Lối đi nào cho nghề nuôi chim yến? (Kỳ 1: Buồn vui với... yến!)

Thứ sáu, 13/04/2018 14:40

Những năm gần đây, không phải ngẫu nhiên mà nghề nuôi chim yến ngày càng phát triển rầm rộ tại Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Với nguồn lợi khổng lồ từ món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng, có thời điểm, rất nhiều người đã không tiếc tiền đầu tư xây nhà cho yến những mong thu được “lộc trời”. Thế nhưng, không phải ai cũng gặp may...

Thay vì xây nhà chỉ để ở, hiện nay nhiều người đang kết hợp mô hình “2 trong 1”, vừa ở vừa... chờ yến bay về. Trong ảnh: Một ngôi nhà “dụ” yến đang sắp sửa hoàn thiện. 

“Lộc” trên trời... rơi xuống

Hàng chục năm nay, mỗi khi nhắc đến nghề nuôi yến trong nhà, người dân Đà Nẵng, nhất là những người trong nghề vẫn còn kháo nhau về vận may của gia đình ông C., trú Q. Hải Châu. Cách đây hơn 10 năm, khi xây dựng một tòa cao ốc, văn phòng cho thuê và đang trong giai đoạn chờ hoàn thiện thì bất ngờ có một cơn bão ập đến, kéo theo đó là một đàn yến hàng ngàn con bị gió bão thổi dạt từ biển vào và lấy tòa nhà ông C. xây dở làm nơi trú ẩn. Thế là, từ ý định ban đầu là xây cao ốc, văn phòng cho thuê, ông C. quyết định chuyển hướng kinh doanh bằng cách giữ nguyên tòa nhà đang xây thô này làm “ngôi nhà cho yến”. Quyết định tưởng như “đánh bạc” với... trời này không ngờ đem lại cho ông nguồn lợi vô cùng lớn khi chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngôi nhà yến của ông đã trở thành điểm đến, nơi trú ngụ lý tưởng của hàng ngàn con chim yến, mỗi năm đem lại cho ông nguồn thu hàng tỷ đồng. Không những không mất thêm vốn để đầu tư cao ốc, văn phòng cho thuê; không phải lo lắng về hiệu quả kinh doanh, mà hàng năm, ông C. còn thu được nguồn lợi rất lớn, ổn định từ việc khai thác tổ yến, trong khi không tốn một đồng chi phí nào để mua thức ăn, công chăm sóc...

Tại Đà Nẵng, có khá nhiều trường hợp tương tự như ông C. khi bất ngờ được vận may từ trời rơi xuống. Đơn cử như trường hợp của ông T. cũng ở Q. Hải Châu. 10 năm trước, khi gia đình ông T. đang sống trong ngôi nhà 6 tầng trên đường 2-9 thì một ngày “đẹp trời”, có một đàn yến bỗng đâu kéo đến và tá túc tại các tầng trên cùng ngôi nhà. Không để tuột mất cơ hội, ông T. liền mua sắm thêm vật liệu, thuê chuyên gia về biến 4 tầng trên của ngôi nhà thành nơi trú ngụ của chim yến. Và quyết định này đã mang lại cho ông nguồn thu nhập khá lớn với hàng chục kg tổ yến mỗi năm. Hay như trường hợp của anh D. (ở P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn), lộc trời đến với anh cũng rất tình cờ. Đầu năm 2008, trong lúc xây nhà, khi xong phần thô, chưa kịp trang trí nội thất thì phát hiện chim yến bay đến bu bám vào vách tường. Vậy là kế hoạch của anh thay đổi. “Chim yến bay đến nhà mình biết là có lộc trời rồi, nhưng làm thế nào để giữ nó ở lại là điều khó. Tôi dừng việc xây nhà, nghiên cứu cách xây nhà nuôi chim yến dù lúc ấy chẳng biết hiệu quả của việc này ra sao. Đến nay thì đã yên tâm khi đàn yến khoảng 2.000 con... chịu sống chung với gia đình”, anh D. vui mừng nói. Không chỉ nhà dân, tại một số công trình cao tầng trên địa bàn thành phố cũng là nơi chim yến chọn làm... bãi đáp. Ngay như tại một nhà thờ khá nổi tiếng trên địa bàn, hàng chục năm nay cũng thu được nguồn lợi không nhỏ từ “lộc trời” này đem lại...

Dù đã chọn được nơi trú ngụ an toàn, nhưng có khi chim yến vẫn còn trong giai đoạn thăm dò hay mới làm tổ thì đã khai thác, làm chim yến sợ hãi, bỏ đi.

Ăn nhau ở chuyện... hên xui?

Việc chim yến thay vì chọn nơi trú ngụ ở các địa điểm truyền thống là hang đá, các đảo ngoài biển khơi nơi ít người qua lại mà “chủ động” chọn nhà dân trong thành phố để làm tổ đã làm dấy lên phong trào xây nhà nuôi yến tại Đà Nẵng trong những năm gần đây. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phong trào xây nhà dụ chim yến bắt đầu rộ lên tại Đà Nẵng từ những năm 2007 - 2010. Với giá trị kinh tế cao, mỗi kg yến lên vài chục triệu đồng, nhiều người nhanh chóng nắm bắt thời cơ, xây nhà, mở loa dụ chim yến vào ở, cốt sao thu về nhiều tổ yến nhất. Thấy việc xây nhà nuôi yến chẳng khó khăn gì, lại có nguồn thu rất lớn, thế là nhiều người “đánh cược vận may” với trời. Từ những nhà yến ban đầu, đến nay trên địa bàn thành phố đã xuất hiện hàng trăm ngôi nhà khác, tập trung chủ yếu ở các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và Hải Châu. Tuy nhiên không phải nhà nào cũng nhận được kết quả như mong đợi.

Trường hợp của anh D. người đầu tư xây nhà chim yến ở gần Cầu Đỏ (Q. Cẩm Lệ) là một ví dụ. Anh kể, khi thấy nhiều người có thu nhập lớn về việc nuôi chim yến, anh hùn vốn với vài người bạn để đầu tư xây nhà nuôi yến. Không có kinh nghiệm nên anh phải thuê chuyên gia đến hướng dẫn kỹ thuật dẫn dụ chim yến, mua thiết bị âm thanh, tạo mùi… Số tiền anh D. bỏ ra lên đến vài tỷ đồng, thế nhưng qua 2 năm miệt mài phát âm thanh gọi yến nhưng nhà yến của anh chỉ thu hút hơn chục cặp chim yến vào trú ngụ, nên chỉ thu được vài tổ yến... gọi là. Qua tìm hiểu được biết, không ít nhà yến ở Đà Nẵng và các địa phương khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự, bởi lẽ để nuôi được chim yến không phải là điều dễ dàng. Ông Trần Phước Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Tiên Sa, Chi hội trưởng Chi hội Yến sào Quảng Đà (Đà Nẵng) cho biết, thời gian qua trên địa bàn đã không ít trường hợp phải từ bỏ không nuôi chim yến nữa hay chuyển nhượng cho người khác. Theo ông Sỹ, việc đầu tư xây nhà nuôi yến chứa đựng rủi ro cao bởi vì xây nhà xong chưa chắc yến đã vào, vào nhà chưa chắc đã ở,  ở chưa chắc đã làm tổ hoặc làm tổ ít. “Ngoài hạ tầng thì kỹ thuật tạo mùi, kỹ thuật âm thanh dẫn dụ và chăm sóc chính là yếu tố thu hút nhiều chim yến về làm tổ. Thông thường phải sau 2 năm nhà yến đưa vào hoạt động thì chủ đầu tư mới có thể bắt đầu thu hoạch. Nhưng một số người không nắm được bí quyết hoặc quá kỳ vọng vào mức doanh thu cao trong thời gian ngắn nên khi chim yến vẫn còn trong giai đoạn thăm dò hay mới làm tổ thì đã khai thác, làm chim yến sợ hãi, bỏ đi. Ngoài ra, không phải nhà to là chim yến sẽ vào ở, mà cần môi trường thích hợp, chọn hướng xây nhà hợp lý. Không phải cứ có tiền đầu tư là thành công mà còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác”, ông Sỹ chia sẻ kinh nghiệm.

Thực tế cho thấy, ở các tỉnh miền Nam chuyện xây nhà nuôi chim yến diễn ra rất rầm rộ, tuy nhiên chỉ được một thời gian thì phải dừng lại vì nhiều người thua lỗ. Và điều này có nguy cơ lặp lại ở Đà Nẵng khi mà số lượng nhà nuôi yến mọc lên ngày càng nhiều. Con chim yến đã và đang mang lại nhiều niềm vui cũng như không ít nỗi buồn cho các nhà đầu tư trên địa bàn TP Đà Nẵng.

(còn nữa)

D.Hùng