Lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc (3)
* Kỳ cuối: Có đường dây lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc?
(Cadn.com.vn) - Ngoài những người Mông bị lừa bán sang Trung Quốc, tại 2 xã Cư Pui, Hòa Phong còn có một số trường hợp mất tích, nghi là bị lừa bán. Có trường hợp một đối tượng đã lừa bán một phụ nữ trước đó, sau đó tiếp tục lừa bán một phụ nữ khác nhưng không thành.
Cuộc mật phục bất thành
Trưởng CAX Hòa Phong Trương Thế Mại cho biết, khi nghe tin chị Đào Thị Ph. bị lừa bán sang Trung Quốc đã trốn được về nhà, CAX đến thăm hỏi, thì nhận được tin báo từ người dân về trường hợp Hoàng Thị G. (trú cùng thôn với Ph.) có biểu hiện bị kẻ gian lừa gạt. CAX Hòa Phong nắm thông tin từ G. và G. thừa nhận có một đối tượng lạ gọi điện cho em, nói có tình cảm và muốn kết duyên vợ chồng, nếu đồng ý người này sẽ đến đón đi.
CAX Hòa Phong đối chiếu số điện thoại đã gọi cho G. thì thấy trùng với số điện thoại mà đối tượng tự xưng tên Trinh đã dụ dỗ, lừa bán Đào Thị Ph. trước đó. “Sau khi xác minh người dụ dỗ đã lừa bán Ph. và người đang dụ dỗ G. là một, CAX Hòa Phong lên kế hoạch bắt đối tượng này. Kẻ gian hẹn gặp G. vào tối 25-3 nên chúng tôi đã huy động lực lượng mật phục tại điểm hẹn, đồng thời bố trí chốt chặn tất cả các tuyến đường dẫn vào thôn để bao vây, sẵn sàng bắt giữ đối tượng” - ông Mại nói về kế hoạch mật phục.
Đầu giờ tối, con đường dẫn vào vị trí điểm hẹn trong buôn Ea Noh Prông chìm trong bóng tối. Hoàng Thị G. đã có mặt tại con đường cái để chờ “chồng tương lai”, xung quanh là lực lượng CAX bám chốt. Đến giờ hẹn, nhưng đối tượng chưa xuất hiện khiến người trong cuộc ai cũng lo lắng, bồn chồn. Trong lúc mọi người chuẩn bị rút thì chợt có chiếc xe máy từ từ lăn bánh vào vị trí mà G. chờ sẵn. Lực lượng CAX sẵn sàng chờ đối tượng dừng xe chở G. là ập ra bắt giữ. Thế nhưng, khi chiếc xe chạy đến chỗ G. thì không dừng lại mà tiếp tục chạy tiếp vào thôn, người lái xe được xác định không phải là đối tượng cần bắt. Lát sau, G. nhận cuộc điện thoại từ “chồng tương lai”, nói không đến được, hẹn khi khác. “Lúc này chúng tôi biết kế hoạch bị lộ. Chúng tôi liên hệ vào số điện thoại của đối tượng nhưng không liên lạc được nữa” - ông Mại thất vọng.
Thôn Cư Rang còn nhiều phụ nữ người Mông mất tích, nghi bị lừa bán. |
Còn nhiều người nghi bị lừa bán chưa về?
Theo Trưởng CAX Cư Pui Y Lăl M’lô cho biết, qua nắm thông tin từ người dân, ngoài những trường hợp bị lừa bán đã trở về, trên địa bàn còn 5 phụ nữ mất tích, nghi cũng bị lừa bán. “5 người này đều ở thôn Cư Rang. Thân nhân những người này trình báo đã mất tích từ nhiều tháng nay, liên lạc không được” - ông Y Lăl khẳng định.
Trong số những người bị mất tích, nghi bị lừa bán sang Trung Quốc có trường hợp em Thào Thị Ch. (1996, trú thôn Cư Rang). Thào Thị Ch. chính là con ruột của chị Lý Thị D. (1976, thôn Cư Rang) đã trốn về nhà vào ngày 25-3, sau khi bị kẻ gian lừa bán sang Trung Quốc (chúng tôi đã phản ánh ở bài viết trước). Chị D. kể: “Tôi vất vả lắm mới về được nhà. Trên đường về cứ nghĩ cảnh gia đình đoàn tụ. Đến nơi, chưa kịp thắp nén nhang tạ ơn tổ tiên thì biết tin con gái Thào Thị Ch. đã mất tích, liên lạc mãi nhưng không được. Tôi nghĩ con gái đã bị lừa bán rồi. Tội nghiệp con tôi!”.
Ông Thào Văn Danh và Lý Thị D. trông ngóng 2 cô con gái bị mất tích. |
Cạnh nhà chị D., ông Thào Văn Danh (1954) cũng trong tình cảnh trông ngóng con. Con gái ông Danh là Thào Thị D. (1989) mất tích cùng ngày với Thào Thị Ch. Ông Danh kể, trước khi mất tích, Thào Thị D. liên tục nhắn tin và nói chuyện với đàn ông qua điện thoại. Ông Danh nghĩ là trai làng tán tỉnh nên không để ý lắm. Khi thấy con gái không có nhà, ông đi tìm nhưng không được, gọi điện cũng không nên đã báo chính quyền nhờ tìm kiếm. Người cuối cùng gặp Ch. và Thào Thị D. là Thào Văn Vương (1998, em trai Ch.). Theo Vương, ngày 20-2, Ch. và D. nhờ Vương lấy xe máy chở lên chợ xã, khi đi không mang hành lý. “Đến nơi, em thấy có 2 người đàn ông chờ sẵn đến đón 2 chị ấy lên xe buýt. Từ đó đến nay em không gặp chị nữa, 2 chị ấy mất tích rồi” - Vương cho biết.
Theo lời khai của 3 nạn nhân bị lừa bán đã trở về, trên đường đưa những người này sang Trung Quốc, kẻ gian được sự giúp sức của một số đối tượng được cho là bạn, hoặc anh em. Có đối tượng đưa nạn nhân đi bằng đường hàng không. Dư luận cho rằng việc buôn bán phụ nữ có thể có đường dây. Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, lãnh đạo CAH Krông Bông xác nhận đang điều tra vụ việc. Về tiến độ điều tra, CAH Krông Bông cho biết đã trực tiếp làm việc với Đào Thị Ph., còn những trường hợp vừa trở về sẽ tiếp tục làm việc trong thời gian tới. Cũng theo CAH Krông Bông, việc điều tra gặp khó khăn vì người bị tố lừa bán có danh tính, địa chỉ không rõ ràng.
Khởi tố vụ lừa bán người
Như chúng tôi đã thông tin, giữa tháng 4-2014, CAH Krông Pắc (Đắc Lắc) đã khởi tố vụ án, bị can và bắt tạm giam Sùng A Tính (1978, trú xã Xuân Thượng, H. Bảo Yên, Lào Cai) để xử lý theo quy định của pháp luật. Vào tháng 3-2014, Tính nhận được “đơn hàng” của Pàng (chưa rõ lai lịch) về chuyện lừa bán chị Cư Thị Lan (1994, trú xã Vụ Bổn, H. Krông Pắc) sang Trung Quốc. Theo đó, Tính được giao nhiệm vụ đưa chị Lan đến Bến xe Lào Cai sẽ được trả công 10 triệu đồng.
Tính chở chị Lan đến xã Đa Rsal (H. Đam Rông, Lâm Đồng) để đón xe đi Lào Cai thì bị CAH Đam Rông phát hiện, bắt giữ, sau đó bàn giao cho CAH Krông Pắc điều tra theo thẩm quyền. Trước đó, tháng 11-2013, CA tỉnh Đắc Nông đã đưa 2 cô gái D.H.T.T (1996, trú H. Đắc Mil, tỉnh Đắc Nông) và N.T.P (1996, H. Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc) từ Đồn Biên phòng 107 Trùng Khánh (Cao Bằng) về địa phương. P. và T. bị 2 đối tượng rủ đi bán hàng ở Hà Nội với mức lương cao. Thế nhưng 2 cô gái này bị đưa sang Trung Quốc bán cho một chủ chứa. P. và T. lợi dụng sơ hở đã trốn thoát.
Hữu Phúc