Lưới cá nơi cửa sông cái Nha Trang

Thứ tư, 28/05/2025 11:12

Mùa này, vào buổi sáng sớm, TP Nha Trang ướp những lớp sương mù nhỏ, đợi mặt trời mọc ở dãy núi Hòn Tre ngoài biển. Nếu thức dậy cùng sáng sớm, ra biển giờ này, bạn sẽ thấy cả con đường Trần Phú rộn rịp hẳn lên bởi người đi tắm biển sớm và người đi tập thể dục.

Đó là nhịp điệu sống đầy năng lượng, để trong mờ xa khi ánh nắng mặt trời còn đang bắt đầu nhô lên khỏi mặt nước, những ánh vàng đầu tiên của ngày tung ném lóng lánh thật là tuyệt đẹp. Là có một nghề tạm gọi là cuộc mưu sinh ngay cửa sông Cái, Nha Trang - nghề lưới cá theo con sóng vỗ.

Thu hoạch lưới cá trong ánh ban mai…
Thu hoạch lưới cá trong ánh ban mai…

Ngày xưa, nghĩa là mấy chục năm về trước, con đường Trần Phú kết thúc bằng Xóm Cồn, nay là Công viên BS Yersin. Sau khi di dời xóm Cồn về Hòn Rớ, ngay cửa sông Cái là cầu Trần Phú tạo điều kiện đi lại nối đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng. Để ngăn dòng xoáy của nước sông cái đổ ra biển, nhất là vào những ngày mưa lũ, bảo đảm bờ biển không bị xói mòn, một bờ kè đã được tạo nên theo dạng dốc có các ô vuông cho nước biển rút xuống, ngoài biển có những tảng bê tông và đá tảng lớn nhằm ngăn chặn sóng to. Hơn 20 năm hình thành, vào tháng ba dương lịch, khu vực này trở thành một điểm đến của mọi người khi rêu xanh xuất hiện, bám cả bờ kè, bám trên các trụ bê tông và các tảng đá ngẫu nhiên chắn sóng. Mùa rêu xanh ấy, những con sóng biển dịu dàng vào bờ, tung những ngọn sóng làm duyên, tạo ra cảnh quan rất gợi cảm.

Buổi sáng Nha Trang ở thềm rêu ấy có những người lặng lẽ vào cuộc mưu sinh với nghề mà họ nghĩ ra, sau khi phát hiện quy luật của tạo hóa. Đó là nghề lưới cá ngay cửa sông, nơi đá tảng lô nhô và nơi rêu xanh đeo bám.

Sáng sớm, người đi lưới cá đã bắt đầu công việc của mình. Đó là thức dậy chuẩn bị đồ nghề gồm đèn pin, kính lặn, giỏ đựng cá và không thể thiếu lưới bén ba màn. Tấm lưới bén 3 màn là sản phẩm quan trọng không thể thiếu trong việc đánh bắt cá, được coi là dụng cụ chuyên nghiệp hoạt động với nguyên tắc lọc theo con nước để bắt thủy sản. Chúng được sản xuất từ những sợi lưới cước mảnh như tơ đan xen vào nhau tạo thành một chiếc lồng có thể nhốt cá tôm vào trong đó. Chắc hẳn khi tắm biển, thỉnh thoảng bạn gặp những người giăng lưới ngay bờ biển buổi chiều đến tối để bắt cá, nhưng ở đây lại giăng lưới rạng sáng và ở vị trí khá độc đáo, là cửa sông.

Theo quy luật, cửa sông Cái là nơi thoát nước ra biển, đây là dòng nước lợ, có nhiều phiêu sinh vật (còn gọi là sinh vật phù du – P.V) là nguồn thức ăn cho cá. Nơi đây có những con sóng tạo ra nhiều khí oxy, cũng phù hợp cho các loài cá. Bên cạnh đó, vào mùa rêu - cũng là nguồn thức ăn cho cá, nên giăng lưới bắt chúng là công việc độc đáo. Tuy nhiên, ít người chọn ngay ghềnh đá giăng lưới vì sợ rách lưới và nguy hiểm.

Vào thời điểm rạng sáng, khi mặt trời còn chưa ló dạng, chỉ có ánh đèn hắt rọi từ công viên và từ cầu Trần Phú, người giăng lưới đã quen với chỗ đánh bắt, anh men theo con đường dọc theo kè đá, chọn một chỗ để vật dụng và chuẩn bị lưới. Tấm lưới tiêu chuẩn 100 mét có phao bên trên và chì bên dưới không thể trôi được vì một đầu được giữ bằng tảng đá, đầu kia là một cọc gỗ đã cắm sẵn. Vùng biển này chỉ sâu độ 1,5 mét, vừa đủ cho mảnh lưới chạm vào đáy biển, vừa đủ thành một tấm màn vô hình để lũ cá đi tìm mồi vướng vào. Công việc giăng lưới kéo dài 30 phút hoặc hơn thế nửa, chỉ với chiếc đèn pin trên đầu để quan sát.

Sau khi thả lưới, thường thì người giăng lưới đi dạo quanh tập thể dục hoặc nhâm nhi ly cà phê mang theo, ngắm biển, chờ ánh bình minh nhô lên. Khoảng 5 giờ 30 sáng là bắt đầu thu lưới hoặc có thể trễ hơn một chút. Công việc thu lưới bắt đầu từ ngoài vào trong. Lưới cứ được gom lần gom lần cho đến hết nằm gọn trên tay, trong bình minh. Tôi thấy trong mảnh lưới có nhiều cá, có cả những con cá mú rất lớn, có cá chim và nhiều loại cá khác. Thỉnh thoảng có con ghẹ cũng đi lạc vào lưới, tạo nên sự đa dạng của mẻ lưới của một buổi sáng thả lưới ngay của sông Cái.

Khuê Việt Trường