Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:

Luật Đất đai (sửa đổi) góp phần giải quyết nhiều vấn đề

Thứ bảy, 04/11/2023 06:25
Ngày 3-11, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đa số các đại biểu nhất trí rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cơ bản được sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn, trên cơ sở rà soát, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuyên gia và nhân dân.
Đại biểu Trần Chí Cường (TP Đà Nẵng) phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận.
Đại biểu Trần Chí Cường (TP Đà Nẵng) phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận.

Dự thảo luật thể hiện rõ ràng hơn vai trò của đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân đối với dự án luật quan trọng của đất nước. Các đại biểu kỳ vọng, dự thảo Luật khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý, sử dụng đất hiện nay.

Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, việc thực hiện phân cấp phân quyền theo hướng triệt để, phân cấp toàn bộ thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất cho các địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc tố tụng đáng tiếc tại một số tỉnh thành liên quan đến tính toán, xác định giá những “khu đất vàng” chưa phù hợp để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc bổ sung vào dự thảo Luật trường hợp giá trị của khu đất tính theo bảng giá có giá trị lớn đến hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt khi giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu. “Cần có cơ chế kiểm soát ngay từ ban đầu với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước có chuyên môn sâu, khi đề xuất phương án giá đất đảm bảo không gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, không nên chờ đến khâu hậu kiểm”, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho rằng, còn nhiều nội dung còn có các phương án khác nhau, chưa thống nhất; kiến nghị cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án Luật. Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, Luật Đất đai là luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; do đó, cần khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn, xem xét bổ sung một điều về áp dụng pháp luật như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân. “Việc bổ sung thêm điều này chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất đai do lịch sử để lại, từ yêu cầu mới của thực tiễn”, đại biểu Nguyễn Duy Minh nói.

Khoản 2, khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định cụ thể, song trên thực tế, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng vẫn còn có những cách hiểu và áp dụng khác nhau. Kỳ họp lần này dự kiến thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu cho rằng, “cần rà soát để đảm bảo không mâu thuẫn, xung đột”.

Phát biểu tranh luận với ý kiến đề nghị bỏ phương pháp thặng dư trong định giá đất, đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho biết, dự thảo lần này đã quy định những điều kiện, trường hợp cụ thể áp dụng từng phương pháp, do đó, phương pháp thặng dư nên tiếp tục được duy trì để thực hiện những dự án không thể áp dụng phương pháp khác.

B.T