôm cảnh như công việc chủ đạo vừa để tiết kiệm thời gian lại có thêm chi phí lo toan cho cuộc sống gia đình.
Vỏ tôm hùm được lột xác một lần nữa, trở thành tôm cảnh bóng loáng bọc hộp nhựa với nước, keo, sơn, xuất phát từ bàn tay khéo léo của người thợ chế tác.
Nói về thực trạng nuôi, bán tôm hùm hiện nay, ông Tùng cho biết chỉ riêng TP Cam Ranh có khoảng 9.920 lồng nuôi tôm hùm, chiếm nửa số lượng trên tổng số lồng nuôi toàn tỉnh. Nguồn cung sản phẩm thô gần như vô tận, nhưng lượng sản phẩm bán ra lại hạn chế vì chủ yếu để làm quà tặng, lưu niệm gửi đi khắp nước. “Các thương lái nước ngoài làm dân nuôi tôm hùm khó khăn lắm, nuôi được tôm hùm nặng 1kg, họ chỉ đòi mua lại 6-7 lạng thôi, còn khi mình nuôi loại 6-7 lạng, thì họ lại đòi mua loại 1kg. Hình như họ làm khó mình vậy”, ông Tùng bình phẩm.
Cũng bởi việc làm ăn theo thị trường không hợp đồng, lại không có đặt trước, thiếu nguồn nhu cầu nội địa ổn định, khiến nhiều chủ lồng nuôi gặp khó khăn... Chính điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của ông Tùng và những người làm tôm cảnh, vậy nhưng ông vẫn quyết tâm duy trì nghề. “Dù số lượng sản phẩm làm ra phụ thuộc hoàn toàn vào lượng tôm nuôi của xã hội và tính khí thất thường của khách hàng, song nếu bỏ nghề thì tiếc lắm, thiệt cho mình chưa nói còn thiệt cho những người nuôi tôm bỏ vỏ cho mình, thiệt cho Khánh Hòa mất một sản phẩm đặc trưng”, ông Tùng kết luận.
Phạm Đức Thọ