Lực lượng Công an là nòng cốt, tiên phong, dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia

Thứ năm, 14/03/2024 07:00
Đà Nẵng 99% giải quyết thủ tục hành chính qua Dịch vụ công trực tuyến
Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Công an TP Đà Nẵng.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 13-3, Bộ Công an tổ chức Hội nghị toàn quốc thúc đẩy Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) và Chuyển đổi số trong Công an nhân dân (CAND). Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 và Chuyển đổi số Bộ Công an chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ Bộ Công an đến Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tại Đà Nẵng, Đại tá Phan Văn Dũng- Phó Giám đốc Công an TP chủ trì điểm trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc điều hành phần tham luận.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số trong CAND đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua 2 luật; trình Chính phủ ban hành 2 nghị định; ban hành theo thẩm quyền 5 thông tư phục vụ công tác chuyển đổi số của Ngành. Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 10 quyết định công bố sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an. Rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng cắt giảm thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, bảo đảm cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo.

Về hoàn thiện hạ tầng, mạng truyền dẫn cáp quang dùng riêng ngành Công an từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại gồm 3 trung tâm vùng Hà Nội - Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh với trên 12.477 kênh truyền dẫn quang phục vụ kết nối mạng máy tính từ các đơn vị trực thuộc Bộ đến Công an địa phương xuyên suốt 4 cấp Công an. Hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành; 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN); 3 doanh nghiệp viễn thông; 63 địa phương. Tiếp nhận gần 1,5 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin. Đồng bộ thành công thông tin làm giàu của hơn 720 triệu bản ghi vào dữ liệu dân cư đối với 91 trường thông tin.

Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Công an TP Đà Nẵng.

Trong năm 2023, Công an cả nước đã tiếp nhận, giải quyết trên 67 triệu hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên toàn quốc đạt 85,18% (tăng 71,06% so với năm 2022). Trong đó, tất cả các địa phương, lĩnh vực thủ tục hành chính đều có tỷ lệ trực tuyến trên 50%. Riêng tại địa bàn TP Đà Nẵng, 124 DVCTT trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an có tỷ lệ phát sinh DVCTT do tổ chức, cá nhân nộp, được giải quyết chiếm tỷ lệ trên 97% năm 2023 và 99% trong 2 tháng đầu năm 2024, đạt và vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao.

Kết quả nổi bật nêu trên, Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc đảm bảo mọi nhu cầu của người dân, tổ chức được tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, đúng theo quy định về toàn trình, một phần của Bộ Công an quy định. Đồng thời duy trì, làm tốt vai trò thường trực trong Đề án 06/CP để tham mưu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng luôn xác định rõ Đề án 06/CP là nền tảng dữ liệu quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, xã hội để thường xuyên chỉ đạo ngành Thông tin và Truyền thông triển khai đồng bộ các giải pháp về triển khai nền tảng công dân số, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; thành lập Trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh có chức năng giám sát dịch vụ công, tổng đài đường dây nóng 1022,... để tạo thuận lợi cho người dân được hướng dẫn khi nộp hồ sơ trực tuyến, kiến nghị các thắc mắc, chậm trễ trong giải quyết DVCTT.

Công an TP Đà Nẵng cũng đa dạng, đổi mới mạnh mẽ cách thức, hình thức tuyên truyền từ truyền miệng sang trực tiếp thao tác trên các thiết bị, phương tiện dùng để nộp hồ sơ trên cổng DVCTT; nổi bật đã sát nhập Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP khu dân cư/tổ dân phố/thôn, khắc phục tình trạng hoạt động hình thức, chồng chéo chức năng, thành phần tổ viên. Bên cạnh đó cũng triển khai nhiều mô hình hay, thực tế như Dãy trọ chuyển đổi số, Phiên chợ chuyển đổi số... Đặc biệt, Công an TP Đà Nẵng đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân" để về khu dân cư/tổ dân phố/thôn trực tiếp xuống gặp người dân tuyên truyền, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, hướng dẫn về thao tác nộp hồ sơ trên cổng DVCTT.

Tại Hội nghị, Công an các đơn vị, địa phương đã tham luận nhiều vấn đề, các ý kiến đã tập trung xử lý các điểm nghẽn trong thực hiện Đề án 06 và Chuyển đổi số trong CAND; tập trung bố trí nguồn ngân sách thường xuyên phát triển Đề án 06 và Chuyển đổi số; tăng cường kiểm tra, duy tu đối với hệ thống an ninh, an toàn đối với triển khai Đề án 06; tập trung xây dựng và hệ thống hoá hạ tầng viễn thông, cơ yếu; Đẩy mạnh hướng dẫn kiểm tra, tổ chức đào tạo huấn luyện chuyên sâu về an ninh mạng đối với Công an địa phương…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, lực lượng CAND đã và đang là lực lượng nòng cốt, tiên phong, giữ vai trò dẫn dắt trong tiến trình Chuyển đổi số quốc gia, góp phần quan trọng xây dựng xã hội số, công dân số.

Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2024 theo lộ trình, kế hoạch của Bộ, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Công an các đơn vị, địa phương cần quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo. Theo đó, Cấp ủy, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương, nhất là Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, cấp xã phải nhận thức sâu sắc Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là quá trình thay đổi tổng thể mọi phương thức, hoạt động của con người dựa trên các công nghệ số. Hoạt động của lực lượng CAND không ngoài xu thế này, trước tiên phải chuyển tư duy, hành động từ lãnh đạo, chỉ huy đến từng cán bộ, chiến sỹ.

MAI VINH