Lối thoát nào cho những dự án “đắp chiếu”?

Thứ sáu, 01/03/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cấp cho DA mới và vốn tăng thêm trong 2 tháng đầu năm 2013 chỉ khoảng 630,3 triệu USD, giảm 38,1% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, “bức tranh” bất động sản có nguồn vốn từ nước ngoài sẽ vắng đi những điểm sáng bởi lợi nhuận đầu tư trong lĩnh vực này đang sụt giảm. Một thực trạng đáng quan tâm hơn là các DA căn hộ đế vương, vàng son một thời xôn xao giờ bắt đầu lãng quên theo năm tháng...

 DA Golden Square được khởi công đầu năm 2008, giờ mới “ngoi” lên được vài tầng, dù chủ đầu tư
cam kết sẽ hoàn thành vào năm 2011. Ảnh: C.HẠNH

NHỮNG DỰ ÁN SIÊU SANG “ĐẮP CHIẾU”

Vài năm về trước, người Hà Nội hay nhắc đến căn hộ “hạng sang” với lối thiết kế theo kiểu hoàng tộc, thậm chí có DA căn hộ còn được dát vàng. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, các công trình này bỗng dưng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm mà Habico Tower (36 tầng, trên đường Phạm Văn Đồng, khởi công tháng 3-2008, dự kiến hoàn thành năm 2011) là điển hình. Người ta không hình dung được lúc bấy giờ, tại sao chủ đầu tư “hét” giá 21-85 tỷ đồng/căn? Với mức giá “khủng” này, Habico Tower được mệnh danh là “ông hoàng” của những DA có giá bán đắt đỏ nhất. Sau 4 năm xây dựng, tòa nhà hiện nay đang dừng lại... ở tầng thứ 9. Oái oăm thay, DA này giờ đã thật sự “đắp chiếu”. Tương tự như vậy, “cung điện” Dragon Palace vẫn là bãi đất hoang dù được khởi công xây dựng từ năm 2011, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2014.

Đà Nẵng được xem là “điểm sáng” của phát triển đô thị, du lịch và môi trường thân thiện. Thế nhưng dưới một góc nhìn khác, trung tâm thành phố vẫn còn đó những tường rào tôn kẽm gây phản cảm cho người dân và du khách. Nằm ngay ngã tư Phan Châu Trinh - Hùng Vương, Đà Nẵng Centre (Cty CP địa ốc Vũ Châu Long) được xem là một điểm nhấn du lịch trong tương lai, nhưng được cấp giấy phép cách đây gần 5 năm, giờ chủ đầu tư mới thi công phần móng.

Cùng thời điểm trên, ngự tại “khu đất vàng” ở ngã tư Hùng Vương - Nguyễn Chí Thanh, Viễn Đông Meridian cũng được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư, nhưng đến nay mới thi công tường rào quanh, cọc barette thí nghiệm sâu 56,5m. Bên cạnh, tòa tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers (với 3 mặt tiền Yên Bái - Hùng Vương - Nguyễn Chí Thanh), vốn đầu tư hơn 180 triệu USD, trên diện tích xây dựng hơn 11.000m2 đang “nằm im” gần 5 năm. Đối diện, Golden Square (4 mặt tiền Yên Báy - Nguyễn Thái Học - Nguyễn Chí Thanh - Phạm Hồng Thái), được khởi công đầu năm 2008, giờ mới “ngoi” lên khỏi mặt đất vài tầng, dù chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành vào năm 2011.

Còn tại TPHCM, hiện có đến hàng trăm DA căn hộ từ trung cấp đến cao cấp xây dựng dở dang đang nằm bất động. Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, hơn 90% DA BĐS tại TPHCM đang bị chậm tiến độ, ước tính có đến 70% DA ngưng hẳn thi công.

 Đà Nẵng Centre (Cty CP địa ốc Vũ Châu Long) được cấp giấy phép cách đây gần 5 năm, giờ chủ đầu tư mới thi công phần móng. Ảnh: C.HẠNH

LỐI THOÁT NÀO CHO CHỦ ĐẦU TƯ?

Một trong những nguyên nhân cơ bản của hiện tượng “đắp chiếu” nêu trên là tỷ suất lợi nhuận của vốn đầu tư BĐS bị “tụt áp” thảm hại trong 2 năm qua. Vì sao vậy? Dường như câu trả lời cho thực trạng này là kiểu đầu tư ồ ạt, “tay không bắt giặc”. Số vốn tham gia của các DN địa ốc quá thấp, từ 15-20% trên tổng giá trị đầu tư khiến lợi nhuận làm ra không đủ bù lãi suất vay NH. Bên cạnh đó, kênh huy động từ khách hàng lúc bấy giờ cũng bị tắc do lãi suất huy động tiết kiệm cao ngất ngưởng.

Giám đốc một Cty đầu tư BĐS cho biết, các DN địa ốc đang trong vòng luẩn quẩn, không lối thoát. Phần lớn các DA đang xây dựng dở dang ít nhiều đã bán được một lượng hàng. Tuy nhiên, giờ họ không có vốn để tiếp tục xây dựng nên khách hàng cũng “lơ” đóng tiền. Trong khi đó, NH lại không cho vay hoặc cho vay với lãi suất cao nên nhà đầu tư cũng lo ngại. Một chuyên gia khuyến cáo, các DA phải thay đổi thiết kế, xây dựng DA căn hộ có diện tích nhỏ, giá thành thấp để kích thích đầu ra của thị trường. Cách tốt nhất để “dỡ chiếu” là DN phải tự cứu lấy mình theo phương pháp “cắt lỗ” như một số nhà đầu tư đã từng làm vào cuối năm 2012.

Một xu hướng mới đang hình thành để xử lý các DA “đắp chiếu” là chuyển đổi mô hình đầu tư để kích thích người tiêu thụ. Trong các cuộc đối thoại với DN BĐS tại Hà Nội và TPHCM, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã kêu gọi các DN chuyển đổi DA nhà thương mại sang nhà ở xã hội hoặc tăng tỷ lệ nhà ở xã hội trong các DA nhà thương mại. Đề xuất này được nhiều DN hưởng ứng, hiện có nhiều nhà đầu tư xin điều chỉnh DA nhà thương mại trên phạm vi cả nước.

Hỗ trợ cho kế hoạch chuyển đổi DA, các NH đã vào cuộc với các “gói” tín dụng giá rẻ cho các DA đầu tư nhà ở. Một động thái khác được dư luận đồng tình là chính quyền các cấp đang quyết liệt yêu cầu thu hồi đất đối với các DA vi phạm tiến độ thi công. Trước đó, để có cơ sở thực hiện, Chính phủ đã chỉ đạo phân loại các DA đầu tư trên từng địa phương. Như thế, thời gian đến, thị trường sẽ có nhiều DA siêu sang phải dừng triển khai do không phù hợp với quy hoạch chung hoặc “án binh bất động” quá lâu...

Văn Khoa