Lời chào…
Lời chào là nghi thức thuộc phạm vi văn hóa và ngôn ngữ; là phạm trù đạo đức, nhân cách; thể hiện phép lịch sự khi giao tiếp giữa con người với nhau. Trong tiếng Việt, lời chào được thể hiện dưới nhiều hình thức. Chào bằng lời nói cụ thể khi gặp mặt: “Xin chào!”, “Chào nhé!”…; khi tạm biệt: “Tạm biệt!”, “Tạm biệt nhé!”… Hoặc chào bằng cử chỉ, điệu bộ, hành động “phi ngôn ngữ”: ánh mắt, nụ cười, bắt tay, gật đầu, cúi đầu,… Dù ở hình thức nào, lời chào cũng trở nên cần thiết và giá trị.
Tùy vào mối quan hệ thân sơ hoặc hoàn cảnh giao tiếp, lời chào sẽ mang lại những ý nghĩa khác nhau. Trong gia đình, lời chào giúp gắn kết tình cảm. Ngoài xã hội, lời chào giúp ta bắt đầu câu chuyện một cách tự nhiên, dễ dàng. Có thể chào nhau trực tiếp, lại cũng có thể chào nhau qua điện thoại hoặc trên báo chí, ti vi, mạng xã hội,… Lời chào vừa là truyền thống văn hóa trọng tình đẹp đẽ của dân tộc ta từ ngàn xưa vừa là chất keo kết dính, giúp duy trì mọi mối quan hệ xã hội trở nên gắn bó, bền chặt.
Người xưa có câu “Tiên học lễ, hậu học văn” và “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Lời chào trong giao tiếp là biểu hiện của văn hóa ứng xử văn minh cần có ở mỗi người. Nó là phép lịch sự, tôn trọng và là tình cảm chân thành với mọi người. Trẻ con khi bắt đầu bi bô tập nói, người lớn đã dạy cho chúng cách chào mọi người; học sinh khi học ở trường, ngoài việc được học kiến thức, thầy cô còn dạy các em biết lễ phép chào hỏi mọi người. Ra ngoài xã hội, chúng ta vẫn thường dạy bảo con cháu mình biết cách chào hỏi mọi người sao cho phù hợp,…
Trong cuộc sống, lời chào là yếu tố góp phần hình thành nên nhân cách đúng đắn, chuẩn mực đạo đức của một con người. Người biết thể hiện lời chào khi giao tiếp luôn được mọi người yêu mến, quý trọng. Mỗi một lời chào trao đi, nhiều niềm vui sẽ được nhận về. Lời chào giống như một món quà cao quý mà giá trị của nó đôi khi còn lớn hơn cả những lễ vật cao sang. Lời chào khi giao tiếp vừa góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt vừa là hành trang giúp mỗi người chinh phục được những giá trị đích thực của đời mình. Vì “Đi đến nơi nào, lời chào đi trước/ Lời chào dẫn bước, con đường bớt xa”.
Cu Tít hàng xóm mới lên 3 tuổi nhưng mỗi lần thấy bà Hai là vẫy tay rồi bi bô gọi chào: “…H…a…i… Hai!”. Bà Hai thấy vui nên ngày nào đi chợ cũng đều mua cho cu cậu khi thì cái bánh, khi thì cái kẹo làm quà. Bé Ngân nhà chị, mỗi lần thấy bố áo quần chỉnh tề, dắt xe ra ngõ, đều chạy ra ríu rít: “Con chào bố! Bố đi đường cẩn thận!”, khiến bố luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Rồi còn có câu chuyện: Nhờ lời chào hỏi thường xuyên mà một cô gái đã được chính bác bảo vệ cứu sống khi bị kẹt trong phòng đông lạnh,… Có thể thấy, lời chào tuy không to tát, nhưng lại giá trị vô cùng.
Tuy vậy, hiện nay vẫn còn nhiều người xem nhẹ giá trị của lời chào. Người cho rằng, chào nhau là khách sáo, chào nhau là phiền phức. Người lại nghĩ, chào người khác, khác nào tự hạ thấp bản thân mình… Thế nên, trẻ con gặp người lớn không chào, người được chào lại dửng dưng không đáp, học trò gặp thầy cô không thưa gửi; anh chị em ruột thịt thấy nhau có khi còn không thèm nhìn mặt,… Điều đó dần dà khiến cho mối quan hệ giữa con người với con người trở nên rạn nứt, rời rạc. Con người có khi cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa biển người!
“Một chào, hai dạ, ba thưa/ Tưởng chừng là dễ, mấy ai tận tường”. Biết mở lời chào khi giao tiếp, bạn sẽ nắm giữ được hạnh phúc, thành công theo cách riêng của mình.
Vì những lẽ đó, thiển nghĩ, việc giáo dục, dạy bảo, nhắc nhở trẻ, học sinh luôn phải biết lễ phép chào hỏi mọi người không nên xuê xoa, xem nhẹ trong mỗi gia đình, trường học hiện nay!
Lê Thị Xuyên